“Giáo dục sớm” cứ tưởng là một “trào lưu”, nay đã thành một chương trình giáo dục được rất nhiều bậc phụ huynh ưa chuộng, tìm hiểu và đầu tư cho con mình. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, việc giáo dục sớm đang vì các con hay vì cha mẹ?
Trên thế giới, khái niệm “giáo dục sớm” không có gì xa lạ, đặc biệt ở các nước có nền giáo dục tiên tiến như Anh, Mỹ, Úc, Nhật Bản… Cũng bởi có nguồn gốc từ cái tên những “ông lớn” trong ngành giáo dục thế giới, nên các bậc phụ huynh ở Việt Nam cũng quan tâm và không ít cha mẹ “phát cuồng” với những phương pháp giáo dục mới.
Không khó để nhận thấy những lời quảng cáo hoặc giới thiệu dày đặt trên các kênh mạng xã hội: “Trẻ biết đọc khi mới lên 3”, “Bốn tuổi đọc viết thông thạo”, “Bé 2 tuổi có khả năng nhận biết mặt chữ”… rất hấp dẫn và kích thích, đánh đúng tâm lý của các bậc phụ huynh – hầu hết luôn muốn con mình trở thành “thiên tài”.
Học cho con…
Không thể phủ nhận lợi ích mà các phương pháp giáo dục sớm được nghiên cứu một cách đúng đắn mang lại. Trên thực tế, những năm đầu đời rất quan trọng cho trẻ, bởi đây là giai đoạn não bộ phát triển với tốc độ nhanh nhất, đạt đến 80% thể tích – và là cơ hội vàng để trẻ tiếp thu nhanh và phát triển khả năng, kỹ năng cần thiết cho mình.
Một đứa trẻ được dạy dỗ cẩn thận, đúng đắn trước 3 tuổi – và quá trình này cần được tiếp tục sau đó – sẽ giúp con có thiên hướng và cơ hội phát triển toàn diện hơn. Với lý do và mong muốn “tạo tiền đề”, cho con cơ hội phát triển toàn diện mà rất nhiều cha mẹ đang “điên cuồng” thử qua lại rất nhiều phương pháp một cách vô cùng kiên nhẫn.
Nhưng, việc “dạy dỗ cẩn thận” không phải là “ép con học”, bắt con biết càng nhiều càng tốt, nhồi nhét tất cả mọi thứ có thể vào đầu con và nghĩ rằng “rơi rớt dần là vừa”. Ở giai đoạn đầu đời, trẻ phát triển nhờ vào các hoạt động vui chơi tự nhiên. Việc cha mẹ áp dụng giáo dục sớm nếu làm không đúng đắn và cẩn thận, điều này sẽ tạo áp lực cho não trẻ, gây ra những tổn thương không thể phục hồi trong tương lai.
Trẻ theo học chương trình giáo dục sớm đúng cách sẽ tự tin và hạnh phúc với cuộc sống theo một cách rất riêng
Hay học cho cha mẹ?
Không có gì sai khi phụ huynh trông chờ, hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn của con cái. Với văn hóa người châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, con cái thành công là niềm tự hào, hãnh diện của cha mẹ. Vì vậy, nhiều cha mẹ không tiếc tiền triệu, tiền trăm để đầu tư sớm cho con. Đôi khi, chỉ để có mục tiêu “ngắn hạn” là khoe “con em biết đọc rồi”, “con em nói tiếng Anh được từ hồi 3 tuổi, còn giỏi hơn tiếng Việt”…
Theo bà Phùng Thị Hải Âu – chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục sớm cho trẻ em cho rằng, “Giáo dục sớm không phải ép con biết đọc, biết viết sớm và cho rằng như vậy sẽ giúp con thông minh. Giáo dục sớm cho con cũng chính là cơ hội “dạy” cho chính cha mẹ. Bản thân cha mẹ cũng cần phải tìm hiểu đúng đắn các kiến thức nuôi dạy con, tạo ra cho con một môi trường học, môi trường sống năng động, dành nhiều thời gian cho con để giúp con tìm ra năng khiếu, sở thích và tiềm năng thực sự của mình. Và cuối cùng, đó là cho con một tuổi thơ hạnh phúc.”
Giáo dục sớm là giáo dục toàn diện, về ngôn ngữ, kỹ năng, tình cảm, xã hội… chứ không chỉ đơn giản là ép con học đọc, học viết. Và để như thế, cha mẹ là tấm gương sáng để con nhìn vào và học theo. Việc tiếp thu những cái mới trong sự vui vẻ, hạnh phúc, yêu thương của cha mẹ thông qua các trò chơi lành mạnh sẽ giúp các tế bào thần kinh của trẻ liên kết chặt chẽ với nhau, tạo được tiền đề cho việc học hỏi, tư duy và sáng tạo trong tương lai.
Nhà tâm lý WilliamGlasser đã nói rằng: “Chúng ta học được 10% những gì đã đọc, 20% những thứ đã nghe, 30% những thứ nhìn thấy, 50% những cái vừa thấy vừa nghe, 70% từ thảo luận, 80% từ trải nghiệm, và 95% những gì chúng dạy lại người khác”. Và đó, cha mẹ cần hiểu rằng, cách dạy tốt nhất là để cho trẻ được trải nghiệm thật nhiều từ thực tế và thật vui, thay vì những bài học vẹt sáo rỗng.
Việc học của trẻ mầm non chính là trải nghiệm thực tế và thu hoạch “vốn sống” cho riêng mình
Giáo dục sớm cho con là xu thế, và nếu ứng dụng đúng phương pháp, nó sẽ là giai đoạn quan trọng, “bản lề” và là tiền đề cho sự phát triển trí não của trẻ. Vì thế, cha mẹ cũng cần khéo léo và thông minh khi áp dụng các phương pháp học với mục tiêu “học để tốt cho con” chứ không phải vì “sĩ diện” của cha mẹ, cho bằng bạn bằng bè. Điều đó sẽ tạo áp lực không cần thiết, thậm chí là tổn thương nhận thức vĩnh viễn cho trẻ.