Chỉ cho trẻ uống sữa bò tươi khi trẻ đã hơn một tuổi
Trường hợp mẹ thiếu hoặc mất sữa thì phải cho bé uống sữa bột công thức thay thế chứ không cho bé uống sữa tươi.
Sữa bột công thức được chế biến dựa trên những thành phần cơ bản của sữa mẹ tùy theo tháng tuổi của trẻ. Do đó các bạn sẽ thấy các sữa công thức khác nhau dành cho những độ tuổi khác nhau. Bắt đầu từ sữa bò tươi, người ta phải tìm cách bỏ ra một số chất quá dư thừa và thêm vào một số chất khác để công thức gần giống sữa mẹ, giúp trẻ có thể hấp thu và phát triển tốt nếu thiếu sữa mẹ.
Sữa tươi vẫn là một nguồn dinh dưỡng rất quý đối với trẻ, tuy nhiên so với sữa mẹ, thành phần của sữa tươi quá nhiều đạm gây quá tải cho thận (mà 88% là đạm casein rất khó tiêu với trẻ nhỏ).
Trong khi đó tổng đạm trong sữa mẹ chưa tới ½ đạm trong sữa bò tươi, với 30-40% là casein, chủ yếu 60-70% là đạm hòa tan whey giúp dễ hấp thu và phát triển hệ thống miễn dịch. Sữa mẹ giàu lactose giúp phát triển não, hệ khuẩn ruột, hấp thu canxi tốt, ngay cả thành phần sữa béo cũng có nhiều khác biệt. Trong sữa tươi thành phần sắt rất thấp và khó hấp thu, do đó Tổ chức Y tế Thế giới khuyên không nên dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Nếu trẻ thiếu sắt trong những năm đầu đời sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ về sau và tổn thương này có thể là vĩnh viễn không hồi phục.
Dưới 12 tháng tuổi, bộ máy tiêu hóa của trẻ vẫn chưa thể chuyển hóa được các loại protein phức tạp trong sữa bò tươi. Khi đó chúng không chỉ gây quá tải cho dạ dày và thận của bé, mà nhiều nghiên cứu còn cho thấy còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường (nhất là tiền sử gia đình đã có người mắc bệnh này), trẻ còn dễ mắc các bệnh dị ứng như eczema(chàm), hen…
Ngoài ra, lactoza có trong sữa tươi thúc đẩy sản sinh trực khuẩn của đại tràng, đồng thời thành phần khoáng chất làm gia tăng hoạt động của thận gấp hai lần gây ra hiện tượng trẻ mất nước, táo bón, nóng trong.
Vì vậy sữa tươi chỉ dùng được cho trẻ trên 1 tuổi, khi hệ tiêu hóa và thận của trẻ tương đối hoàn chỉnh, não đã phát triển khá, trẻ có thể nhận được các nguồn sắt, kẽm, vitamin và các chất dinh dưỡng cần thiết khác từ một chế độ ăn bổ sung đa dạng
Số lượng
Chỉ nên bổ sung sữa tươi vào chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ trên 1 tuổi, tốt nhất là trẻ trên 2 tuổi với liều lượng khoảng 200-300ml/ngày. Trẻ nên được xen kẽ những loại sữa công thức (dạng bột pha hay dạng pha sẵn) vì đã được bổ sung sắt, kẽm, vi chất… cần thiết cho nhu cầu phát triển của trẻ theo các lứa tuổi.
Với trẻ 2-3 tuổi trở lên, có thể cho trẻ uống lượng sữa tươi nhiều hơn, vì lúc này chế độ ăn đa dạng sẽ giúp trẻ nhận đủ các dưỡng chất và trẻ có khả năng tiêu hóa, hấp thu các thức ăn tốt hơn. Với thiếu niên, có thể sử dụng sữa tươi thay sữa bột, đảm bảo tổng lượng sữa từ 500-700ml/ngày. Ngoài ra kết hợp chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất.
Lưu ý về số lượng rất quan trọng, vì nhiều cha mẹ cứ nghĩ sữa tốt cho sức khỏe, nhất là chiều cao của con nên cứ cố “ép” con uống càng nhiều càng tốt. Nếu uống quá nhiều sữa, trẻ sẽ dễ béo phì, hoặc trẻ không được rèn luyện thói quen nhai,lâu dài kén ăn các thức ăn đặc dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu chất xơ gây bón, phát triển không cân đối…
Loại sữa
Đối với trẻ dưới 2 tuổi, nếu uống sữa tươi nên chọn sữa nguyên kem, không nên chọn sữa tách béo (trừ khi có chỉ định của bác sĩ) vì lúc này não cần chất béo để phát triển. Trẻ trên 2 tuổi nếu đã thừa cân béo phì thì nên dùng sữa tách béo một phần hoặc toàn phần.
Nếu trẻ đã đủ cân nặng, nên chọn sữa không đường để giảm bớt lượng đường hấp thu nhanh trong khẩu phần vì không có lợi cho sức khỏe. Nếu uống sữa có đường thì sau khi uống nên súc miệng để tránh bị sâu răng (do đường bám trên men răng và bị các vi khuẩn sử dụng, sinh ra acid gây hỏng men răng), đồng thời giảm lượng đường đưa vào cơ thể từ những thực phẩm khác sao cho tổng lượng đường trong ngày dưới 20g.
Sữa tươi bao gồm 3 loại là sữa vắt trực tiếp, sữa thanh trùng và tiệt trùng. Trong đó chỉ nên cho trẻ uống sữa thanh trùng, tiệt trùng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không nên uống sữa bò vắt trực tiếp vì không đảm bảo sạch vi khuẩn, có nguy cơ nhiễm khuẩn tiêu hóa. Nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm độc cao nhất là với các cơ sở chăn nuôi vắt thủ công, quy trình vắt không sạch, chuồng trại không đúng tiêu chuẩn, bảo quản và vận chuyển không đảm bảo chất lượng.
Các chế phẩm làm từ sữa tươi như yogurt, váng sữa, phô mai, thường được các bà mẹ sử dụng cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên chỉ nên sử dụng ở mức vừa phải, giúp trẻ làm quen với nhiều mùi vị và đa dạng hóa thức ăn, nếu sử dụng nhiều thì hiệu quả tương tự uống nhiều sữa tươi.
Theo BS.CK2.Nguyễn Thị Thu Hậu- TK.Dinh dưỡng, benhviennhidong.org.vn