Không ít phụ huynh bày tỏ mong muốn để con ngủ riêng, hình thành khả năng tự lập. Tuy nhiên, để trẻ ngủ riêng là điều không hề dễ dàng. Chuyên gia cho rằng, cả bố mẹ và con đều cần chuẩn bị tâm lý khi trẻ sắp bước vào giai đoạn mới.
Phụ huynh cần trao đổi với trẻ về kế hoạch cho con ra ngủ riêng. Ảnh minh họa
Cần sự sẵn sàng từ phụ huynh
Chị Kim Yến - chủ một siêu thị bán đồ trẻ em - chia sẻ, không ít bà mẹ học theo các phương pháp trên mạng và cho con ngủ riêng từ sớm. Tuy nhiên, nữ phụ huynh này cho biết, các bà mẹ được khuyến cáo không nên cho con ngủ riêng khi bé chưa tới 4 tháng tuổi.
"Bé Mỡ nhà tôi có thể tự ngủ đúng giờ từ khi mới 3 tháng tuổi. Thậm chí, có hôm khi tôi đang nói chuyện điện thoại, cháu cũng tự giác bò vào cũi vì đến giờ ngủ. Tôi nghĩ, các phụ huynh cần thường xuyên kiểm tra bé nếu cho con ngủ riêng từ sớm. Việc lắp camera trong phòng để quan sát khi con ngủ cũng là điều cần thiết", chị Yến nói.
Bà mẹ trẻ này chia sẻ, bé Mỡ có thể ngủ một mình rất ngoan. Nhờ vậy, chị thường xuyên tranh thủ kinh doanh trong lúc con nằm ngủ.
Trong khi đó, chị Đặng Tâm, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, cho biết: "Ban đầu, tôi cũng lên kế hoạch cho con ngủ ở cũi thay vì nằm với bố mẹ. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, vợ chồng tôi mới nhận ra rằng, để con ngủ riêng là vô cùng khó khăn. Mỗi đêm, tôi phải đặt báo thức dậy lấy sữa vào bình cho con. Khi đó, tôi nghĩ tại sao mình lại phải làm vậy trong khi có thể để bé nằm cạnh và dễ dàng chăm sóc con hơn?".
Theo ThS Nguyễn Thị Diệu Anh thuộc khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), tình mẫu tử hình thành từ lúc trẻ được mẹ mang thai. Đặc biệt, ở giai đoạn khi bé dưới 3 tuổi, mối quan hệ mẹ con được thể hiện qua sự vuốt ve, bồng bế, chăm sóc. Những thể hiện này càng nhiều thì trẻ càng có tâm lý vững vàng, an tâm.
Sau 3 tuổi, trẻ có thể sẵn sàng cho những hoạt động xã hội như học mẫu giáo, tự lập theo độ tuổi, bao gồm việc tự ngủ một mình.
Trong khi đó, xét về yếu tố văn hóa, có sự khác biệt không nhỏ giữa Việt Nam và các nước phương Tây.
"Ở nhiều nước, phụ huynh thường cho con ngủ riêng ngay từ khi mới chào đời với quan niệm để con tự lập từ nhỏ. Tuy nhiên, ở nước ta, điều này là rất hiếm. Vì vậy, không có con số chính xác là mấy tuổi để trẻ có thể ngủ riêng. Yếu tố quan trọng là phụ huynh đã sẵn sàng hay chưa? Tuy nhiên, trẻ 3 tuổi đã có thể tách khỏi bố mẹ để ngủ một mình", ThS Diệu Anh chia sẻ.
Để hình thành cho con khả năng ngủ riêng, chuyên gia cho biết, trước hết, phụ huynh sẽ cầnchuẩn bị tâm lý. Bố mẹ sẽ là những người cần sẵn sàng tách con.
"Việc cho trẻ ngủ riêng là một trong những cách để bố mẹ tạo điều kiện cho con trưởng thành, không phải là hành động bỏ rơi con như một số phụ huynh nghĩ. Nếu nhìn thấy lợi ích đó, bố mẹ sẽ cho con ngủ riêng. Để yên tâm, phụ huynh có thể đặt máy thu âm bên giường và loa bên phòng mình để tiện việc theo dõi", ThS Diệu Anh nói.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng được khuyến cáo đưa ra một giới hạn cụ thể cho con. Đây sẽ là một trong những yếu tố quyết định việc trẻ có chấp nhận ngủ riêng hay tìm cách trì hoãn. Đặt ra những giới hạn nhằm khiến trẻ biết điều gì được phép làm và ngược lại. Ví dụ, dù rất muốn về phòng ngủ chung với bố mẹ, nhưng con sẽ hiểu rằng, điều đó là không được phép và phải học cách chấp nhận những quy định mới như vậy.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Thành Nhựt – Kỹ sư R&D cao cấp, đang sinh sống và làm việc tại Copenhagen, Đan Mạch chia sẻ: "Tập cho con ngủ riêng, người mẹ cũng có sức khỏe để làm tốt nhiều công việc khác. Cả nhà không stress và từ đó, cuộc sống vui vẻ hơn".
TS Nhựt cho biết thêm, người dân Đan Mạch nói riêng rất lo cho bản thân. Bởi nếu họ ốm yếu hay mệt mỏi sẽ ảnh hưởng tới cả gia đình. Chính vì vậy, họ không hy sinh giấc ngủ của mình để thức với trẻ. Đây cũng là động lực lớn để người Đan Mạch tập cho trẻ ngủ yên và ngủ riêng cho bằng được. Họ chịu được giai đoạn bé khóc vật vã ban đầu để họ được khỏe về sau.
Người dân Đan Mạch ở riêng, không sống chung với cha mẹ hay anh chị. Đa số nhà ở không cạnh sát nhà hàng xóm, vì vậy bé có khóc cũng không làm phiền ai.
Cho con thời gian thích nghi
Theo các chuyên gia, nên chotrẻ ngủ riêngsẽ giúp cả mẹ và bé có được giấc ngủ sâu hơn. Điều này có lợi cho sự phát triển của bé, là nhân tố giúp trẻ hình thành tính cách tự lập ngay từ khi còn nhỏ, không phụ thuộc và dựa dẫm vào bố mẹ.
Tuy nhiên, việc cho trẻ ngủ riêng cũng cần phù hợp với từng gia đình bởi nó cũng mang lại tiêu cực khi bé khóc, kêu la quá lâu mà cha mẹ không biết sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Chính vì vậy, điều này cần được nghiên cứu thật kỹ, tính toán cho phù hợp với tâm lý từng trẻ. Nếu không thể cho trẻ ngủ riêng từ lúc nhỏ, hãy cân nhắc khi trẻ bắt đầu lên 3 tuổi.
Theo ThS Diệu Anh, để hình thành một thói quen, trẻ cần thời gian để thích nghi và vì vậy, việc bắt đầu ngủ riêng chắc chắn sẽ không hề dễ dàng.
Khi bắt đầu ngủ riêng, các con thường có xu hướng mè nheo, nài nỉ để được về phòng bố mẹ. Vì vậy, giai đoạn đầu, phụ huynh cần giữ vững quan điểm và kiên quyết. Ngược lại, nếu bố mẹ để con về phòng cùng mình, trẻ sẽ cho rằng, chỉ cần mè nheo, nài nỉ là sẽ không phải ngủ một mình.
Bên cạnh việc xác định tâm lý cho chính mình, bố mẹ cũng cần chuẩn bị tâm lý cho con. Để dễ dàng cho cả trẻ và phụ huynh, việc ngủ riêng cần được áp dụng một cách từ từ và theo từng bước.
Trước hết, phụ huynh cần trao đổi với trẻ về kế hoạch cho con ra ngủ riêng. Bố mẹ được khuyến cáo giải thích với con về lợi ích của việc có góc riêng hoặc phòng riêng, như: Con sẽ được trang trí phòng hoặc chỗ ngủ theo ý thích, tự chọn chăn màn, đèn ngủ...
"Việc trao đổi và thảo luận cùng trẻ sẽ giúp con tự đưa ra ý kiến và cho phép phụ huynh nắm bắt tâm lý xem liệu bé đã sẵn sàng chưa", chuyên gia nhấn mạnh.
ThS Diệu Anh cho biết, để con có thể hình thành thói quen ngủ riêng, bố mẹ sẽ cần thực hiện theo một số giai đoạn. Bước đầu, phụ huynh nên để con ngủ ở giường riêng, ngay bên cạnh nơi ngủ của bố mẹ.
Sau đó, bố mẹ cần sử dụng một bức ngăn, chia cách giường của mình với con. Cuối cùng, phụ huynh có thể chuẩn bị sẵn phòng cho con và động viên trẻ ngủ riêng. Thông thường, mỗi giai đoạn sẽ diễn ra cách nhau 1 - 2 tuần. Tuy nhiên, bố mẹ được khuyến cáo chú trọng tới tâm lý của trẻ để quyết định đã nên chuyển sang giai đoạn tiếp theo hay chưa.
"Để duy trì sự gần gũi, thân mật và giúp trẻ không cảm thấy xa cách hoặc hụt hẫng khi mới ngủ riêng, phụ huynh vẫn cần duy trì những việc làm trước khi ngủ như: Đọc sách, kể chuyện, trò chuyện, chơi vài trò nhẹ nhàng với con...", ThS Nguyễn Thị Diệu Anh cho hay.