Điều quan trọng mà các bậc cha mẹ cần lưu ý là cho dù không biết cách dạy của vợ hay chồng sai, hay bất mãn đến nhường nào, cũng không nên xung đột, cãi nhau trước mặt con cái. Điều này sẽ gây ra phản tác dụng trong việc giáo dục con cái, trẻ sẽ bị mất phương hướng. Ví dụ như khi trẻ chưa làm xong bài tập mà đòi xem tivi, mẹ bắt con phải làm bài tập xong mới được xem, còn bố thì bảo: “Cho nó xem xong 15 phút rồi học cũng được”. Kết quả là trẻ sẽ không biết nên nghe theo lời ai.
Do đó để dạy con một cách khoa học và có hiệu quả cha mẹ nên thống nhất trong cách dạy. Vợ chồng nên tăng cường trao đổi, bàn bạc với nhau về cách dạy con, có thể tham khảo nguồn sách báo hay hỏi các chuyên gia tâm lý để thống nhất một phương pháp dạy đúng đắn nhất.
Trò chuyện, khuyên bảo nhẹ nhàng khi trẻ mắc lỗi
Khi trẻ mắc một khuyết điểm nào đó, bố mẹ không được mắng con cùng một lúc mà chỉ nên có 1 người đứng ra phân tích, giải thích cho trẻ hiểu tại sao con lại sai, còn người kia nên im lặng và đứng một bên theo dõi. Bố mẹ nên tránh trường hợp người này la mắng còn người kia bênh vực. Sự không thống nhất này sẽ khiến cho trẻ dựa dẫm vào người khác, dẫn đến việc lì lợm, không nghe lời bố mẹ.
Vợ chồng nên thống nhất trách nhiệm nhất định trong việc giáo dục trẻ. Thông thường trong một gia đình, mẹ là người dạy con làm việc nhà, thường là người thể hiện tình cảm yêu thương dịu dàng, còn bố là người giúp đỡ con học tập, dạy cho con sự tự lập, mạnh dạn và tự tin trong cuộc sống.
Ngoài ra, những lời nói, hành vi ứng xử của người lớn có ảnh hưởng rất lớn đến trẻ. Do đó, cha mẹ phải là tấm gương tốt cho con trẻ noi theo. Cha mẹ không nên xung đột trước mặt trẻ, khi có điều bất hoà hãy giải quyết ở phòng riêng.
Dạy dỗ con cái là cả một quá trình lâu dài, không phải ngày một ngày hai là giải quyết được. Do đó, cha mẹ nên có chung quan điểm và thống nhất cách giáo dục trẻ để trẻ được lớn lên trong tình yêu thương và phát triển một cách tốt nhất.