Đôi khi tôi tự hỏi, đến cha mẹ là người lớn còn có rất nhiều lúc không thể giữ bình tĩnh thì tại sao lại yêu cầu một đứa trẻ điều đó? Và quả thật việc làm cha mẹ đã dạy tôi rất nhiều trong việc giữ bình tĩnh trước mọi điều trong cuộc sống.
Tôi cũng muốn kể cho các bạn nghe 1 câu chuyện. Năm 2012 tôi có đợt đi công tác ngắn ngày tại Mỹ. Lúc dừng chân tại sân bay Sanfransico, tôi để ý một cặp vợ chồng đi cùng hai đứa con nhỏ, đứa bé nhất tầm 3 tuổi. Khi đó, hai vợ chồng ngồi trên băng ghế trong khi 2 đứa trẻ chạy nhảy xung quanh cùng vali của chúng. Sau một hồi chơi chán chê, cậu bé đến gần và xin người lớn một thứ gì đó và người cha lắc đầu, “say no”. Và, suốt hơn nửa tiếng tiếp theo, hoạt động này liên tục được cậu bé lặp đi lặp lại 1 cách kiên trì – và người cha cũng như thế, lắc đầu, giữ nguyên thái độ, không bực tức, không la lối, không nạt nộ – dù cậu bé áp dụng đủ “chiêu trò” mà một đứa trẻ có thể nghĩ ra.
Đã nhiều năm rồi nhưng đến giờ tôi vẫn rất ấn tượng, bởi cách giáo dục con của người nước ngoài cực kỳ bình yên và đầy kiên nhẫn như thế.
Tuy không hề dễ dàng, nhưng nếu muốn dạy con tự nhiên và khoa học, cha mẹ hãy luôn ghi nhớ rằng: “Stay calm and Stand firm” – Luôn bình tĩnh và giữ vững lập trường.
Ví dụ: Mọi đứa trẻ đều thích chơi với nước. Tuy nhiên, khi đó trẻ có thể ướt áo và có thể bị lạnh. Ba mẹ có thể cho con chơi (áp dụng Natural Consequences – để trẻ lựa chọn và quyết định và trải nghiệm kết quả/hệ quả một cách tự nhiên do lựa chọn của trẻ), nhưng ba mẹ hãy giải thích cho trẻ hiểu rằng, nếu chơi nước và bị ướt, trẻ phải tự thay đồ và sẽ bị phạt, không được ăn món ăn yêu thích trong 2 ngày chẳng hạn (áp dụng Logical Consequences: Để trẻ đưa ra lựa chọn và quyết định và trải nghiệm hệ quả/kết quả một cách có sắp đặt và chủ định của ba mẹ hay người thân).
Xác suất sau khi chơi, trẻ không chịu thay đồ và vẫn mè nheo đòi ăn bánh là cực kỳ cao. Cha mẹ cần phải cứng rắn với quyết định của mình – với một trạng thái bình tĩnh nhất, không được thể hiện sự giận dữ, khó chịu của mình. Tôi biết rằng nói về việc này rất dễ, nhưng khi bắt tay làm thực sự rất khó. Nhưng, là người lớn, chúng ta không bao giờ nên cho trẻ con thấy sự tức giận, thậm chí la hét, quát tháo của mình, vì:
– Trẻ không học được điều gì tích cực – khi tức giận và áp lực.
– Cha mẹ nên là tấm gương cho trẻ noi theo, bởi chắc chắn bạn không muốn con mình trở thành bản sao của chính mình: Trẻ điềm đạm, không nổi nóng, không la hét khi gặp vấn đề không vừa ý – là do học được từ cha mẹ chúng.
– Natural and Logical consequences hỗ trợ tối đa cho cơn giận dữ của phụ huynh dựa trên hành vi không đúng của trẻ. Tuy nhiên, đứng trên lập trường của trẻ – đặc biệt dưới 3,5 tuổi – thì hầu như không biết và không định nghĩa được việc đúng – sai. Lúc này, trẻ chỉ muốn và có nhu cầu được khám phá và tìm hiểu. Chính vì vậy, hầu hết các tình huống trong trường hợp này, cơn giận dữ của phụ huynh đang đứng trên lập trường của người lớn để nhìn nhận vấn đề theo tư duy ứng xử của người lớn. Áp nguyên tắc xử sự của người lớn lên trẻ con là không đúng.
Rất nhiều cha mẹ Việt còn la mắng, nổi giận với con. Đó là điều cần thay đổi, tuy không thể ngày một ngày hai. Cha mẹ nên hiểu rằng, dạy con trẻ nên bằng phương pháp khuyến khích và áp dụng cách thức này để rèn trẻ có kỷ luật một cách tích cực nhất. Và đó cũng là cách mà bậc phụ huynh chúng ta “rèn” lại chính mình.
Chúc các cha mẹ thành công.