Đã qua rồi thời tâm lý cha mẹ “đặt đâu con ngồi đó”, ngược lại, hầu hết các bậc cha mẹ đều mong muốn được làm bạn với con, đồng hành cùng con trên hành trình tuổi thơ tươi đẹp. Nhưng từ mong muốn đến thực hiện là cả một khoảng cách không dễ vượt qua. Những gợi ý sau sẽ là bí quyết hữu ích để bạn bắt đầu có được “tình bạn” với con.
Muốn đồng hành, trước tiên phải bình đẳng
Rõ ràng là bạn không bao giờ dùng thái độ “bề trên” để nói chuyện với bạn bè, đúng không? Nên với người bạn nhỏ đặc biệt này, đầu tiên bạn phải thay đổi thái độ của mình. Đây chính là cách bạn đặt bản thân vào vị trí của con để thấu hiểu, cảm thông và giải quyết vấn đề một cách hợp lý nhất. Quan trọng là đừng nghĩ “Con còn nhỏ không biết gì!”. Trẻ em rất nhạy cảm, mọi lời bạn nói, mọi thái độ bạn thể hiện đều tạo ra năng lượng trực tiếp mà bé sẽ cảm nhận. Hãy kiên nhẫn và tôn trọng con khi đối thoại, như việc ngồi hoặc quỳ xuống để mắt nhìn mắt ngang hàng với con, lắng nghe quan điểm của con, đừng thất hứa và tránh xa những lý giải kiểu “Vì con là con nít!”.
Muốn đồng hành, cần dành thời gian
Bạn có thể nghĩ rằng mỗi ngày đã dùng 3-4 tiếng cho con. Thời gian đó bao gồm các công việc như cho ăn, tắm rửa, dạy học. Nhưng những hoạt động này chỉ đang dừng lại ở việc chăm sóc cơ bản cho con thôi. Thời gian để bạn thật sự chuyện trò với con, chơi đùa cùng con mới là lúc kết nối sâu sắc nhất giữa bạn và người bạn nhỏ của mình. Điều này nghe có vẻ quá lý tưởng nhưng không nhất thiết bạn phải trò chuyện thật lâu với con, chỉ cần trò chuyện thật chất lượng. Nghĩa là, vào những giây phút đó, hãy tận hưởng hoàn toàn cảm giác hòa mình với thế giới của con và hãy tận tâm khi làm điều đó. Con trẻ lớn rất nhanh, rồi bạn sẽ nhớ những khoảnh khắc như thế này nhiều lắm!
Đừng đưa ra thông điệp “Tình yêu có điều kiện”
Dường như những câu nói với con trẻ như “Ăn ngoan mẹ mới thương!” hay “Đừng vòi vĩnh mẹ không thương!” đã trở nên quen thuộc và bình thường. Nhưng bạn có biết đó là tín hiệu của việc yêu thương có điều kiện. Việc này tạo ra một khoảng cách giữa bạn và con, tạo ra sự bất an vì “yêu thương có thể biến mất nếu mình không làm theo ý cha mẹ”. Thay vì dùng yêu thương như một phần thưởng hay hình phạt, hãy lí giải cho trẻ vì sao không nên làm như vậy. Đó cũng là cách bé học về mọi điều trong cuộc sống một cách rộng mở, dũng cảm và trực tiếp.
Chơi. Chơi. Chơi.
Không có gì hữu hiệu để trở thành bạn của con bằng việc chơi cùng con. Bạn có thể nghĩ rằng việc cho con đến các trung tâm học tập, các chương trình huấn luyện sẽ rất có ích về sau cho tương lai của con. Nhưng đừng quên, chỉ khi chơi cùng bạn, những gắn kết, tin tưởng và niềm vui mới nảy nở rực rỡ nhất trong lòng con. Việc của bạn là chọn cách chơi sao cho bổ ích, để con học được càng nhiều càng tốt trong lúc chơi. Những chuyến du lịch với con, những lần ngồi vẽ, chơi trốn tìm cùng con chính là những ký ức tươi đẹp để mãi về sau, khi nhớ về, con vẫn cảm thấy mình đã có “người bạn lớn” tuyệt vời đến thế nào.
Thường xuyên thể hiện cử chỉ yêu thương
Sau tất cả những chuyện trò, những hoạt động gắn kết với con, còn một bí quyết nữa để cây tình bạn giữa cha mẹ và con luôn xanh tốt. Đó là bày tỏ yêu thương. Những cử chỉ như ôm, hôn, cầm tay, vuốt tóc chính là nguồn nước tưới ngọt lành cho cây tình bạn trong gia đình. Đây là ngôn ngữ khác, trực tiếp hơn để nói với con rằng bạn yêu thương, gần gũi, sẵn sàng lắng nghe và ở bên con bất cứ lúc nào.
Làm bạn với con là hành trình đầy thú vị, và hãy chắc chắn rằng, bạn sẽ muốn đồng hành bằng tất cả trái tim.