Toán học là môn giúp trẻ phát triển trí thông minh, khả năng tư duy, logic một cách tuyệt vời. Do đó, ngay khi được 3 tuổi mẹ đã có thể dạy trẻ những khái niệm cơ bản nhất về toán học. MarryBaby mách mẹ cách dạy con học toán rất đơn giản mà hiệu quả, tham khảo ngay mẹ nhé!
Học toán sớm không chỉ giúp trẻ phát triển về trí não mà ngay cả những kỹ năng khác như suy luận, phân tích, giải quyết vấn đề… cũng được hình thành từ sớm. Thế giới xung quanh trong mắt những đứa trẻ giỏi toán không giống những trẻ bình thường khác. Mọi sự việc diễn ra trẻ đều tiếp nhận một cách nhanh chóng với thái độ tích cực, sự nhạy bén hơn người.
Chính vì những lợi ích này, hầu hết các bậc cha mẹ đều mong muốn con mình học thật giỏi môn toán mà không ngần ngại đầu tư: các giáo cụ, phương pháp học, chọn trường học… và luôn thúc ép trẻ phải học. Nhưng thực ra, để giỏi toán phải xuất phát điểm từ việc trẻ thật sự yêu thích toán học. Do đó, ngay từ khi lên 3 cha mẹ cần biết cách dạy con học một cách đúng đắn, vừa học vừa chơi để bé cảm thấy thích thú ngay từ đầu.
Toán học rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ
Trẻ 3 tuổi học toán những gì?
Nói là học nhưng trên thực tế trẻ 3 tuổi chỉ mới bắt đầu làm quen dần với những khái niệm cơ bản liên quan đến toán học chẳng hạn như đếm số, nhận biết hình dạng, kích thước, lớn nhỏ, nhiều ít, dài hay ngắn…
Cho nên không thể ngay lập tức bạn bắt bé phải học và nhớ hết các mặt số, đọc thuộc lòng từ 1 đến 10 hoặc hơn, hay tính các phép cộng trừ đơn giản… Điều quan trọng nhất về cách dạy con học toán ở lứa tuổi này chính là tạo cho bé sự thích thú, học toán từ những điều đơn giản nhất trong cuộc sống.
Cách dạy con về toán học
1. Học đếm số
Đây là bài học “vỡ lòng” dành cho con khi bắt đầu học toán, trẻ có thể ghi nhớ được rất lâu nên bạn hãy dạy con đếm số bằng cách:
Bước đầu tập cho bé nói từ 1 đến 5 hoặc từ 1 đến 10, mỗi người có 10 đầu ngón tay nên bạn hãy vừa nói vừa chỉ vào đó. Mỗi ngày học một ít qua vài ngày bé sẽ tự đếm được. Sau đó tiếp tục tăng lên các con số hàng chục.
Ngoài ra, để tăng thêm sự hứng khởi, bạn còn có thể dạy trẻ học đếm thông qua việc giúp mẹ đếm các vật dụng trong nhà, lấy cho mẹ 2 cái này, 3 cái kia…
Giúp bé nhận biết được thế nào là con số tổng, ví dụ như: Mẹ cho bé đếm số lượng các viên kẹo trong rổ, sau đó hỏi lại: “Vậy trong rổ có tất cả bao nhiêu viên kẹo?”. Lúc đầu bé không trả lời được và mẹ hãy trả lời thay, điều này giúp trẻ sớm biết thế nào là tổng số đếm.
Sau khi đã biết số tổng, bạn hãy giúp bé biết về các phép tính cộng trừ đơn giản thông qua việc thêm bớt các đồ vật. “Con đã có 5 viên kẹo, bố cho thêm 1 viên nữa là bao nhiêu? Hoặc, con cho em bớt 1 viên, vậy con còn lại mấy viên?”. Do trẻ chưa biết ước lượng và tính nhẩm nên mẹ hãy để con đếm các hiện vật cụ thể. Dần dần bé sẽ quen dần với việc tính toán.
2. Cách dạy con học hình học
Chắc chắn bé chưa biết được thế nào là tam giác bằng, tam giác đều nhưng bé đã có thể học về những hình học dạng cơ bản như: Hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật, hình trụ, hình tam giác…
Mẹ nên chuẩn bị một bộ đồ chơi lắp ráp với nhiều hình khối khác nhau, bắt đầu giới thiệu cho bé biết cách nhận diện các hình học. Luyện tập khả năng ghi nhớ của trẻ bằng cách chơi cùng con và nhờ con “lấy hộ mẹ 1 khối hình vuông và 1 khối hình tròn”.
Trong khi xây dựng các khối, hãy bảo với bé rằng: “Con đặt hình tam giác trên hình vuông”. Hành động này không chỉ giúp bé xác định được hình dạng cụ thể mà còn giới thiệu về mối quan hệ không gian. Kích thích khả năng sáng tạo của trẻ bằng cách kết hợp các hình dạng khác nhau để cho ra một cái gì đó mới mẻ. Ví dụ: Hai ô vuông tạo thành một hình chữ nhật, ba hình tam giác nhỏ tạo thành 1 hình tam giác lớn…
Ngoài ra, thông qua việc tương tác giữa mẹ và bé trong trò chơi bạn cũng giúp bé nhận biết thêm về màu sắc.
3. Cách dạy con học về kích thước, phân loại
Đến 3 tuổi bé đã có khả năng học và nhận biết về các kích thước cũng như phân loại được các vật khác nhau. Theo đó, mẹ hãy tạo cho con cơ hội sắp xếp các vật theo từng hạng mục lớn, nhỏ, màu sắc, giống và khác nhau.
Trong một đống đồ chơi, con hãy mẹ lấy ra cho mẹ tất cả các chiếc xe, từ đó chọn ra chiếc nào lớn, chiếc nào nhỏ. Tiếp đến là chiếc xe nào có cùng màu sắc. Hay khi xếp quần áo, “con hãy giúp mẹ lựa đồ của con ra nhé”. Quần áo của con có kích thước nhỏ hơn, ngắn hơn và cũng đáng yêu hơn. Hoặc “giúp mẹ chọn ra những đôi tất có màu giống nhau”… Những việc tưởng chừng đơn giản vậy thôi nhưng lại là bài học quý giá đối với con.
Mẹo giúp bé mau nhớ màu sắc và hình khối
Màu sắc và hình khối là một trong những khái niệm cơ bản sẽ giúp bé phát triển nhận thức. Đó là những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên khả năng toán học của một người. Việc nhận biết được những khái niệm này cũng là một dấu mốc đánh dấu quá trình phát triển của bé. Thông qua những cách tiếp cận vui nhộn và sáng tạo, bố mẹ sẽ giúp bé đạt được dấu mốc này.
Tô màu thế giới xung quanh bé
Cách tốt nhất để dạy bé về màu sắc là biến môi trường xung quanh bé thành những bài học sống động. Những vấn đề trong cuộc sống của một cô, cậu bé 2-3 tuổi rất đơn giản: Chọn đôi giày màu xanh hay màu vàng, mặc áo đỏ hay áo tím… Bất kỳ một khoảnh khắc nhỏ nào cũng có thể được biến thành thời điểm để bạn dạy con.
Mẹ thử áp dụng một vài bí quyết nho nhỏ dưới đây và sẽ thấy bé mau chóng nhận biết được rất nhiều màu sắc:
- Luôn thêm tính từ chỉ màu sắc vào trước tên sự vật: Khi nói đến một đồ vật, mẹ đừng quên thêm vào màu sắc của nó. Chẳng hạn, thay vì nói: “Con cầm giúp mẹ cái chén này nhé”, mẹ nên nói: “Con cầm giúp mẹ cái chén màu trắng này nhé”.
- Tìm những thực phẩm nhiều màu: Các loại rau củ thường có màu sắc rất đẹp mắt. Cho thêm một vài miếng ớt chuông màu đỏ, cải bó xôi màu xanh, bắp vàng tươi hay củ dền đỏ thẫm không chỉ làm món ăn trông hấp dẫn hơn mà còn giúp bé nhận ra sự khác biệt của các màu sắc và các loại thực phẩm khác nhau.
- Giờ tắm vui nhộn: Cho vào chậu tắm của bé những quả bóng nhỏ hay những món đồ chơi có màu sắc rực rỡ. Bạn có thể cho bé tự lựa chọn màu sắc đồ chơi mà mình muốn.
- Gia đình màu sắc: Mỗi thành viên của gia đình bạn đều sở hữu rất nhiều quần áo đúng không? Vậy tại sao không chọn màu sắc cho mỗi ngày? Chẳng hạn, thứ Hai là ngày cả nhà mặc đồ màu cam, thứ Ba màu đỏ, thứ Tư màu xanh lá… Đây là một cách thật thú vị để giúp bé học về màu sắc.
- Sách tranh: Những cuốn sách với nhiều hình ảnh màu là công cụ tuyệt vời để mẹ chỉ cho bé biết về màu sắc và những khái niệm, sự vật đa dạng trong cuộc sống.
Dùng tranh vẽ bàn tay là một cách vô cùng thú vị để dạy con cách pha trộn màu sắc
Biến mọi thứ thành hình khối
Mọi thứ trong nhà đều có một hình dạng nhất định và bạn có thể dùng nó để dạy cho bé. Một số mẹo hay cho mẹ đây:
- Chơi trò phân loại: Bạn thử cho bé “vọc” bộ sưu tập hộp đựng thức ăn của mình mà xem. Nào là hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật. Giao cho bé nhiệm vụ sắp xếp chúng theo hình dạng. Tiếp đến, những tô, đĩa, hộp đựng sữa, bình đựng nước đều có thể biến thành một công cụ dạy học trực quan và hiệu quả.
- Trò chơi tìm đồ vật: Thử đưa ra cho bé “nhiệm vụ” tìm một đồ vật có hình dáng đặc thù nào đó, chẳng hạn hình ngôi sao, hình đồng hồ cát. Giấu chúng ở đâu đó và tạo ra các bảng chỉ dẫn để bé thử chơi trò “săn tìm kho báu” xem nào.
- Vẽ hình dạng: Cho bé vẽ ra những hình dạng mình thích và cùng nhau “nghiên cứu” hình dạng đó. Bé sẽ có được những kinh nghiệm vẽ hình ảnh mà không cần phải phán xét chúng đúng hay sai. Tương tự, bạn có thể dùng đất nặn.
- Mỗi trẻ có một tư duy phát triển khác nhau đồng thời dạy con là cả một quá trình lâu dài, vì vậy bạn không nên bắt ép trẻ học khi trẻ không muốn. Hãy dạy con bằng cách “chơi mà học, học mà chơi”. Và tuyệt đối không so sánh con nhà người ta, điều này chỉ gây thêm áp lực bản thân mẹ và cả bé.