Tự chăm sóc mình (từ tự mặc quần áo đến tự xúc cơm) là một phần quan trọng trong quá trình phát triển của bé.
Quá trình phát triển
Hầu hết các bé bắt đầu biết tự làm một việc gì đó cho mình sau tuổi lên 1. Tuy nhiên, một vài năm nữa, bé vẫn cần cha mẹ hỗ trợ để biết cách chăm sóc mình, như mặc quần áo, đánh răng, rửa tay, tự xúc cơm và tiếp theo là tự đi vệ sinh. Khoảng 4 tuổi, các kỹ năng này ở bé sẽ ổn hơn.
Cách tự chăm sóc: Dù đến 1 tuổi, bạn mới thấy rõ khả năng tự chăm sóc ở bé nhưng từ trước 1 tuổi, bé đã có một số khả năng tự lập. Khoảng 8 tháng tuổi, bé bắt đầu hiểu một số công việc đơn giản mà bé được mẹ làm giúp hàng ngày như đi tắm, chải tóc... Vài tuần sau đó, bé bắt đầu học cách uống nước từ cốc và một vài tháng tiếp theo, bé biết tự mình uống nước bằng cốc.
Khoảng 11 tháng tuổi, bé biết tự nâng chân (tay) khi được mẹ mặc quần áo. Sau 1 tuổi, các kỹ năng tự chăm sóc ở bé phát triển và dần hoàn thiện. Khoảng 15 tháng tuổi, bé biết tự nhận diện mình qua gương (bé cố sờ tay vào gương để kiểm tra xem có bé nào khác trong ấy không).
Một số kỹ năng cơ bản của bé được hình thành như sau:
- Sử dụng thìa: Một số bé biết dùng thìa đúng cách ở tháng thứ 13 và hầu hết các bé biết nắm thìa đúng tư thế ở 17-18 tháng tuổi. Khoảng 4 tuổi, bé đã có thể cầm thìa như người lớn khi được ngồi trên bàn ăn.
- Cởi quần áo: Khoảng 13-20 tháng tuổi, bé biết tự cởi quần áo nhưng nhiều lần bé vẫn cần cha mẹ hỗ trợ.
- Đánh răng: Bé thích tự đánh răng lúc 16 tháng tuổi nhưng tất nhiên, bé chưa thể tự mình làm tốt việc này cho đến 3-4 tuổi.
- Rửa và lau tay: Kỹ năng này phát triển ở bé 19-30 tháng tuổi.
- Mặc quần áo: Bé hiểu được tuần tự mặc quần áo khi 20 tháng tuổi nhưng bé cần vài tháng nữa mới biết tự xoay sở với một cái áo phông và 1-2 năm nữa mới có thể tự mặc đồ thành thạo.
- Tự xúc cơm: 3 tuổi, bé tự xúc cơm được nhưng phải đến 4 tuổi rưỡi, kỹ năng này mới hoàn chỉnh.
Vai trò của cha mẹ
Nên nhớ, khuyến khích là chìa khóa giúp bé thành công. Bất kỳ khi nào bé muốn tự mình làm, dù làm tốt hay không, bạn nên khích lệ sự cố gắng của bé và quan trọng, nó giúp bé tự tin để làm lại lần nữa. Đừng vội vã muốn giúp bé vì bé của bạn cần đủ thời gian để học và tự mình làm mọi việc.
Cũng tránh gây áp lực cho con. Hãy kiên nhẫn vì khi bé học rửa tay và lau tay thì có thể, bé sẽ làm nước bắn tung tóe và giấy ăn (khăn lau tay) vương vãi khắp nơi; khi bé tự mặc quần áo thì có thể bé thích mặc áo dài tay khi trời nắng, đi boot trong ngày mưa... Càng cho bé thực hành nhiều, bé càng biết làm mọi việc tốt hơn.
Cha mẹ cũng nên để mắt tới bé khi bé tự chăm sóc mình. Đưa ra những giới hạn và giải thích cho con. Nói cho bé vì sao làm như thế này là nguy hiểm...
Thời điểm cần lo lắng
Kỹ năng ở bé phát triển rất khác nhau, một số bé biết nhanh và sớm hơn các bé khác nhưng nếu lên 2 tuổi, bé không quan tâm đến việc tự chăm sóc bản thân, bạn cần trao đổi với bác sĩ của bé. Những bé sinh non đạt được kỹ năng chậm hơn những bé sinh đủ tháng.