Trò chuyện luôn là một trong những công cụ quan trọng giúp cha mẹ tạo ra mối quan hệ thân thiết, gần gũi với con cái
Tuy nhiên, trong quá trình dạy con, không phải bậc cha mẹ nào cũng dễ dàng mở lời. Dưới đây là 10 câu nói “có trọng lượng” giúp phụ huynh dễ dàng giao tiếp với trẻ.
“Đây không phải lỗi của con”
Có nhiều lý do khiến một đứa trẻ bị tổn thương. Khi một đứa trẻ ở trong tình trạng này, chúng thường có những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, buồn phiền và tự trách mình. Chúng sẽ nghĩ rằng mình là người xấu, cha mẹ sẽ trừng phạt và không yêu mình nữa.
Trong tình huống này, cha mẹ hãy biến sự chỉ trích thành sự bao dung và thấu hiểu. Bằng câu nói: “Đây không phải lỗi của con” sẽ khiến đứa trẻ cảm nhận được tình yêu và sự ấm áp từ cha mẹ. Nhờ vậy, dần dần, đứa trẻ sẽ học được sự khoan dung và thấu hiểu người khác.
“Bố/ mẹ xin lỗi”
Không đứa trẻ nào muốn mình bị trách mắng, nhất là khi cha mẹ hiểu lầm về chúng. Lúc này, việc sử dụng cụm từ “Bố/ mẹ xin lỗi” sẽ cho trẻ thấy bản thân chúng được tôn trọng. Ngoài việc kịp thời làm rõ và loại bỏ những hiểu lầm, cha mẹ còn đang thiết lập một hình ảnh can đảm và làm gương cho con. Điều này có tác động rất tích cực tới con trẻ.
“Điều này sẽ không xảy ra lần nữa”
Nếu “Bố/mẹ xin lỗi” là viên thuốc cứu trái tim thì “Điều này sẽ không xảy ra lần nữa” là một viên thuốc an thần khi cha mẹ nhận ra lời nói và hành động của mình đã gây tổn thương cho con cái. Tuy nhiên, nếu cha mẹ luôn lặp đi lặp lại những cam đoan này nhưng lại không ngừng phạm lại lỗi cũ, niềm tin của trẻ cũng sẽ giảm bớt. Hiệu quả của câu nói vì thế cũng sẽ dần mất đi.
“Bố/mẹ luôn yêu con”
Khi một đứa trẻ gặp vấn đề, đặc biệt là khi chúng phạm sai lầm, điều này thật khủng khiếp với trẻ. Chúng sẽ luôn lo sợ rằng cha mẹ không tha thứ và không yêu mình nữa. Lúc này, câu nói “Bố/ mẹ luôn yêu con!” như một thông điệp gửi đến trẻ, rằng cha mẹ sẵn sàng chấp nhận con, bất kể con làm gì, trở nên như thế nào, cha mẹ vẫn luôn yêu con.
“Bố/ mẹ luôn yêu con!” là câu nói thần kỳ đối với sự phát triển tích cực của trẻ. Khi nói những từ ngữ này, một điều quan trọng, cha mẹ hãy làm những hành động đi kèm như dành thời gian chơi cùng con, cười nói, ôm hoặc thảo luận các vấn đề của con và hỗ trợ nếu cần.
“Bố/mẹ tự hào về con”
Nhiều đứa trẻ phải rơi nước mắt vì thành tích học tập của mình không như cha mẹ kỳ vọng. Nhưng có rất ít đứa trẻ nhận được sự động viên, khích lệ từ cha mẹ sau tất cả những nỗ lực. Nếu một đứa trẻ không bao giờ nhận được sự khẳng định và khuyến khích của cha mẹ, chúng sẽ trở nên cực đoan và cam chịu.
Mỗi đứa trẻ là một cá nhân độc lập. Chúng đều có sở trường, điểm mạnh, điểm yếu riêng. Và bất cứ đứa trẻ nào cũng luôn đáng tự hào. Một câu nói “Bố/mẹ tự hào về con” chính là sự khẳng định và khích lệ vô cùng lớn đối với con trẻ, giúp tiếp thêm cho trẻ sự tự tin và cảm hứng.
“Bố/mẹ sẽ không bao giờ rời xa con”
Mỗi đứa trẻ thường có những nỗi sợ hãi và lo lắng. Ví dụ, khi trẻ phạm sai lầm, chúng lo sợ cha mẹ trách mắng và bỏ rơi mình. Có vô vàn lý do khiến đứa trẻ cảm thấy bất an. Do đó, câu nói “Bố/mẹ sẽ không bao giờ rời xa con” có thể giúp đứa trẻ cảm nhận được tình yêu vô bờ bến của cha mẹ dành cho chúng. Chúng sẽ luôn cảm thấy yên tâm khi được cha mẹ che chở, đồng hành.
“Bố/mẹ cảm ơn con”
Câu nói này tưởng chừng đơn giản nhưng lại dạy cho trẻ biết về sự tôn trọng. Các kỹ năng xã hội rất quan trọng trong cuộc sống và việc cần thiết đó là tạo ra lòng biết ơn cho trẻ ngay từ khi còn bé.
“Tất cả chúng ta đều có thể mắc sai lầm”
Không ai là hoàn hảo. Giải quyết vấn đề và học hỏi từ những sai lầm là một trong kỹ năng sống cần thiết. Khi trẻ không đạt được những điều mình mong muốn, chúng sẽ coi đó không phải là thất bại mà là cơ hội để nhìn nhận lại những sai lầm và tiếp tục cố gắng hơn nữa. Trẻ có thể tự ti vào bản thân nếu người lớn chế nhạo về những điều không hoàn hảo. Trong trường hợp con mắc sai lầm, hãy nói với con câu nói trên để trẻ tự suy nghĩ.
“Con nghĩ thế nào?”
Hãy hỏi con khi cả gia đình đang tham gia vào các cuộc trò chuyện. Thể hiện những gì mình nghĩ và nói ra những điều mình cần là những kỹ năng cơ bản theo suốt cuộc đời mỗi người. Ngoài ra, khi được tham gia đóng góp ý kiến, trẻ sẽ thấy mình có một vai trò trong gia đình. Nhờ vậy chúng sẽ học được tính cần trách nhiệm hơn.