1. Nguyên tắc số 1: Bắt đầu bằng những ví dụ cụ thể
Hãy chỉ cho trẻ thấy toán học rất gần gũi và có mặt dường như ở khắp mọi nơi trong đời sống thường ngày. Rằng toán học không phải là thứ gì đó trừu tượng, mà chúng ta thật sự có thể nhìn thấy và chạm vào Toán.
Chúng ta có thể sử dụng những đồ vật xung quanh để dạy trẻ những con số, phép cộng trừ, phân số, hay thậm chí cả những khái niệm phức tạp hơn như tỉ lệ, tỉ số, đại số. Ví dụ, hỏi trẻ xem có bao nhiêu chiếc xe, toà nhà khi đang đi trên đường; đố trẻ tính toán nguyên vật liệu khi đang nấu ăn, hay vẽ trục số trên giấy, dưới sàn nhà và để trẻ đặt các con số theo thứ tự.
Tìm kiếm cơ hội để “học toán” cùng trẻ bất cứ đâu và bất cứ khi nào. Ví dụ, khi đi siêu thị, bạn có thể hỏi trẻ “Chúng ta có thể mua được bao nhiêu trái táo với 10 đồng?”, hoặc khi đi ăn tại nhà hàng, “nhờ” trẻ tính giúp xem phải trả bao nhiêu tiền. Đừng quên, toán học ở khắp nơi: bạn có thể thử thách trẻ tìm kiếm những khối hình học, hình tròn, hình vuông trên tường, cửa kính hay những ô gạch.
Trẻ em thực ra rất thích đếm, phân loại, so sánh, tìm những thứ giống và khác nhau… một cách tự nhiên.
2. Nguyên tắc số 2: Học toán là niềm vui
Một khi bạn có thể cho trẻ thấy rằng toán học thú vị như thế nào, trẻ sẽ luôn sẵn sàng học toán. Một khi trẻ đã thích thú, chẳng gì có thể ngăn cản chúng. Hãy bắt đầu bằng cách chơi những trò chơi, những dụng cụ học toán dành cho trẻ, chỉ cho chúng thấy toán học có ở khắp mọi nơi. Hầu hết trẻ em đều thích chơi trò chơi hay các hoạt động tương tác, đặc biệt là khi được cạnh tranh với bố mẹ hoặc anh chị em.
Kết hợp toán học với sở thích của trẻ cũng là một cách tuyệt vời. Nếu con bạn là một fan bóng đá? Bạn có thể lợi dụng để dạy con về cách so sánh tỉ số, tính trung bình và thống kê. Hay nếu con bạn yêu thích thời trang? Dẫn trẻ đến cửa hàng vải và cùng trẻ tính chi phi làm ra chiếc váy em thích.
3.Nguyên tắc số 3: Cởi mở đối với mọi loại câu hỏi
Trong toán học, đo lường, hình học, và đại số tất cả đều có liên hệ với nhau. Do vậy, chỉ bởi chúng ta đang nói về đại số, không có nghĩa là chúng ta không thể nhảy qua chủ đề hình học. Hãy để cuộc đối thoại giữa bạn và con diễn ra tự nhiên, dù đôi lúc nó sẽ dẫn bạn đi từ chủ đề này sang chủ đề khác nằm ngoài dự kiến của bạn. Ví dụ khi bạn đang sử dụng những miếng lego để dạy trẻ học đếm số, bạn vẫn có thể chuyển sang hình học bằng cách hỏi lại trẻ một khối lego có bao nhiêu mặt? Bao nhiêu góc? Khi chúng ta ghép một mẩu lego này vào một mẩu lego khác, chúng sẽ có bao nhiêu góc? Trẻ có thể có bất kì câu hỏi nào liên quan đến đại số, hình học, hoặc thậm chí vật lý. Cứ để mọi thứ diễn ra tự nhiên và cởi mở trả lời mọi thắc mắc của trẻ.
Có rất nhiều tình huống trong cuộc sống hàng ngày có thể chứa đựng nhiều chủ đề Toán khác nhau. Ví dụ như học về tỉ số khi đang làm bánh: Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc đo thành phần cho 5 chiếc bánh, rồi sau đó thử thách con: “Vậy chúng ta cần bao nhiêu nguyên liệu để làm ra 10 chiếc bánh?”.
4.Nguyên tắc số 4: Hãy kiên nhẫn
Là cha mẹ, đôi khi chúng ta thường thiếu kiên nhẫn, và muốn nói cho trẻ ngay kết quả thay vì chỉ cho trẻ làm thế nào để có được kết quả đó. Tuy nhiên, hãy cố gắng chống lại sự thôi thúc nói thẳng ra câu trả lời!
Sự học hỏi và nắm vững kiến thức đòi hỏi thời gian, và cả nỗ lực tìm kiếm câu trả lời, cách giải quyết cho từng vấn đề. Hãy để con bạn tự tìm ra giải pháp cho vấn đề, ngay cả khi trẻ phải mất đến 30 phút để trả lời một câu hỏi mà bạn nghĩ là rất đơn giản. Bạn có thể dẫn dắt trẻ tìm ra giải pháp bằng cách đặt câu hỏi gợi ý, nhưng đừng nói thẳng ra đáp án. Hãy để trẻ cảm thấy an tâm ngay cả khi làm sai hay mắc lỗi, thay vì đưa ra câu trả lời, việc để trẻ tự nghĩ ra giải pháp sẽ giúp em hiểu kĩ hơn, nhớ lâu hơn.
Trẻ con luôn tò mò về thế giới xung quanh. Chúng quan sát, khám phá, đặt câu hỏi, thắc mắc, và từ đó, học được nhiều điều. Là cha mẹ và là những người làm thầy, điều quan trọng nhất là có thể giúp trẻ phát triển được sự tự tin giải quyết bất kỳ vấn đề toán học nào mà các em gặp phải, và những nguyên tắc trên chính là một vài gợi ý giúp bạn luyện tập toán với trẻ, vừa giúp con hiểu và học toán tốt hơn, vừa khiến con yêu thích học toán. Đừng quên: hãy bắt đầu từ những ví dụ cụ thể, cho trẻ thấy học toán là niềm vui, cởi mở đối với tất cả mọi câu hỏi của trẻ và cuối cùng, hãy kiên nhẫn.
|