Trẻ em có nên tiêm vaccine COVID-19 không?
3 lý do cho thấy việc tiêm ngừa rất quan trọng.
Trẻ em, bao gồm cả những trẻ rất nhỏ vẫn có nguy cơ mắc COVID-19, mặc dù phần lớn là các trường hợp không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ. Một số trẻ vẫn có thể xuất hiện các biến chứng nặng, đặc biệt trẻ mắc bệnh nền có thể tăng nguy cơ bệnh trở nặng.
Thực tế hiện nay trên thế giới có rất ít loại vaccine được cấp phép khẩn cấp cho trẻ từ 12 tuổi trở lên và chưa có vaccine nào được cấp phép cho nhóm dưới 12 tuổi.
Tại Mỹ, trong số 3 loại vaccine đã được FDA cấp phép khẩn cấp tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, chỉ có vaccine Comirnaty đã được phê duyệt đầy đủ và đối tượng được tiêm là từ 16 tuổi trở lên. Trong khi đó, hai loại vaccine còn lại là Moderna và Johnson & Johnson được phép sử dụng cho những người từ 18 tuổi trở lên.
Vào tháng 12/2020, vaccine Comirnaty (BNT162b2) của Pfizer/BioNTech lần đầu tiên được phê duyệt trong tình trạng khẩn cấp – EUA (emergency use authorization), với lịch tiêm chủng hai liều dành cho người từ 16 tuổi trở lên.
Đến tháng 5/2021, FDA đã mở rộng cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine Comirnaty trên thanh thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi.
Mới đây Pfizer/BioNTech đưa ra thông báo vaccine COVID-19 của họ an toàn và hiệu quả ở trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.
Công ty này đã báo cáo kết quả nghiên cứu qua thông cáo báo chí, nhưng dữ liệu này chưa được qua hệ thống thẩm định hoặc xuất bản. Tuy nhiên, Pfizer đã đệ trình dữ liệu của mình lên FDA và xin cấp phép EUA cho nhóm tuổi này. Vào 26/10 tới đây, Ủy ban cố vấn của FDA sẽ họp để thảo luận về vấn đề này.
Nhóm trẻ 5-11 tuổi: hiệu quả và phản ứng phụ đều tương tự như người lớn
Trong nghiên cứu của Pfizer, 2.268 trẻ em có độ tuổi từ 5 đến 11 được tiêm hai liều vaccine COVID-19, cách nhau ba tuần. Một nhóm nhỏ hơn được tiêm giả dược. Liều tiêm trong nghiên cứu này là 10 microgam, thấp hơn so với liều 30 microgram cho trẻ từ 12 tuổi trở lên (các kết quả trước đó đã phát hiện ra các tác dụng phụ gia tăng đối với trẻ nhỏ khi dùng liều cao hơn).
Madelyn 5 tháng tuổi ở Cleveland (Mỹ) bị hội chứng viêm đa hệ sau khi nhiễm COVID-19 vào tháng 1/2021. Chân tay bé có màu tím vì cơ thể đang tiết kiệm máu và bơm ít ôxy hơn đến các chi
Các phản ứng kháng thể và tác dụng phụ ở trẻ từ 5 đến 11 tuổi được so sánh với nhóm từ 16 đến 25 tuổi từ các nghiên cứu trước.
Kết quả thử nghiệm cho thấy phản ứng kháng thể ở trẻ từ 5 đến 11 tuổi tương tự như phản ứng kháng thể ở thanh thiếu niên và thanh niên. Các tác dụng phụ cũng tương tự với các nhóm tuổi khác.
Tuy nhiên, không có đủ các ca nhiễm COVID-19 trong dân số nghiên cứu để biết liệu rằng vaccine có bảo vệ chống lây nhiễm hoặc giảm tình trạng bệnh hay không.
Kết quả trên hai nhóm tuổi khác là trẻ em từ 2 đến dưới 5 tuổi và trẻ em từ 6 tháng đến dưới 2 tuổi được dự kiến sẽ có sớm nhất vào quý 4 năm 2021.
COVID-19 ảnh hưởng như thế nào lên trẻ em? Có nên tiêm vaccine cho trẻ em không?
Trẻ em, bao gồm cả những trẻ rất nhỏ vẫn có nguy cơ mắc COVID-19, mặc dù phần lớn là các trường hợp không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ như sốt nhẹ, mệt mỏi và ho.
Nhưng một số trẻ vẫn có thể xuất hiện các biến chứng nặng dù điều này ít phổ biến hơn. Đặc biệt trẻ mắc bệnh nền có thể tăng nguy cơ bệnh trở nặng.
Biến chứng nặng và nguy hiểm ở trẻ em có thể xảy ra là hội chứng viêm đa hệ thống – MIS-C (multisystem inflammatory syndrome in children) với một vài triệu chứng như sốt, phát ban, mắt đỏ, đau bụng, nôn, tiêu chảy…Mặc dù đã có một số trường hợp tử vong, nhưng hầu hết trẻ em bị MIS-C đều đã hồi phục.
Trẻ em bị MIS-C có những đặc điểm giống như của bệnh Kawasaki - viêm kết mạc không do nguyên nhân với phát ban heliotrope (1A), viêm niêm mạc với nứt môi (1B), phù nề tứ chi (1C, 1D), ban đỏ lòng bàn tay (1D), ban dát sẩn lan tỏa (1E)
Tạp chí Lancet Child & Adolescent Health đã công bố một nghiên cứu xem xét những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của MIS-C trên 46 trẻ em nhập viện với MIS-C trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2020. Tất cả trẻ em đều bị viêm toàn thân, hầu hết đều gặp các vấn đề liên quan đến chức năng tiêu hóa, tim, thận và hình thành cục máu đông.
Đến sáu tháng sau khi trẻ xuất viện, hầu hết các vấn đề này đã được giải quyết; hầu hết các trường hợp đều không bị tổn thương nội tạng. Khoảng một phần ba số trẻ em tiếp tục bị yếu cơ, mệt mỏi và có vấn đề sức khỏe tâm thần. Nhưng nghiên cứu không thể xác định liệu những tác động này là do MIS-C nói riêng hay do nhập viện hay là do các yếu tố khác.
Trẻ em có khả năng lây truyền khi mắc Covid-19?
Số lượng virus tìm thấy ở trẻ em (tải lượng virus) không tương quan với mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Nói cách khác, tải lượng virus cao hơn không có nghĩa là các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Mặt khác, việc tìm thấy một lượng lớn vật chất di truyền của virus (các nghiên cứu đo lường RNA của virus, không phải virus sống) ở trẻ em không chứng minh rằng trẻ em có khả năng lây nhiễm.
Tuy nhiên, sự hiện diện của tải lượng virus cao ở trẻ em bị nhiễm bệnh làm tăng mối lo ngại rằng trẻ em, ngay cả những trẻ không có triệu chứng cũng có thể lây nhiễm cho người xung quanh.
Trong bối cảnh đại dịch do virus Covid-19 hiện nay, việc tiêm chủng cho toàn dân chỉ là vấn đề thời gian. Nhưng ở đối tượng trẻ nhỏ, việc tiêm chủng vẫn còn là nỗi băn khoăn của rất nhiều gia đình.
Trong tương lai gần, nếu các bằng chứng của Pfizer cung cấp được đánh giá là đáng tin cậy thì việc mở rộng tiêm chủng trên trẻ em và trẻ nhỏ sẽ được thông qua, góp phần kiểm soát đại dịch tốt hơn trong giai đoạn bình thường mới.
Tại sao phải đặt ra vấn đề này khi vẫn có những lo lắng về tiêm vaccine cho trẻ?
Đó là vì để chuyển sang trạng thái bình thường mới, điều quan trọng nhất vẫn là phủ vaccine rộng nhất có thể; yêu cầu này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn cung vaccine và tiềm lực kinh tế của mỗi quốc gia. Trong số đó, giảm độ tuổi cấp phép của các loại vaccine (dựa trên bằng chứng về tính an toàn, hiệu quả) nhằm tăng số lượng người được tiêm ngừa cũng rất quan trọng.