1. Bệnh sởi là gì?
- Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra và đặc trưng bởi tình trạng phát ban dạng sần trên cơ thể.
- Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp vì vậy có thể tạo thành các ổ dịch tại các lớp học, cộng đồng hoặc trong bệnh viện khi có một trường hợp mắc bệnh.
2. Các dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ em
Dấu hiệu trẻ bị sởi ở những ngày đầu có triệu chứng, trước khi phát ban xuất hiện như sau:
- Sốt cao, nhiệt độ cơ thể lên đến 38–39ºC.
- Viêm đường hô hấp trên: hắt hơi, sổ mũi, viêm long đường hô hấp trên, ho khan kéo dài, khàn tiếng.
- Viêm kết mạc mắt: đỏ mắt, chảy nước mắt, sưng nề mí mắt.
3. Thể điển hình có 4 giai đoạn bệnh:
- Giai đoạn ủ bệnh: từ 7–14 ngày, chưa có triệu chứng.
- Giai đoạn khởi phát: 2–4 ngày. Trẻ sẽ có các biểu hiện sốt cao đến 40oC kèm nhức đầu, nhức cơ cùng cảm giác mệt mỏi kéo dài, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi viêm thanh quản cấp. Có thể thấy hạt koplik (các hạt nhỏ khoảng 0,5–1mm, màu trắng, có quầng ban đỏ) trên niêm mạc má (bên trong miệng, ngang răng hàm trên).
- Giai đoạn toàn phát: kéo dài 2–5 ngày. Sau khi sốt cao 3–4 ngày, trẻ bắt đầu phát ban, ban hồng dát sẩn, khi căng da thấy biến mất, bắt đầu xuất hiện từ sau tai, gáy, trán, mặt cổ rồi lan dần đến thân mình và tứ chi. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt sẽ giảm dần.
- Giai đoạn phục hồi: Ban nhạt dần rồi chuyển sang màu xám, bong vẩy phấn sẫm màu, để lại vết thâm được gọi là vằn da hổ. Ban biến mất dần theo thứ tự như khi xuất hiện. Nếu không có biến chứng thì bệnh sẽ tự khỏi nhưng ho có thể kéo dài 1–2 tuần sau đó.
* Ở thể không điển hình: biểu hiện lâm sàng có thể gồm sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ, phát ban ít, thể trạng nhìn chung tốt. Thể này thường dễ bị bỏ qua khiến bệnh lây lan mà không hay biết.
4. Để chủ động phòng chống bệnh sởi, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
- Hãy đưa trẻ đi tiêm phòng bệnh sởi ngay từ khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
- Người lớn chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ trong gia đình có trẻ nhỏ, phụ nữ trước khi mang thai 3 tháng cần chủ động đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để phòng bệnh cho chính bản thân, cho trẻ sau khi sinh ra hoặc tạo miễn dịch cộng đồng xung quanh bảo vệ trẻ đã sinh.
- Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày cho trẻ. Với người lớn sau khi đi ngoài đường về, cần vệ sinh mũi họng, bàn tay, thay quần áo rồi mới tiếp xúc với trẻ.
- Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào, bật quạt để thông thoáng khí, dùng nồi nước lá xông để khử trùng không khí cho nhà ở, lớp học của nhà trẻ, mầm non, mẫu giáo, phòng học của các trường, phòng làm việc, phòng hội họp tập trung đông người.
- Thông báo cho trạm y tế xã phường ngay khi có biểu hiện sốt, phát ban để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly kịp thời.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Phụ nữ có thai tuyệt đối không tiếp xúc với người mắc bệnh sởi, rubella.
- Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng của người mắc bệnh. Làm sạch vật dụng cá nhân, đồ chơi, đồ vật nghi bị ô nhiễm chất tiết mũi họng của người mắc bệnh bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.
- Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 – 2 lần/ngày.
- Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch.
- Cho trẻ ăn uống đủ chất, dinh dưỡng hợp lý.