Nuôi dạy con tuổi lên 2 không dễ dàng, đặc biệt vào thời điểm khi con bắt đầu đi học mầm non - trẻ phát triển cả về não bộ lẫn thể chất. Ở độ tuổi này, con bước vào giai đoạn khủng hoảng với thái độ và hành động được coi là nổi loạn trong mắt bố mẹ. Vậy làm cách nào để đồng hành cùng con bước qua khủng hoảng tuổi lên 2 thật nhẹ nhàng?
Tâm lý trẻ 2 tuổi lúc này vẫn còn rất non nớt, nên bố mẹ đừng thấy lạ nếu cảm xúc của bé thay đổi thất thường. 2 tuổi cũng là lúc con đã bi bô biết nói, biết vận dụng ngôn ngữ để giao tiếp với người thân, mặc dù vốn từ của con vẫn còn rất hạn chế.
I. Khủng hoảng tuổi lên 2 là gì?
Theo các chuyên gia tâm lý, ở mọi độ tuổi trẻ đều có những khủng hoảng tâm lý riêng, chỉ là nhiều hơn hay ít hơn ở cách biểu hiện. Tuổi lên 2 cũng vậy. Đây là thời điểm trẻ bắt đầu có những thay đổi về tâm lý, thích nói “không” với bất kỳ điều gì chúng không thích. Nhiều trẻ còn có xu hướng “bạo lực” thích đấm đá, cào cấu, ăn vạ…
Ở tuổi này, trẻ cũng muốn tự mình khám phá nhiều thứ hơn, sự tự ý thức về bản thân cao hơn và muốn bắt đầu tự làm tất cả. Những cụm từ “không” và những lần tự nhiên nằm ăn vạ xuất hiện với tần suất dày hơn để đạt được điều mình muốn hoặc đối phó với thứ mình không muốn.
II. Đặc điểm tâm lý trẻ 2 tuổi bắt đầu đi học
1. Thường hay giận dỗi
Trẻ 2 tuổi thường rất dễ bị xúc động bởi tâm lý của trẻ đang phát triển mạnh mẽ. Cùng với khả năng ngôn ngữ của trẻ cũng đã phát triển khá ổn, tuy nhiên tốc độ suy nghĩ nhanh hơn tốc độ nói nên khả năng trình bày, bộc lộ cảm xúc của bé sẽ không theo kịp với những gì đang diễn ra trong đầu bé.
Chính vì thế, những điều mà trẻ đòi hỏi thường không thể diễn tả được thành lời nên đôi khi trẻ hay giận dỗi vì nhu cầu của mình không được đáp ứng, dẫn đến con hay hét lên, cáu bẳn để thu hút sự chú ý.
2. Thích nói “Không”
Trẻ lên 2 thường rất ngang bướng điển hình là trẻ rất thích nói “KHÔNG”. "Con có đói không?" - "Không". "Con đi ngủ nhé?" - "Không". Bố mẹ hỏi bất kỳ điều gì cũng không – câu trả lời luôn luôn tiêu cực. Tuy nhiên, trẻ lại không biết rằng đây là một điều không nên, vì thế mà lúc nào trẻ cũng trả lời một cách rõ ràng và dõng dạc.
Thực chất thì việc trẻ nói “Không” cũng không phải việc gì quá xấu, chẳng qua đây chỉ là một cách để trẻ khẳng định mình ở độ tuổi này. Bố mẹ hãy cố gắng dung hòa giữa việc thỏa hiệp và uốn nắn trẻ một cách tinh tế để trẻ hiểu được điều sai và sửa đổi.
3. Muốn được tự ra quyết định
Tâm lý trẻ 2 tuổi bắt đầu hình thành những chính kiến riêng, dẫn đến nhu cầu tự chủ và mong muốn tự quyết định làm những việc mà trẻ muốn. Bố mẹ có thể sẽ thấy rằng con muốn tự lựa chọn quần áo mà trẻ muốn mặc đi học. Đòi ăn những món ăn của bố mẹ thay vì những món bố mẹ đã chuẩn bị riêng cho mình. Nếu con thể hiện nhu cầu tự chủ của mình, bố mẹ hãy khoan ngăn cản con, thay vào đó, hãy chuẩn bị cho con một không gian đủ an toàn để có thể cho phép con làm những điều con muốn bất cứ lúc nào nhé!
3. Hay chống đối, bực tức
Lên 2 tuổi, nhiều bé bỗng thay đổi thái độ, thường xuyên lăn lộn, giãy đạp khi gặp chuyện không vừa ý, không được bố mẹ chiều chuộng. Thậm chí bé còn cãi lời bố mẹ hoặc làm trái ngược lại với điều bố mẹ dặn.
Con dễ bực tức do người lớn không hiểu được bé muốn gì. Ví dụ, trẻ muốn uống nước nhưng khi bạn đưa nước, trẻ bật khóc tức tưởi vì bạn đã đưa cho bé một cái ly màu đỏ thay vì màu xanh yêu thích của bé.
III. Nguyên nhân
1. Đặc điểm lứa tuổi
Nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tuổi lên 2 của trẻ là bởi ở giai đoạn 0-3, trẻ thay đổi và tăng trưởng nhanh chóng về mặt cảm xúc, con muốn được yêu thương, chấp nhận, tôn trọng, thấu hiểu, ấm áp và được nâng niu bảo vệ. Đặc biệt, ở thời điểm này, trẻ bắt đầu muốn thể hiện suy nghĩ của bản thân qua lời nói nhưng vốn từ hạn chế khiến con khó diễn đạt được. Vì vậy, trẻ càng dễ khó chịu, “khủng hoảng” với chính mình và với người khác. Nếu cha mẹ không bắt kịp được nhu cầu của các con thì các con sẽ bộc lộ rất nhiều các hành vi thách thức, chống đối quyết liệt với tất cả mọi người.
2. Tâm lý bị bỏ rơi
Trẻ lên 2 tuổi vẫn còn lệ thuộc vào bố mẹ nên thường lo sợ, cảm thấy bị bỏ rơi khi phải xa mẹ, xa gia đình để bắt đầu đi học tại trường mầm non. Thông thường trẻ không chấp nhận xa bố mẹ để đi sang môi trường mới, khi mà trước đó trẻ đã được nhận tình thương, chiều chuộng ở nhà.
Lúc đó trẻ sẽ truyền cảm xúc giận dữ, bất an về phía bố mẹ bằng những phản ứng tiêu cực như khóc lóc, la hét, ăn vạ, mè nheo. Khi đó bố mẹ nghĩ rằng trẻ không ngoan, không nghe lời như trước, từ đó gây ra sự rạn nứt về mối quan hệ bố mẹ - con cái.
Về mặt tâm lý ở tuổi này thì những biểu hiện như trên là bình thường, nhưng nếu liên tục trong thời gian dài thì đó có thể là nguy cơ của bệnh lo âu tuổi nhỏ hoặc đó chính là sự mong muốn thỏa mãn cái tôi, đòi hỏi cha mẹ chiều chuộng hoặc đáp ứng. Nếu không được thỏa mãn và đáp ứng đúng cách, có khả năng trẻ sẽ có những phản ứng tiêu cực gia tăng.
IV. Cha mẹ cần làm gì để giúp con vượt qua khủng hoảng tuổi lên 2?
Tâm lý của trẻ 2 tuổi dễ bị ức chế vì ngôn ngữ và kỹ năng vận động còn hạn chế, dẫn đến cáu kỉnh, la hét và ăn vạ nhiều hơn. Thế nhưng, thay vì nổi nóng, la mắng và đánh đòn con, bố mẹ hãy cho con bờ vai và vòng tay ôm chặt để con trở nên bình tĩnh, dễ chịu hơn.
Đặc biệt, với bố mẹ cho con đi học mầm non từ 2 tuổi, đây là một hành trình mới đầy thử thách đối với trẻ. Chính vì thế, tâm lý trẻ 2 tuổi bắt đầu đi học cũng sẽ có những thay đổi bất ngờ và rất cần nhận được sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ. Bố mẹ hãy tâm sự với con nhiều hơn để cho bé thấy việc đi học không hề đáng sợ mà ngập tràn những điều thú vị đang chờ đợi con phía trước. Tâm lý trẻ 2 tuổi vẫn còn non nớt và luôn muốn ở bên bố mẹ, được bố mẹ quan tâm, ân cần chăm sóc và yêu thương. Vì vậy, bố mẹ hãy thật kiên nhẫn để giúp con trau dồi thêm kỹ năng nhé!
Nếu con nổi giận có chủ đích để gây sự chú ý và được bố mẹ quan tâm nhiều hơn, hãy cố gắng phớt lờ và sau đó hỏi han con cần gì, nhờ vậy con có thể biết rằng, nổi cơn cáu giận không phải là cách hay để thể hiện nhu cầu được quan tâm của mình.
Có thể cuộc khủng hoảng tuổi lên 2 sẽ gây nên những mệt mỏi, lo lắng cho người lớn. Nhưng đây là quá trình phát triển tâm lý hết sức tự nhiên và độc lập của trẻ, bởi vậy cha mẹ hãy bình tĩnh và kiên nhẫn với con nhé! Hy vọng những thông tin đã chia sẻ sẽ giúp cha mẹ cùng con vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 một cách nhẹ nhàng nhất.