Một số trẻ có vẻ hiểu về sự trung thực khá nhanh. Số khác cần
nhiều thời gian thêm một chút để thực sự hiểu sự khác biệt giữa lời nói thật và
lời nói dối, tại sao phải trung thực. Bài viết giới thiệu các hoạt động, video,
trò chơi, sách… về sự trung thực. Nhờ đó, phụ huynh có thể dễ dàng hơn khi dạy
con về đức tính quan trọng này.
Trung thực là gì?
Trung thực là nói thật và hành động một cách chân thật.
Hãy nói với trẻ rằng, trung thực là làm một người bạn tốt,
không giấu diếm nhau; không xảo ngôn để khiến bạn gặp rắc rối hay lấy thứ gì đó
mà không hỏi ý kiến người sở hữu… Tình bạn được xây dựng dựa trên cơ sở sự
trung thực và tin cậy lẫn nhau.
Nói đến các đức tính mà bạn muốn dạy con, trung thực có lẽ xếp
đầu danh sách với nhiều gia đình. Không trung thực thì không có mối quan hệ nào
của con có thể nở hoa.
Trò chuyện về sự trung thực
Đôi khi, chỉ cần ngồi xuống cạnh con, thủ thỉ với con những
câu chuyện nho nhỏ về sự trung thực cũng có thể giúp ích rất nhiều. Tuy nhiên,
không ít cha mẹ cảm thấy khó khăn để mở lời. Chìa khoá là sử dụng các câu hỏi mở.
Ví dụ:
- Nói dối là gì con nhỉ?
- Con lấy một ví dụ về lời nói dối đi. Thế còn lời nói thật?
- Con có biết ai là người trung thực không?
- Cảm giác của con thế nào khi ai đó nói dối con?
- Gian lận cũng là một kiểu nói dối đấy. Con thấy thế nào khi chơi trò chơi mà có ai đó gian lận?
Những câu chuyện ngắn về sự trung thực
Các câu chuyện bạn có thể kể cho con nghe giúp trẻ hiểu về
phần thưởng của sự trung thực, cái giá phải trả khi gian dối.
Tham khảo một số truyện ngắn đề cao lòng trung thực
Các cuốn sách về sự trung thực
Cuốn đầu tiên là một trong những tác phẩm thiếu nhi kinh điển: Chú bé người gỗ Pinocchio. Chỉ vì nói dối mà cái mũi cứ dài mãi ra.
Trò chơi về sự trung thực
Đó là trò chơi kinh điển với thẻ bài có tên “Go Fish” – câu
cá của trẻ em phương Tây. Trước hết, bạn có thể tìm hiểu qua về cách chơi “Go
Fish”.
Sử dụng bộ bài 52 quân. Nếu có 2-3 người chơi, chia mỗi người
7 quân bài. Nếu có nhiều hơn 3 người chơi, chia mỗi người 5 quân bài. Số bài còn
lại đặt ở chính giữa và úp thẻ bài xuống.
Người chơi đầu tiên hỏi bạn cạnh mình rằng, họ có một quân bài
cụ thể nào không. Ví dụ, quân J. Nếu bạn đó có bất cứ quân J nào, sẽ phải đưa hết
cho người chơi đầu tiên. Nếu không, bạn này sẽ nói “go fish” (câu cá). Khi đó,
người chơi đầu tiên được phép lấy bất cứ quân bài nào ở trước mặt và nhận thêm
một lượt chơi. Nếu không, lượt chơi chuyển sang người kế tiếp theo chiều kim đồng
hồ.
Hãy hỏi từng đứa trẻ xem chúng cảm thấy thế nào nếu một bạn chơi nói dối về số quân bài mình có.
Sau đó, thử thách mọi người chơi mà không nói thật. Chuyện gì xảy ra? Mọi thứ sẽ rối loạn. Trẻ nhanh chóng hiểu ra rằng, không ai thắng cả khi có người nói dối.
Tiếp theo, một nửa số người chơi nói dối, một nửa nói thật.
Trò chơi sẽ trở nên thiếu công bằng. Trò chuyện về việc tình trạng thiếu công bằng
này ảnh hưởng tới mọi người ra sao.
Thí nghiệm minh hoạ việc không thể rút ra một lời nói dối
Với thí nghiệm này, bạn cần kem, muối và lớp phủ socola. Để con nếm vị kem. Hỏi con xem nó có vị gì. Tiếp đến, rắc chút muối lên cây kem. Giờ kem có vị gì? Lần cuối cùng, phủ một lớp xiro socola lên kem. Và lặp lại câu hỏi trên.
Sau đó, hãy cùng con nói về việc dù có phủ bao nhiêu lớp lên
cây kem, cũng khó lòng che đậy được vị kem – hay chính là lời nói dối.
Chia sẻ về sự trung thực trong cuộc sống hàng ngày
Đã có ai trả lại đồ mà bạn làm rơi chưa? Hãy chia sẻ với con
về những câu chuyện trung thực trong đời sống. Đây sẽ là những ví dụ cụ thể và
có sức thuyết phục nhất, giúp trẻ thấu hiểu ý nghĩa của sự trung thực.
Bạn từng thấy ai làm điều gì đó dối gian? Hãy trò chuyện cùng
con về lựa chọn tốt hơn mà người đó có thể thực hiện.
Trung thực với chính con bạn
Làm cha mẹ tức là chúng ta luôn cần làm gương cho con. Con cái
sẽ học hỏi được nhiều điều nhất từ việc quan sát hành động, lời nói của chúng
ta. Thành thật với chính mình và không bao giờ nói dối con là cách hiệu quả để
dạy con trung thực.
Tuy nhiên, trong cuộc sống, thật khó để không bao giờ nói dối.
Có những khi bạn phải viện tới “những lời nói dối trắng” – không gây hậu quả gì
nhưng vẫn là nói dối. Trường hợp đó, bạn hãy cứ thành thật chia sẻ với con. Trẻ
sẽ hiểu rằng, khi nói dối, ngay cả khi không để lại tác hại, nhưng cảm giác vẫn
chẳng thể hoàn toàn thoải mái. Nếu từng có lần nói dối gây kết cục xấu, bạn hãy
nói với con nếu được trở lại, mình sẽ lựa chọn khác đi như thế nào. Nhắc con nhớ
rằng, không có ai hoàn hảo, kể cả bạn. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta
không cần nỗ lực để trở nên tốt nhất có thể.
Làm gì khi con nói dối?
Là cha mẹ, chúng ta thường tự đổ lỗi cho mình khi phát hiện
con nói dối. Giá mà bạn đã dạy dỗ con tốt hơn; làm gương tốt hơn. Có một điều bạn
cần ghi nhớ: mọi đứa trẻ đều trải qua chuyện này. Và nó không nhất thiết đồng
nghĩa với việc bạn đã làm sai. Nó thực sự có nghĩa là cách bạn phản ứng sau đó mới
ảnh hưởng tới tương lai.
Hãy giúp con học hỏi và trưởng thành từ những sai lầm mà không
khiến con gục ngã. Khi phát hiện con nói dối, cố gắng cao nhất để giữ bình tĩnh.
Thảo luận với con về ý nghĩa quan trọng của sự trung thực, thật thà trong các mối
quan hệ. Nếu bạn không thể tin tưởng con trung thực với mình, việc trao cho trẻ
tự do mà trẻ mong muốn sẽ trở thành bất khả.
Thấu hiểu gốc rễ của lời nói dối
Thông thường, chúng ta nói dối vì sợ hãi. Tương tự với trẻ
em. Xác định lời nói dối và trò chuyện về kết quả mà con bạn lo sợ gặp phải. Có
phải con nói dối vì sợ bị bố mẹ đánh? Có phải con nói dối vì lo bạn không thèm
chơi với mình? Tìm ra được gốc rễ vấn đề sẽ giúp bạn có cách ứng xử và giúp đỡ
con phù hợp hơn.