Khẩu phần ăn nhiều chất đạm, chất béo và đồ ngọt cùng với việc ít hoạt động thể lực đang làm gia tăng nhanh số trẻ bị thừa cân, béo phì, nhất là ở những đô thị lớn. Thậm chí, không ít trẻ bị thừa cân nhưng lại rơi vào tình trạng thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện, trong khi các bậc phụ huynh chưa nhận thức rõ vấn đề này để có giải pháp can thiệp kịp thời.
Những lầm tưởng tai hại
Mới 6 tuổi nhưng con trai chị Hà Đức Hạnh (ở quận Tân Bình, TPHCM) đã nặng tới 32kg. Được khen “mát tay” nuôi con nên trong thời gian dài, chị Hạnh thường ép con ăn mà không quan tâm đến việc con lên cân quá nhanh, dẫn đến thừa cân. Đến khi con bị ốm, phải nhập viện điều trị, chị mới tá hỏa khi bác sĩ cho biết bé bị dư thừa chất béo, chất đạm, nhưng lại thiếu một số vi chất, như canxi, sắt, kẽm… Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng và thực phẩm TPHCM, cho biết, không nên nghĩ béo phì nghĩa là cái gì cũng thừa. Có những trẻ béo phì nhưng vẫn bị thiếu máu, thiếu sắt, thiếu canxi do chế độ ăn nhiều nhưng không đầy đủ các nhóm chất.
Theo GS-TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc giai đoạn 2019-2020 cho thấy, năng lượng trung bình trong khẩu phần ăn của người dân năm 2020 đạt 2.023kcal/người/ngày, tăng nhẹ so với mức năng lượng 1.925kcal/người/ngày năm 2010. Tuy nhiên, mức ăn rau quả của người dân dù đã tăng bình quân đầu người nhưng chỉ mới đạt khoảng 60% so với nhu cầu khuyến nghị của Tháp dinh dưỡng.
Trong khi đó, mức tiêu thụ thịt tăng nhanh hơn 1,5 lần, từ 84g/người/ngày (năm 2010) tăng lên 136,4g/người/ngày (năm 2020), đặc biệt khu vực thành phố tiêu thụ cao hơn, ở mức 155,3g/người/ngày. Các trường học ở thành phố có xu hướng tăng tiêu thụ các loại nước ngọt và thức ăn nhanh. “Theo khuyến nghị, mỗi người chỉ nên ăn 50-80g thịt/ngày nhưng hiện nay mức tiêu thụ thịt của chúng ta rất cao, trong khi đó, lượng rau củ quả rất thấp. Chính sự bất hợp lý về dinh dưỡng này đang ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và sự phát triển thể chất, nhất là với trẻ em”, GS-TS Lê Danh Tuyên chỉ rõ.
Nhiều hệ lụy nguy hại
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gia tăng tỷ lệ trẻ béo phì ở nhiều người, nhất là với trẻ nhỏ. Cùng với thừa cân, béo phì, hệ lụy của ăn nhiều thịt, ít rau cũng khiến cho số người mắc các bệnh mạn tính không lây nhiễm đang gia tăng. PGS-TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết, những thay đổi về kinh tế - xã hội đã dẫn đến những thay đổi về lối sống và khẩu phần ăn của người dân, nhất là ở các vùng đô thị.
Cơ cấu khẩu phần ăn của trẻ em đã thay đổi cả về lượng và chất, có xu hướng giảm chất bột, tăng chất đạm và đặc biệt là chất béo. Điều đó một mặt giúp cải thiện tình trạng thiếu dinh dưỡng cho trẻ, nhưng mặt khác lại làm tăng nguy cơ thừa dinh dưỡng dẫn đến béo phì, thừa cân. Hơn nữa, việc nạp quá nhiều năng lượng vào người nhưng lại ít hoạt động thể lực là yếu tố song hành nguy cơ cao khiến trẻ ngày càng mập ra. Trẻ được xem là béo phì khi cân nặng hơn mức trung bình so với chiều cao và độ tuổi từ 20% trở lên.
Theo một số chuyên gia y tế, thừa cân ở trẻ em là yếu tố nguy cơ gây béo phì khi trưởng thành. Người béo phì có nguy cơ mắc các bệnh như tăng huyết áp, tăng cholesterol dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim... và có nguy cơ mắc các bệnh lý khác như đái tháo đường, sỏi mật, cơ xương khớp. Do vậy, với trẻ thừa cân, béo phì thì gia đình nên đưa trẻ đi khám để được tư vấn các biện pháp dinh dưỡng và tập luyện thể dục thể thao để giảm cân tốt nhất.
Với trẻ ở lứa tuổi tiểu học, cần vận động thể dục thể thao 1-2 giờ/ngày và hạn chế tối đa thời gian ngồi xem tivi, chơi game điện thoại, máy tính bảng. Đối với trẻ dưới 2 tuổi, không nên cho xem ti vi, điện thoại; trẻ lớn hơn chỉ được xem ti vi dưới 2 giờ/ngày hoặc dưới 14 giờ/tuần. Ngoài ra, thời gian ngủ phải đảm bảo 10 giờ/ngày đối với trẻ 5-10 tuổi và trên 10 tuổi là 9 giờ/ngày. Cùng với đó, các gia đình cần phải duy trì một chế độ ăn uống hợp lý về dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, người lớn cần hạn chế tối đa cho trẻ em sử dụng các đồ ăn nhanh, vì trong những loại thực phẩm này thường chứa nhiều acid béo rất nguy hại cho sức khỏe, làm gia tăng các bệnh lý về tim mạch.
Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc giai đoạn 2019-2020 vừa được Bộ Y tế công bố cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tuổi học đường giảm chỉ còn 14,8% (năm 2010 tỷ lệ này là 23,4%). Tuy nhiên, đáng lưu ý là tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19% năm 2020 (gấp hơn 2 lần), trong đó ở khu vực thành thị là 26,8% (gấp hơn 3 lần), nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.