Sốt là tình trạng thường gặp ở trẻ em và trẻ sơ sinh. Sốt thường là dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch của trẻ đang hoạt động để chống lại một bệnh hoặc tình trạng nhiễm trùng trong cơ thể. Là những người trực tiếp chăm sóc trẻ, bố mẹ cần trang bị các kiến thức về xử trí và chăm sóc trẻ bị sốt để bảo vệ con mình.
Sốt ở trẻ em là gì?
Sốt là tình trạng nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường, trong khi nhiệt độ cơ thể bình thường trung bình là 37 °C (36,4°C < Phạm vi nhiệt độ bình thường < 37,5°C). Trẻ bao nhiêu độ thì sốt? Hầu hết các bác sĩ nhi khoa xem xét nhiệt độ 37,8 độ C hoặc cao hơn là dấu hiệu của một cơn sốt ở trẻ.
Nguyên nhân gây ra sốt ở trẻ em là gì?
Sốt thường là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chống lại một bệnh lý hoặc tình trạng nhiễm trùng. Trong đa số trường hợp sốt thường vô hại, tuy nhiên sốt cao có thể khiến trẻ dưới 6 tuổi co giật, tai biến. Do vậy, tìm ra nguyên nhân trẻ bị sốt để điều trị là điều tối quan trọng. Thông thường, sốt ở trẻ em chủ yếu do nhiễm virus hoặc vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm,…Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp tình trạng sốt ở trẻ em cũng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác, bao gồm:
- Phản ứng dị ứng.
- Các bệnh tự miễn: ung thư, Lupus ..
- Chấn thương như gãy xương, tụ máu..
- Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời, hay nhiệt độ cao, tập thể dục cường độ cao
- Sự mất cân bằng nội tiết tố.
- Một số loại thuốc
- Tăng thân nhiệt ác tính là hiếm, bệnh di truyền.
>>> Báo Động Đỏ: nguy cơ “dịch chồng dịch” khi sốt xuất huyết bắt đầu xuất hiện
Trẻ sốt nên đo nhiệt độ ở đâu là chính xác nhất?
Có hai loại thân nhiệt là thân nhiệt trung tâm và thân nhiệt ngoại vi.
Thân nhiệt trung tâm phân bổ dọc từ não xuống phần sâu của đầu, mặt, cổ, thân mình như: hậu môn hoặc màng nhĩ (bình thường dao động xung quanh 36,2°C - 37,2 °C)
Thân nhiệt ngoại vi là nhiệt độ ở phần tứ chi và phần nông của cơ thể như: nách hoặc miệng
Nhiệt độ đo ở những vị trí kể trên sẽ có sự chênh lệch nhất định, nhiệt độ xác định sốt cụ thể ở mỗi vị trí như sau:
- Miệng: ≥ 37.8°C
- Trực tràng: ≥ 38°C
- Nách: ≥ 37.2°C
Để đo nhiệt độ đúng khi trẻ sốt, bố mẹ cần nhớ:
- Nhiệt độ cơ thể bình thường thay đổi theo tuổi, sức khỏe nói chung, mức độ hoạt động, và thời gian trong ngày;
- Trẻ sơ sinh thường có nhiệt độ cao hơn so với trẻ lớn hơn.;
- Nhiệt độ cơ thể cao nhất giữa buổi chiều muộn và buổi tối, thấp nhất giữa nửa đêm và sáng sớm;
- Trẻ mặc nhiều quần áo có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ cơ thể.
Các loại sốt thường gặp ở trẻ nhỏ và sơ sinh
Sốt giai đoạn mọc răng ở trẻ
Là một trong các loại sốt thường gặp nhất ở trẻ em, nguyên nhân thường do virus, cũng có thể do vi khuẩn,…
Dấu hiệu nhận biết sốt khi mọc răng ở trẻ
- Bé bị chảy nước bọt nhiều hơn bình thường. Miệng hay chóp chép, nhai trong vô thức.
- Bé thường đưa tay, vạt áo, hay bất cứ thứ gì vào miệng cắn.
- Trẻ biếng bú, biếng ăn, hay quấy khóc, ít ngủ, luôn tỏ ra cau có, khó chịu. Một số trường hợp, bé có thể bị ho hoặc phát ban.
- Khi vệ sinh răng miệng cho bé, ba mẹ sẽ thấy nướu bị sưng đỏ, răng sữa đang nhú lên, và nhiều khi nướu bị nứt ra.
- Cơ thể yếu đi dẫn đến rối loạn tiêu hóa, biểu hiện là bé đi ngoài phân nhão hoặc bị tiêu chảy.
- Trẻ sụt cân
Sốt trong giai đoạn này thường là sốt nhẹ, ba mẹ có thể xử lý ở nhà. Tuy nhiên nếu bé sốt cao trên 39 độ, có hiện tượng nôn mửa, co giật, ba mẹ nên lập tức cho bé gặp bác sĩ.
Trẻ sốt phát ban
Sốt phát ban ở trẻ là tình trạng hay gặp ở trẻ trong độ tuổi từ 6 – 36 tháng tuổi. Giai đoạn này trẻ có sức đề kháng kém, dễ bị virus tấn công gây tình trạng nổi ban đỏ như virus sởi, virus Rubella (bệnh sởi Đức) hoặc virus đường ruột ECHO gây ra.
Người lớn chưa từng bệnh nếu tiếp xúc với trẻ bị sốt phát ban có thể sẽ ảnh hưởng về sau. Tuy nhiên, đối với người lớn khỏe mạnh, bệnh sẽ không nặng.
Nếu không bị phát ban hoặc chỉ sốt nhẹ, bạn vẫn có nguy cơ nhiễm virus qua con cái của mình và các thành viên khác trong gia đình thông qua dịch tiết hô hấp hoặc nước bọt.
Dấu hiệu của trẻ sốt phát ban là gì?
Trước khi bị sốt phát ban, trẻ thường có biểu hiện quấy khóc. Sau đó, trẻ có biểu hiện sốt. Bố mẹ có thể biết con bị sốt phát ban khi trẻ xuất hiện các triệu chứng sốt nhẹ 37,5 °C – 38 °C hoặc sốt cao đến 39,4 °C.
Sốt siêu vi ở trẻ em
Nguyên nhân sốt siêu vi chủ yếu là virus. Các chủng loại virus gây nên bệnh sốt siêu vi tiêu biểu như: Adenovirus, Rhinovirus, Enterovirus,...
Trẻ dễ mắc sốt siêu vi vào những ngày thời tiết thay đổi đột ngột. Thông thường, sốt siêu vi ở trẻ sẽ kéo dài từ 7 - 10 ngày. Sốt siêu vi ở trẻ sẽ không quá nguy hiểm nếu trẻ được phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, cũng không được chủ quan về bệnh này do quá trình diễn biến của bệnh xảy ra khá nhanh. Phải được chữa trị kịp thời và đúng cách nếu không thì có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em.
Một số triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ tiêu biểu, bao gồm:
- Sốt cao 38 – 39 °C. Khi hạ sốt trẻ lại tỉnh táo và chơi đùa bình thường
- Đau đầu
- Viêm đường hô hấp: ho, chảy mũi, hắt hơi
- Rối loạn tiêu hóa: tiêu lỏng, không có máu, chất nhầy
- Nôn: chủ yếu sau khi ăn
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Virus này lây truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt, trong đó muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) là loại truyền bệnh chủ yếu. Sốt xuất huyết có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em.
Một sốt triệu chứng sốt xuất huyết thường gặp ở trẻ. Trẻ bị sốt xuất huyết thường khởi phát bệnh bằng một đợt sốt cao đột ngột, thời gian sốt từ 2 - 7 ngày, kèm theo biểu hiện sau: đỏ phừng mặt, da xung huyết, đau nhức cơ, đau khớp, đau đầu.Trong 1 số trường hợp kèm đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Ở trẻ nhũ nhi có thế kèm triệu chứng ho sổ mũi hay tiêu chảy.
Tiếp theo đó, bệnh nhi có thể biểu hiện xuất huyết như chấm xuất huyết (những chấm đỏ không biến mất khi ấn vào), thường ở cẳng tay, cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng, xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu răng, đi cầu ra máu. Gan có thể to sau vài ngày.
Từ ngày thứ 3-7 của bệnh, trẻ bắt đầu hạ sốt 37, 5-38 độ hoặc thấp hơn, một số bệnh nhi có thể xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như, lừ đừ, mệt mỏi, ói nhiều, đau bụng, xuất huyết niêm mạc, gan to, một số trường hợp diễn biến đến sốc sốt xuất huyết với biểu hiện chân tay lạnh,mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹp không đo được. Tất cả những trường hợp trên phải nhập viện cấp cứu ngay.
Sốt cảm cúm hay gặp ở trẻ
Sốt cảm cúm là một bệnh truyền nhiễm, do virus cúm gây ra. Bệnh cúm thường bị nhầm với cảm lạnh thông thường nhưng các triệu chứng của bệnh này sẽ nghiêm trọng hơn.
Khoảng hai ngày sau khi cơ thể bé bị virus cúm xâm nhập, bé bắt đầu có các triệu chứng như: những cơn sốt bắt đầu xuất hiện, có cảm giác ớn lạnh, đau nhức, chóng mặt, ăn không ngon, ho, đau họng, chảy nước mũi, buồn nôn, đau tai và có thể bị tiêu chảy.
Phần lớn trẻ có sức đề kháng tốt, có thể tự khỏi bệnh cúm, hết sốt sau khoảng 5 ngày và tình trạng ho, mệt mỏi sẽ tự biến mất sau 1-2 tuần. Tuy nhiên, một số ít có thể dẫn đến biến chứng, gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Những việc nên làm khi trẻ bị sốt?
Dù là trẻ bị sốt do bất kì nguyên nhân nào, điều quan trọng bố mẹ cần làm là giúp trẻ hạ sốt, tránh co giật kéo dài, gây nguy hiểm cho trẻ. Dưới đây là những điều nên làm khi trẻ bị sốt:
- Cho trẻ uống đủ nước, theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng khác kèm theo. Dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao. Nếu trẻ tỉnh táo, linh hoạt và chơi ngoài cơn sốt là dấu hiệu tốt;
- Khuyến khích cho trẻ uống các dung dịch như nước, nước trái cây pha loãng, hoặc dung dịch điện giải như ORS;
- Mặc quần áo mỏng. Giữ phòng của trẻ luôn thông thoáng mát mẻ;
- Không để trẻ hoạt động quá mức.
- Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ?
- Trẻ có cơn co giật, động kinh;
- Trẻ nhỏ hơn 3 tháng (12 tuần) và có nhiệt độ 38.0°C hoặc cao hơn;
- Sốt tăng cao trên 39°C nhiều lần ở mọi lứa tuổi.;
- Sốt trên 24 giờ/ trẻ < 2 tuổi, hoặc trên 72 giờ/ trẻ ≥ 2 tuổi;
- Trẻ rất mệt, buồn ngủ bất thường (ngủ gà);
- Có các triệu chứng kèm theo: li bì, khó đáng thức, thóp phồng, cứng cổ, nhức đầu dữ dội, đau họng nhiều, đau tai nặng, khó thở, phát ban không rõ nguyên nhân, hoặc nôn mửa liên tục, hoặc tiêu chảy;…
- Có các vấn đề liên quan hệ miễn dịch (bệnh hồng cầu hình liềm, ung thư, hoặc dùng steroid hoặccác loại thuốc khác có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của trẻ).
>>> Chăm sóc trẻ đúng cách khi sốt
Hướng dẫn xử trí khi trẻ bị sốt
- Uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, giàu năng lượng;
- Mặc áo quần mỏng, phòng ở của trẻ thoáng mát;
- Lau mát bằng nước ấm.
- Thuốc:
Acetaminophen là các loại thuốc an toàn và hiệu quả nếu được sử dụng theo chỉ dẫn để hạ sốt và giảm đau cho trẻ (chỉ sử dụng thuốc để điều trị cho trẻ dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa)
+ Acetaminophen 10 -15mg/kg/lần, cách mỗi 4-6 giờ, nhiều nhất 60mg/kg/ngày
Ngoài ra, Ibuprofen cũng được dùng để hạ sốt cho bé hoặc dùng phổi hợp với Acetaminophen. Tuy nhiên, trong những trường hợp sốt xuất huyết hoặc trẻ có bệnh lý về máu, trẻ dưới 6 tháng tuổi không nên dùng thuốc này, vì nó có thể làm bệnh trầm trọng hơn. Do đó, chỉ dùng Ibuprofen hạ sốt khi có chỉ định của bác sỹ. Liều dùng 5- 10 mg/kg/lần, cách mỗi 6-8 giờ.
Xử trí khi trẻ bị sốt cao co giật
Trẻ dưới 6 tuổi, khi sốt cao có thể gây ra tình trạng co giật, tuy nhiên bố mẹ không cần quá lo lắng vì đa số trường hợp là lành tính và không để lại di chứng. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp co giật do sốt xảy ra nhiều lần, trẻ có thể mắc chứng động kinh, do vậy bố mẹ cũng cần lưu ý các dấu hiệu nhận biết nguy hiểm:
- Dấu hiệu: trẻ tím tái, trợn mắt, sùi bọt cua,co giật tay chân… đôi khi trẻ chỉ biểu hiện nhẹ như rung giật nhẹ, lác mắt,…
Cách xử trí khi trẻ bị sốt cao kèm co giật
- Đặt trẻ trên sàn nhà hoặc trên giường
- Nghiêng đầu trẻ sang một bên để cho nước bọt hoặc chất nôn có thể chảy ra khỏi miệng, tránh sặc vào đường thở
- Môi trường thông thoáng
- Không chèn bất cứ vật gì vào miệng của trẻ, thậm chí là ngón tay
- Dùng thuốc hạ sốt nhét trực tràng (nếu có), lau ấm để hạ nhiệt. KHÔNG dùng thuốc hạ sốt đường uống khi trẻ đang co giật.
- Đưa trẻ đi khám ngay.
- Ibuprofen chỉ nên sử dụng cho trẻ trên 6 tháng, có chỉ định của bác sỹ.
- Không sử dụng aspirin để hạ sốt hoặc giảm đau cho trẻ. Aspirin có liên quan với tác dụng phụ như đau bụng, chảy máu đường ruột, và nghiêm trọng nhất là hội chứng Reye (gây phù não và suy gan cấp)
- Nếu trẻ nôn mửa và không thể ăn uống được, nên dùng viên nhét trực tràng để hạ sốt.
- Trước khi cho trẻ dùng bất kỳ loại thuốc nào, hãy đọc nhãn để đảm bảo rằng bạn đang dùng liều lượng phù hợp với tuổi và cân nặng của trẻ.
- Không thêm cồn vào nước. Cồn có thể được hấp thu qua da hoặc trẻ hít vào, gây ngộ độc rượu.