Trong một ngày, trẻ em uống nước bao nhiêu là đủ? Có khá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu uống nước của trẻ em trong một ngày. Như thời tiết, mức độ hoạt động, tình trạng bệnh lý có kèm theo sốt, … Nhiều bậc phụ huynh lo lắng con bị thiếu nước nên thường cho trẻ uống nước xen kẽ với các cữ sữa. Và đôi khi khiến con không còn bụng để uống sữa. Vậy thì trẻ em uống bao nhiêu nước mỗi ngày là đủ? Mời bạn tham khảo qua bài viết này.
1. Trẻ em cần uống bao nhiêu nước trong ngày?
Trẻ uống bao nhiêu nước là đủ? Trẻ uống nhiều có tốt không? Chính là thắc mắc chung của không ít bậc phụ huynh hiện nay. Trong cơ thể con người, nước chiếm tỉ lệ 60 – 70%; và nó đóng vai trò vô cùng cần thiết đối với sức khỏe chúng ta. Nước tham gia vào hầu hết các phản ứng, các quá trình chuyển hóa trong cơ thể, giúp cơ thể thải độc qua nước tiểu, qua mồ hôi, … Không chỉ đối với người lớn, mà nước cũng rất quan trọng đối với trẻ em.
1.1. Trẻ sơ sinh trước 6 tháng tuổi cần lượng nước bao nhiêu?
Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi thì không cần uống thêm nước; bởi trong thành phần của sữa mẹ hoặc sữa công thức mà bé ăn đã có sẵn một lượng nước vừa đủ.
Ở giai đoạn này, tổng lượng sữa mỗi ngày mà trẻ bú được xem là đạt khi lượng sữa vào khoảng 150ml/kg cân nặng. Trong khi đó nhu cầu nước của trẻ dưới 6 tháng tuổi vào khoảng 100ml/kg cân nặng. Do đó, bạn không cần lo sợ con thiếu nước mà hãy tiếp tục cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức mà không cần uống thêm nước.
1.2. Giai đoạn 6 – 12 tháng tuổi trẻ uống nước bao nhiêu là đủ?
Trẻ em 6 – 12 tháng tuổi có nhu cầu nước khoảng 100m/kg cân nặng cơ thể trong 1 ngày (kể cả sữa). Cụ thể: nếu bé nặng 9kg cần 900ml nước, lượng sữa bé uống trong ngày vào khoảng 600ml sữa; thì cha mẹ cần bổ sung thêm 300ml nước cho con, có thể cho bé uống nước đun sôi để nguội, nước ép hoa quả tươi, nước luộc rau củ, …
Với bé đủ 6 tháng tuổi trở đi, nếu bé bú được lượng sữa 100ml/kg cân nặng mỗi ngày thì mẹ cũng không cần phải cho trẻ uống thêm nước. Tuy nhiên, mẹ cần ưu tiên cho bé uống sữa với liều lượng ít nhất là 500ml sữa mỗi ngày; sau đó mới tính đến lượng nước cần bổ sung tính theo kilogam cân nặng của con.
1.3. Trên 1 tuổi trẻ uống bao nhiêu nước 1 ngày là đủ?
Trẻ có cân nặng 10kg cần uống 1 lít nước mỗi ngày (kể cả lượng sữa mà bé uống vào). Đối với trẻ có cân nặng lớn hơn 10 kg, thì mỗi kilogram cần tăng thêm 50ml nước cho trẻ. Cụ thể, mẹ có thể ước tính lượng nước hàng ngày cho con như sau :
Lượng nước trẻ cần uống (ml) = 1.000(ml) + n x 50(ml)
Với n là số kilogam của trẻ trừ đi 10 đơn vị.
Ví dụ một em bé nặng 13 kg cần lượng nước mỗi ngày là: 1.000 ml + (3 x 50 ml) = 1.150 ml; trong đó nếu bé đã được uống 500ml sữa thì lượng nước cần bổ sung thêm cho bé đó là: 1.150 – 500 = 650(ml).
1.4. Từ 10 tuổi trở lên trẻ cần uống bao nhiêu nước mỗi ngày?
Lượng nước của trẻ từ 10 tuổi trở lên uống vào mỗi ngày; sẽ bằng với lượng nước của người lớn là từ 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày. Lượng nước mà trẻ cần uống nên chia đều trong ngày và uống ít nước hơn vào buổi tối. Bạn nên dạy bé không nên đợi đến khi có cảm giác khát mới uống, bởi vì lúc này các tế bào đã bị thiếu nước đáng kể.
Nếu đang sinh sống ở vùng có khí hậu nóng bức; hay khi trẻ phải vận động thể lực nhiều thì nhu cầu nước trong ngày của trẻ sẽ nhiều hơn. Nếu trẻ không tăng trưởng đạt tiêu chuẩn, thì các bác sĩ nhi khoa có thể chỉ định trẻ thay thế một phần nước trong ngày bằng một loại dung dịch khác có năng lượng cao hơn (như các loại sữa nguyên chất).
2. Dấu hiệu trẻ em bị mất nước
Trẻ bị sốt, đi ngoài liên tục, toát mồ hôi nhiều, không bú mẹ hay không được bú bình đầy đủ, … có thể dẫn đến tình trạng thiếu nước. Một số bệnh lý như tiêu chảy, sốt virus, sốt xuất huyết, … cũng có thể dẫn đến mất nước ở trẻ. Nếu mất nước trầm trọng thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ. Một số biểu hiện mất nước mà ba mẹ cần biết để kịp thời xử trí như sau:
- Trẻ khô môi;
- Khô miệng;
- Đi tiểu ít hơn 6 lần trong ngày;
- Không muốn bú mẹ;
- Thóp mềm trên đỉnh đầu;
- Không có nước mắt chảy khi khóc;
- Trẻ cáu gắt;
- Trẻ kém hoạt động;
- Cơ thể mệt mỏi.
3. Cho trẻ uống nước như thế nào là tốt nhất?
Chỉ 5 phút sau khi uống vào cơ thể thì nước đã rời khỏi dạ dày. Do đó, bạn chỉ nên cho trẻ uống nước vào thời điểm 10 phút trước bữa ăn hoặc 1 giờ sau khi ăn no; không nên cho trẻ uống nước ngay sau hoặc uống nước trong khi ăn. Việc uống nước trong bữa ăn sẽ làm loãng và mau đẩy dịch vị dạ dày xuống ruột, khiến cho quá trình tiêu hóa diễn ra khó khăn hơn.
Mặt khác, uống nước khi đang nhai sẽ khiến cho trẻ nuốt món ăn vào dạ dày ngay cả khi thức ăn chưa được nhai kỹ, điều này không tốt cho sức khỏe của hệ tiêu hoá chút nào….
Việc uống nước của trẻ cần được chia làm nhiều lần trong ngày, không nên cho trẻ uống 1 lần quá nhiều nước kể cả khi trẻ đang rất khát. Cho trẻ uống nước từ từ từng ngụm, điều này giúp cho nước có thời gian để thấm qua thành ruột vào mạch máu, góp phần thỏa mãn cơn khát nhanh mỗi khi cơ thể bị thiếu nước.
>> Có thể bạn quan tâm: Top 5 loại thực phẩm gây dị ứng hàng đầu ở trẻ
4. Các loại nước tốt cho sức khỏe nên uống mỗi ngày
Nước mà trẻ em có thể uống mỗi ngày như: nước đun sôi để nguội, nước lọc, nước tinh khiết đóng chai, sữa các loại, nước ép trái cây tươi, nước ép rau củ, các loại canh súp, … Một số loại nước tốt nhất cho sức khỏe trẻ em là:
- Nước ép trái cây tươi: cam, quýt, bưởi, dưa chuột, tá, … không thêm đường. Các loại nước này vừa cung cấp nước vừa bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ;.
- Nước ép rau củ: củ đậu, bí, rau má,… rất tốt cho cơ thể trẻ em, nhất là trẻ bị thừa cân béo phì; vừa không sợ trẻ tăng cân vừa có tác dụng giải nhiệt trong những ngày hè nóng bức.
- Sữa đậu nành không đường: bổ dưỡng nước, canxi và các chất dinh dưỡng.
- Nước rau luộc: cung cấp các vitamin và khoáng chất.
- Để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho con, thì ba mẹ nên tự đun sôi nước sạch sau đó để nguội và cho bé uống hàng ngày. Nếu gia đình sử dụng nước đóng chai thì phải chọn các thương hiệu nước uống có uy tín trên thị trường nhé.
5. Những loại nước bạn nên hạn chế dùng cho trẻ em
Một số loại nước, ba mẹ cần hạn chế cho trẻ sử dụng như:
- Nước khoáng: nước chứa nhiều chất khoáng (natri, kali, canxi, …) do đó nước khoáng cần dùng đúng lúc, đúng đối tượng, không được sử dụng bừa bãi; đặc biệt không dùng nước khoáng có hàm lượng khoáng cao để pha sữa cho trẻ vì chức năng thận của trẻ em rất yếu, không thể tự đào thải chất khoáng dư thừa ra khỏi cơ thể, từ đó gây tích lũy lại dẫn đến rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, phù, …;
- Nước ngọt có ga: dễ gây ra thừa cân – béo phì, đầy bụng, biếng ăn ở trẻ em.
- Nước ép quả công nghiệp: loại thức uống này có chứa rất nhiều đường; tuy nhiên thì hàm lượng chất khoáng và vitamin lại ít; điều này có thể dẫn đến thừa cân – béo phì.
- Cà phê, nước tăng lực: không tốt cho sức khỏe của trẻ em.
Nước có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể của chúng ta.Ba mẹ cần chú ý đến lượng nước mà cơ thể con trẻ nạp vào để bổ sung thêm liều lượng hợp lý. Từ đó giúp bé luôn được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng phát triển khỏe mạnh bạn nhé!