Do đặc điểm lứa tuổi, điều kiện sinh hoạt, học tập tập thể, cùng các nguy cơ bệnh dịch ngoài môi trường, khiến trẻ em trong độ tuổi đi học dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Bệnh truyền nhiễm gây dịch là cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, lỵ, quai bị, tiêu chảy, thủy đậu…Theo nhận định, hiện các bệnh truyền nhiễm đang là mối quan tâm toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm mới nổi như: Cúm A/H1N1, cúm A/H7N9, Ebola, MERS-CoV… thì các dịch bệnh sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng đặc biệt là COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp.
Theo các chuyên gia, ở độ tuổi học đường, trẻ có nhiều tiếp xúc xã hội phức tạp, do đó, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, khả năng học tập, chất lượng sống của trẻ.
1 - Đặc điểm bệnh truyền nhiễm
Bệnh truyền nhiễm đều có khả năng lây từ người bệnh sang người lành, nhiều bệnh phát triển thành dịch, đại dịch gây tử vong cũng lớn.
Nguyên nhân gây bệnh truyền nhiễm thường là các loại vi khuẩn, virus và được gọi là mầm bệnh. Sau khi thâm nhập vào cơ thể, gặp điều kiện thuận lợi các mầm bệnh sẽ phát triển mạnh mẽ gây bệnh cho cơ thể.
Một số bệnh phát triển trong môi trường ô nhiễm, vệ sinh kém và xâm nhập vào cơ thể trẻ qua đường tiêu hóa. Một số bệnh lây truyền qua đường không khí, qua dịch tiết khi ho, hắt hơi hay nói chuyện.
Ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa học và y học, nhiều bệnh truyền nhiễm đã được đẩy lùi, nhưng một số bệnh truyền nhiễm vẫn lan tràn và còn là mối đe doạ như viêm gan virus, sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết do virut Ebola, nhiễm HIV/AIDS… Một số mầm bệnh trong quá trình phát triển đột biến gây nên bệnh lý mới, rất nặng và khó chẩn đoán như SARS, cúm A H5N1… Điều đáng lo ngại là trẻ em có thể mắc bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường hô hấp, điển hình như virus SARS-CoV-2.
Việt Nam cũng được coi là "điểm nóng" của các bệnh truyền nhiễm mới nổi, bởi tập quán sống gần gia cầm, vật nuôi, chưa kể thói quen sinh hoạt, ăn uống (như ăn tiết canh động vật, ăn thịt tái sống...) cũng là những nguy cơ tiềm ẩn làm gia tăng sự lây lan bệnh từ động vật sang người. Nhiều vụ dịch xảy ra quanh năm như sốt xuất huyết Dengue, lỵ amip, cúm, lỵ trực khuẩn…
Trẻ em có thể mắc bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường hô hấp, điển hình như virus SARS-CoV-2
2 - Vì sao trẻ em dễ mắc bệnh truyền nhiễm?
Ở trẻ em do đặc điểm có một số yếu tố quan trọng gồm độ tuổi, khả năng miễn dịch, dinh dưỡng, cấu tạo gen và bệnh lý đi kèm có thể ảnh hưởng đến việc mắc bệnh truyền nhiễm.
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ trong độ tuổi đến trường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn vì hệ thống miễn dịch chưa được hoàn thiện, trẻ có xu hướng đưa mọi thứ vào miệng và hiếm khi rửa tay sạch.
Theo nghiên cứu, trẻ em nhất là ở độ tuổi học đường như nhà trẻ, mầm non, tiểu học… dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Nguyên nhân là do trẻ có nhiều tiếp xúc, sinh hoạt ở lớp học, nhà trẻ ở trường nên nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao.
Ngoài ra, đối với trẻ em sức đề kháng yếu hơn người lớn nên khi có các tác nhân bên ngoài như thời tiết thay đổi, dịch bệnh... trẻ dễ bị vi khuẩn, virus có hại tấn công và gây bệnh, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sự phát triển. Một số bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng về sức khỏe thể chất, tinh thần, sức khỏe sinh sản sau này, thậm chí tử vong.
3 - Một số bệnh truyền nhiễm hay gặp ở trẻ em
Cảm lạnh
Cảm lạnh thông thường là bệnh phổ biến ở trẻ em. Nếu trẻ em mắc thì tỷ lệ tái phát và các triệu chứng sẽ kéo dài hơn so với người trưởng thành. Cảm lạnh thông thường có thể xảy ra bất kỳ thời gian nào trong năm, mặc dù thường xảy ra nhất vào mùa thu và mùa đông. Cảm lạnh được truyền từ người này sang người khác, hoặc lây qua đường tiếp xúc trực tiếp và có thể qua tiếp xúc với virus trong môi trường, dễ lây nhất trong 2-4 ngày đầu.
Trẻ em dưới 6 tuổi trung bình từ 6-8 đợt cảm lạnh trong năm (có thể 1lần/tháng, từ tháng 9 - đến tháng 4), với triệu chứng kéo dài trung bình 14 ngày. Những trẻ đi học dường như bị cảm lạnh nhiều hơn trẻ chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, trẻ càng lớn thì bị cảm lạnh ít hơn, có lẽ vì đã có hệ miễn dịch tốt hơn.