Bước ra khỏi nhà, trong khi bố mẹ “vắt chân lên cổ” vì đồng hồ đã chỉ tới giờ phải ra ngoài, thì con trẻ vẫn rề rà xỏ giày, đeo balo. Khi việc giục con trở nên vô tác dụng, phụ huynh sẽ không hài lòng, đôi khi trách mắng con. Vậy làm cách nào để giúp con không còn “lề mề” nữa?
Phụ huynh nên ứng xử thế nào khi con trẻ lề mề?
Ở độ tuổi mầm non, bé chưa có nhận thức về thời gian nên không biết thời gian có ý nghĩa gì với mình, dù với người lớn, thời gian quả là “vàng ngọc”. Những lúc này, phụ huynh chỉ nên làm tăng cảm giác cấp bách với trẻ, để trẻ hiểu về tính giới hạn thời gian. Tuy nhiên, cảm giác cấp bách này không nên quá lớn, bởi vì sự chú ý của trẻ em không tốt như người lớn. Nếu phụ huynh cứ thúc giục con làm điều gì đó quá mức, trẻ thậm chí sẽ làm mọi thứ rối tung lên, và bỏ cuộc.
Sự thúc giục quá mức tạo ra căng thẳng cho đứa trẻ, thậm chí truyền tải thông điệp rằng: “Cha/mẹ không thể yên tâm về con, phải giám sát con“, khiến đứa trẻ đánh mất tự tin. Thay vì giục con cuống cuồng: “Nhanh lên, có nhanh lên không“, phụ huynh nên truyền tải thông điệp khuyến khích và mong đợi đồng hành: “Cha/mẹ hy vọng con sẽ… “.
Ngoài ra, khi phụ huynh dành cho trẻ lời khuyến khích, ngợi khen thay vì trách móc và thúc giục, trẻ có thể sẽ làm tốt hơn. Để được khen, để không làm người lớn thất vọng, bé sẽ thực hiện công việc nhanh hơn, dần bỏ thói quen “câu giờ”.
Phụ huynh cũng có thể sử dụng biện pháp “hẹn hò”, ví dụ nói rằng con hãy nhanh lên, rồi chúng ta cùng đi xem phim hoạt hình, cùng chơi trò chơi, cùng ăn ngon… Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy cần phải tăng tốc để có được phần thưởng mà trẻ thích.
——