Biểu hiện của tình trạng nói trên là khi trẻ đang ăn uống hay ngậm chơi những đồ vật nhỏ, đột ngột ho sặc sụa, khó thở, trợn mắt, mặt tím tái. Tình trạng hít sặc có thể chỉ thoáng qua như trẻ ho vài tiếng, tím nhẹ rồi tự hết nhưng có những trường hợp trẻ tím tái nặng, ngưng thở và tử vong.
Theo thống kê, các loại dị vật đường thở hay gây hóc sặc ở trẻ em là thực phẩm như hạt lạc, hạt cơm, hạt ngô, hạt các loại quả (na, táo, hồng...), rau, thịt băm, sữa, cháo và những loại dị vật không phải thức ăn như: viên bi, đinh ốc, hòn tẩy nhỏ, đầu bút chì, viên thuốc, viên đạn đồ chơi.
Dị vật to tuy khó gây sặc hơn nhưng lại nguy hiểm hơn do có thể gây bít tắc đường hô hấp lớn. Những vật này rơi vào đường thở bị kẹt lại làm bít tắc đường hô hấp gây ngạt thở cấp, trẻ không thở được tử vong nhanh hay để lại các di chứng não suốt đời nếu không xử trí kịp thời.
Các vật sắc nhọn còn đâm thủng gây loét, trầy xước đường thở. Đâm xuyên vào các cơ quan xung quanh, hay vào mạch máu gây chảy máu. Dị vật rơi sâu xuống phế quản, ở lâu gây viêm nhiễm, viêm phổi kéo dài, áp xe phổi ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của trẻ rất khó chữa trị.
Nguyên nhân
Nguyên nhân tai nạn này thường nhiều, có thể do người lớn vô tình gây tai nạn cho trẻ như cho trẻ ăn lúc đang khóc, trẻ vừa ăn vừa cười giỡn, cho ăn không đúng tư thế, trẻ không nuốt, người cho trẻ ăn bóp mũi trẻ lại hoặc cho trẻ chơi những đồ vật nhỏ, sắc nhọn không có người trông coi.
Hóc sặc là một cấp cứu phải được xử trí nhanh, nếu không nhận biết sớm để thời gian kéo dài thì nguy cơ tử vong đối với trẻ là khó tránh khỏi. Trước kia, khi chưa có kỹ thuật nội soi đường hô hấp, tỷ lệ tử vong ở trẻ do sặc dị vật chiếm tới 20% tổng số tử vong chung. Người ta cũng nhận thấy, 80% tỷ lệ sặc dị vật đường hô hấp là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi.
Biện pháp
Dù ở gia đình hay nhà trường, vấn đề dự phòng sặc ở trẻ luôn phải được đặt ra. Trong gia đình, tại lớp học mọi đồ vật phải được sắp đặt gọn gàng, ngăn nắp, đặc biệt là các vật nhỏ như viên bi, hạt nhựa, cúc áo, đồng xu... và các vật nhỏ khác dễ cho vào miệng phải để xa tầm với của trẻ.
Khi cho trẻ nhỏ ăn, hạn chế nô đùa, hỏi chuyện trẻ, cho trẻ ăn thức ăn thích hợp theo tuổi, cho trẻ ăn miếng nhỏ và dừng ngay khi trẻ có biểu hiện ho khi đang ăn.
Khi ăn nên bế trẻ hoặc để trẻ ngồi, không cho ăn khi trẻ đang nằm, khi trẻ còn ngái ngủ, khi đang khóc, đối với trẻ lười ăn, không chịu há miệng khi cho ăn, một số bà mẹ thường bịt mũi để trẻ phải há miệng ra, điều này hết sức nguy hiểm bởi trẻ sẽ hít vào kèm luôn cả thức ăn qua đường miệng.
Xử trí
Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở phải nhanh chóng xử trí không để trẻ ngạt thở. Cần khẩn trương đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và gắp dị vật ra. Trong lúc đi, để trẻ ở tư thế ngồi hoặc mẹ bồng. Không can thiệp vì di chuyển, dị vật có thể làm trẻ ngưng thở đột ngột.
Nếu trẻ ngưng thở hoặc khó thở nặng, thực hiện ngay thao tác vỗ lưng, ấn ngực để trẻ không bị ngạt thở. Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi: đặt nằm đầu thấp úp mặt trên cánh tay. Dùng bàn tay kia vỗ 5 cái mạnh và nhanh vào lưng giữa hai vai bé. Nếu vỗ lưng không kết quả lật ngửa trẻ lên. Đặt hai ngón tay trên nửa dưới của xương ức ấn ngực 5 lần. Có thể thực hiện từ 6-10 lần thủ thuật này.