Ngôn ngữ lời nói là công cụ giao tiếp quan trọng nhất, đồng thời với khả năng bộc lộ cảm xúc thông qua giao tiếp phi ngôn ngữ bằng ánh mắt, nét mặt và các dấu hiệu của cơ thể. Một đứa trẻ bình thường sẽ sử dụng thành thạo ngôn ngữ lời nói để thể hiện cảm xúc, nhu của bản thân và xây dựng những mối tương giao với mọi người xung quanh.
Khi trẻ bắt đầu tập nói và ngôn ngữ sẽ được phát triển rất nhanh từ khi trẻ trên 12 tháng, cho đến khi trẻ được 5 tuổi thì ngôn ngữ đã hoàn thiện, trẻ có đủ vốn từ (khoảng 2000 từ) để sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Việc giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ thông qua việc trò chuyện với trẻ, cho trẻ chơi những trò chơi phát triển ngôn ngữ, đọc sách hay kể chuyện cho trẻ nghe là những hoạt động cần thiết để giúp trẻ đạt được sự giao tiếp tốt nhất.
Trẻ bình thường trải qua các giai đoạn phát triển ngôn ngữ khác nhau trong những năm đầu đời. Tuy nhiên đối với trẻ tự kỷ thì bánh xe ngôn ngữ dường như bị chệch ra khỏi đường ray phát triển hoặc đi rất chậm lại. Một số trẻ vẫn có sự phát triển về lời nói, nhưng cách phát âm và cách biểu đạt ngôn ngữ lại có những dấu hiệu bất thường. Trẻ có những câu nói vô nghĩa, nhại lại lời người khác rất chính xác nhưng dường như bản thân trẻ cũng không hiểu những lời nói mà mình phát âm ra. Thậm chí nhiều trẻ còn không có ngôn ngữ lời nói.
Với trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ hạn chế về ngôn ngữ hay không có ngôn ngữ thì phát triển giao tiếp bằng lời nói cho trẻ là một vấn đề hết sức khó khăn. Hiểu được điều đó, Trung tâm Sao Mai đã thường xuyên tập huấn cho giáo viên để bổ sung những kiến thức, những phương pháp, kỹ năng trong việc giúp trẻ chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ phát triển lời nói.
Giúp giáo viên nắm đượctiến trình phát triển giao tiếp ở trẻ nhỏ thông qua khả năng tương tác, cách thức giao tiếp, mục đích giao tiếp.
Phát triển giao tiếp bằng lời nói bao gồm ngôn ngữ diễn đạtvà ngôn ngữ tiếp nhận. Hai loại ngôn ngữ này xẩy ra cùng một thời điểm giao tiếp. Ngôn ngữ giao tiếp không phải là một hệ thống giao tiếp tách biệt mà luôn kết hợp. Đối với trẻ tự kỷ, việc dạy trẻ tiếp nhận ngôn ngữ và diễn đạt ý muốn của bản thân trẻ là điều hết sức khó khăn, đòi hỏi giáo viên phải hết sức kiên nhẫn.
Và trong giao tiếp thì có giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Trẻ nhỏ mỗi giai đoạn có sự phát triển ngôn ngữ khác nhau. Như trước khi có ý thức Trẻ sử dụng giao tiếp không lời: khóc, cười, nhìn người lớn, nắm lấy. Giai đoạn có ý thức trước ngôn ngữ: Khóc có lý do cụ thể, với lấy đồ vật, đưa, đẩy đồ để từ chối, nhìn để thể hiện một ý nghĩa, chỉ tay. Lý do để giao tiếp rõ ràng dù vẫn chưa ở hình thái ngôn ngữ. Giai đoạn trẻ nói được từ đầu tiên: Bắt đầu nói 1 số từ đơn, tiếp tục sử dụng ngôn ngữ điệu bộ (giao tiếp mắt, chỉ tay...). Thể hiện nhiều chức năng (Yêu cầu, hồi đáp, phản đối, gọi tên, yêu cầu chú ý, chào, nhắc lại những gì bé nghe thấy...). Giai đoạn nói cụm 2 từ: Bắt đầu biết kết hợp một số từ, vốn từ tăng nhanh chóng. Bắt đầu biết nhắc lại hay thay đổi cách nói khi người nghe không hiểu. Bé chủ yếu nói ở thì hiện tại. Bắt đầu có sự phức tạp về cú pháp và ngữ nghĩa: Nói được câu dài hơn, bắt đầu phát triển quy tắc, cú pháp. Giao tiếp cho nhiều chức năng: bày tỏ cảm xúc, bình luận về một sự việc tưởng tượng, hỏi thông tin, ...Bắt đầu nói về quá khứ và tương lai, về những người khác. Phức tạp về cú pháp và ngữ nghĩa ở giai đoạn cao hơn: Vốn từ và cấu trúc câu phức tạp hơn. Bắt đầu học các quy tắc về trao đổi trong giao tiếp. Bắt đầu thay đổi cách nói của mình, tùy thuộc vào người nghe. Giao tiếp thành thạo: Bé kết hợp ngôn ngữ lời nói và không lời để chuyển tải một thông điệp và có thể gửi thông điệp đó vì nhiều lý do khác nhau.
Từ nội dung được tìm hiểu, những tình huống cụ thể, các giáo viên đưa ra những thảo luận để chỉ ra những khó khăn trong việc phát triển giao tiếp bằng lời nói cho trẻ tự kỷ nhỏ từ thực tiễn trên lớp của mình.
Những khó khăn trong việc phát triển ngôn ngữ giao tiếp của trẻ đó là hiểu kém, khó khăn trong diễn đạt, hầu như không tạo ra âm thanh, thỉnh thoảng phát ra âm vô nghĩa (không chủ đích), bập bẹ 1 chuỗi dài (tiếng tây), có thể nói theo từ đơn (nhưng không thường xuyên). Có trẻ nói được một số từ đơn nhưng chỉ khi cần mới nói hay trẻ hát được nhưng không nói khi giao tiếp. Có trẻ nói được cụm 2 từ nhưng ít chủ động và khó khăn trong duy trì giao tiếp, diễn đạt câu dài.
Để phát triển lời nói cho trẻ, giáo viên phải chọn nội dung dạy cho từng dạng trẻ, cách thức và kỹ thuật dạy khoa học, phù hợp.
Nội dung dạy cho từng dạng trẻ đều phải tăng tần suất phát âm và đa dạng âm thanh; Chuyển âm thanh thành từ ngữ như làm nhuần nhuyễn việc tạo lời có nghĩa (phát âm có chủ đích), làm nhuần nhuyễn việc bắt chước lời có nghĩa,từ ngữ bắt chước trở thành từ ngữ tự phát,sử dụng lời nói tự phát để chọn lựa; Phát triển vốn từ; Xây dựng câu nhiều từ .
Chọn những từ đích cần hướng tới trong dạy trẻ.Đó là những từ đích có liên quan đến những thứ mà trẻ rất thích, những từ mà trẻ đã có phát âm gần đúng. Những từ đích phù hợp thang phát triển (ví dụ: các từ mà không kết hợp nhiều phụ âm cùng nhau ). Các từ đích phổ biến trong nhiều môi trường. Các từ đích dành cho các yêu cầu mà trẻ thường đề nghị bằng phi ngôn ngữ. Và một số từ chỉ hành động… Ban đầu, chỉ nên hướng đến các tên gọi và hành động sử dụng các từ đơn giản nhưng cụ thể: cái ly, quả bóng, nhảy và ăn. Giáo viên cần hạn chế các từ ngữ chung chung, có thể được sử dụng cho nhiều yêu cầu.
Kỹ thuật dạy cần chọn từ ngữ đầu tiên để gợi mở ngôn ngữ diễn đạt của trẻ (Chọn những âm thanh mục tiêu là những âm đầu tiên mà người mới tập nói trình bày); Nói lại ngôn ngữ của trẻ trong khi sửa lỗi;Nói chậm; Nhắc đi nhắc lại (dùng 1 cách nói thống nhất); Sử dụng quy luật “từ một trở lên”…