Từ 2 tuổi trở lên, trẻ bắt đầu có những bước tiến phát triển rõ rệt về ngôn ngữ, 3 tuổi là cột mốc quan trọng đánh dấu cho sự phát triển về các kỹ năng về ngôn ngữ, nhận thức và tình cảm xã hội. Sau đây, KidsOnline xin giới thiệu đến các bố mẹ về những kỹ năng cần có cho trẻ từ 2-3 tuổi, bố mẹ có thể theo dõi để nắm bắt được sự phát triển của con mình nhé.
– Trẻ 2 tuổi:
+ Kỹ năng vận động: Đá được một quả bóng, có thể chạy, dưới sự hỗ trợ của người lớn có thể bước lên cầu thang.
+ Kỹ năng ngôn ngữ: Có thể nói được một cụm 2-3 từ có nghĩa, ví dụ: “mẹ đi”, “bố về nhà”…, kể tên được 5 đối tượng trong sách khi có người lớn gọi tên, đã sử dụng được khoảng 50 từ.
+ Phát triển thị giác: Có khả năng xếp chồng 6 hình khối lên với nhau, mở các trang sách để xem.
+ Phát triển kỹ năng xã hội: tự chơi được một mình, thể hiện cảm xúc cáu kỉnh, ra hiệu khi muốn đi vệ sinh với bố mẹ,…
– Trẻ 2 tuổi rưỡi
+ Kỹ năng vận động: Có thể tự ném một quả bóng.
+ Kỹ năng ngôn ngữ: Đã có thể sử dụng hơn 200 từ, hiểu các giới từ đơn giản như: trong, sau, dưới…
+ Thị giác phát triển: bé có thể xâu hạt (dạng to) vào chuỗi vòng
+ Phát triển xã hội: tự gọi được tên đầy đủ và giới tính của mình; tự xúc được thức ăn bằng thìa.
– Trẻ 3 tuổi
+ Kỹ năng vận động: tự đứng được trên một chân; có khả năng đi lên cầu thang mỗi bước một chân; đã đi được xe 3 bánh.
+ Kỹ năng ngôn ngữ: Gọi tên chính xác 8 hình ảnh trong một cuốn sách, hỏi rất nhiều những câu hỏi: tại sao, là gì…, đếm được đến 10
+ Phát triển thị giác: Lật từng trang sách một để xem, tạo ra một cây cầu từ những khối hình ghép
+ Kỹ năng xã hội: mặc và cởi quần áo đơn giản; chơi và chia sẻ với những bé khác.
3 tuổi là độ tuổi đánh dấu cột mốc phát triển quan trọng đầu tiên trong cuộc đời của bé. Đây chính là lúc não bộ của bé hoạt động mạnh nhất, phát triển khả năng tư duy cực cao. KidsOnline mời bố mẹ xem thêm chi tiết hơn những kỹ năng mà trẻ 3 tuổi làm được, nếu bé nhà bạn thể hiện được hết những điều sau chứng to bé phát triển rất tốt.
>> Xem thêm: nhận diện tăng động giảm chú ý ở trẻ
Lưu ý:
Nếu trẻ 3 tuổi có những biểu hiện sau thì bố mẹ cần tìm biện pháp giải quyết hoặc xin lời khuyên của bác sĩ ngay nhé:
– Không cầm được bút chì, không thể vẽ lại được một vòng tròn tương đối
– Không thể ném hoặc bắt bóng, không đi được xe đạp 3 bánh
– Không xếp được 4 khối hình chồng lên nhau
– Nói không rõ ràng hoặc không thể nói được một câu nhiều hơn 3 từ
– Thường ngã và gặp khó khăn khi leo cầu thang
– Không thích chơi đùa với những đứa trẻ khác
– Không hiểu những chỉ dẫn đơn giản
– Không tiếp xúc bằng mắt
– Không bắt chước hoặc chơi được các trò chơi giả vờ
– Không trả lời câu hỏi từ phía những người lạ
Tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau mà mỗi đứa trẻ sẽ phát triển khác nhau, do đó những yếu tố trên chỉ mang tính chất tương đối, các mẹ cũng không nên áp đặt chính xác là khi nào và làm thế nào để trẻ có thể thực hiện các kỹ năng một cách hoàn thiện.
Những bài tập kỹ năng sống cho trẻ 2-3 tuổi theo phương pháp Montessori
Mục đích của những bài tập kỹ năng sống cho trẻ 2-3 tuổi theo phương pháp Montessori nhằm bồi dưỡng khả năng phối hợp tay và mắt nhịp nhàng, khả năng tập trung, tính độc lập và kỷ luật.
Các hoạt động bao gồm:
1. Nhặt hạt đậu:
Mẹ lấy hai cái khay, đặt hai cái bát bằng nhựa lên trên khay, trong một bát đặt các hạt đậu, yêu cầu trẻ dùng tay nhặt sang bát còn lại cho tới khi hết thì thôi.
Lưu ý: Với trẻ ở giai đoan 2 tuổi -2,5 tuổi thường rất hiếu động, bạn rất khó để yêu cầu con ngồi một chỗ và làm theo yêu cẩu của mẹ. Tuy nhiên, mẹ cần linh động, ví dụ nhằm mục đích luyện tay và mắt cho con với việc sử dụng hai đầu ngón tay để nhặt hạt đậu mẹ có thể cố tính để rơi vài hạt đậu trên thảm và nói con tìm giúp mẹ bỏ vào chai với. Hay có một số mé còn đổ hạt đậu lộn xộn rơi trên thảm hay nền nhà. Mẹ đừng vội vã mắng trẻ, mà hãy nghĩ rằng là một cơ hội tốt để hai mẹ con nhặt hạt đậu bỏ lại chỗ cũ. Vẫn đạt được mục đích là luyện khả năng phối hợp tay mắt, tính tập trung và còn có tinh thần giúp đỡ mẹ.
2. Đổ gạo:
Lấy một cái khay, đặt hai cái cốc nhỏ bằng nhựa lên trên khay, đổ gạo vào một cái cốc, yêu cầu trẻ dùng tay đổ gạo từ cốc này sang cốc kia.
Lưu ý : Với những trẻ hiếu động, mẹ có thể sáng tạo bằng cách hai mẹ con cùng chơi trò nấu ăn, mẹ lấy đậu và gạo, tự trẻ sẽ biết cách dùng thìa xúc sang bát còn lại hay đổ sang bát còn lại. Hãy để con bắt đầu bằng một niềm vui vẻ, nếu ép buộc có thể kết quả sẽ bị theo chiều ngược lại.
3. Rót nước:
Lấy một cái khay, đặt hai cái cốc nhựa vào trong khay, trong đó một cốc có nước và yêu cầu trẻ đổ nước từ cốc này sang cốc kia. Sau này trẻ sẽ tự rót nước lọc hay bê bát canh này chan vào bát cơm và ăn theo cách mà trẻ muốn.
4. Cắt/thái hoa quả:
Cha mẹ chuẩn bị cho trẻ một quả chuối tiêu, một con dao bằng nhựa đồ chơi, một cái thớt nhỏ. Sau đó cho trẻ dùng dao thái chuối.
5. Xâu hạt:
Để cho bé thực hiện trò chơi này, trước hết cha mẹ cần chuẩn bị những dụng cụ như sau: Hạt nhựa, gỗ, có lỗ ở giữa nhiều màu sắc, đựng trong rổ hay hộp đều được. Trước khi cho bé chơi, mẹ cần làm mẫu cho bé nhé, đầu tiên mẹ xâu từng hạt vào sợi dây cho tới khi hết, lưu ý khi xâu hạt tới đâu mẹ nên hướng dẫn cho bé hiểu. Khi xâu hết vòng hai đầu rồi buộc lại và được một chiếc vòng đeo vào tay của bé. Khi bé đã hiểu, bạn hãy tháo ra để cho bé tự xâu lại theo ý hiểu, nếu bé làm sai bạn cần hướng dẫn lại ngay để bé tiếp thu nhanh.
Lưu ý: Không được để bé cho hạt vào mũi hay miệng nhé rất nguy hiểm, cũng như không được cho bé một mình tự xâu hạt nhé.
6. Các hoạt động sinh hoạt khác:
Cha mẹ có thể dạy trẻ lau bàn, xếp tất thành đồi, cách mặc quần áo. Những hoạt động này sẽ giúp trẻ có đôi bàn tay khéo léo hơn và rèn tính kỷ luật tốt hơn.