(HNM) - Hiện nay, thời tiết đang chuyển từ lạnh sang nồm ẩm ướt, thuận lợi để vi rút, vi khuẩn phát triển gây ho, sốt, đau người và đặc biệt xuất hiện nhiều muỗi, là vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết cho người. Khi bị đau, sốt mọi người thường dùng thuốc Paracetamol để điều trị. Mặc dù Paracetamol là thuốc không cần kê đơn nhưng các chuyên gia y tế cảnh báo vẫn có thể gây ngộ độc nếu dùng không đúng cách.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai: Từ thực tế điều trị cho thấy, các trường hợp ngộ độc thuốc tân dược thường gặp nhất là ngộ độc thuốc Paracetamol vì đa số người bị đau, sốt thường dùng thuốc này và đặc biệt đây là thuốc hạ sốt an toàn cho người mắc sốt xuất huyết. Các trường hợp ngộ độc Paracetamol hay xảy ra với người bị sốt cao, sốt dai dẳng kéo dài đi kèm với đau ê ẩm người đã tự dùng thuốc sai khi thấy uống thuốc xong không đỡ lại uống thêm mà không để ý đến khoảng cách thời gian giữa các liều và không để ý đến tổng liều tối đa được phép.
Để phòng chống ngộ độc, các chuyên gia y tế khuyến cáo: Paracetamol dù là thuốc không cần kê đơn dùng để giảm đau, hạ sốt, vẫn luôn phải tuân thủ đúng liều trong mỗi lần uống, khoảng cách giữa các lần uống. Theo hướng dẫn của Khoa Dược, Bệnh viện Bạch Mai: Đối với người lớn khi dùng Paracetamol uống 3g/ngày, chia làm 4 hoặc 6 lần, cách nhau ít nhất 4 giờ. Nhìn chung, không nên vượt quá 3g/ngày. Trong trường hợp đau nặng, liều tối đa có thể được tăng lên đến 4g/ngày. Không sử dụng bia, rượu trong thời gian uống thuốc Paracetamol vì sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương gan. Dùng Paracetamol đối với trẻ em: Uống 60mg/kg/ngày, chia làm 4 hoặc 6 lần, tức là 15mg/kg mỗi 6 giờ hoặc 10mg/kg mỗi 4 giờ. Tổng liều không được vượt quá 80mg/kg/ngày ở trẻ em có cân nặng dưới 37kg và 3g/ngày ở trẻ có cân nặng trên 37kg.