*Dấu hiệu nhận biết trẻ bị bạo hành, xâm hại:
Bạo hành, lạm dụng trẻ em là trường hợp trẻ bị một người khác làm hại đến sức khỏe, tình cảm, hạnh phúc và sự phát triển bình thường về mặt thể chất và tinh thần.
Gồm 04 loại chính:
- Xâm hại về thể chất: là bị bạo hành có dấu hiệu tổn thương vật lý về cơ thể, không chỉ là những hành vi nguy hiểm tới tính mạng, các hành động có thể bao gồm: làm trẻ bị bỏng, làm trẻ ngạt nước, dấu hiệu đá, đánh, cắn trẻ, dấu hiệu ném một đồ vật vào trẻ, dấu hiệu trói cột trẻ;
- Xâm hại về tình dục: là các hành vi tình dục mang tính chất xâm hại về mặt thể chất và tinh thần gồm: cho trẻ tiếp xúc với các văn hóa phẩm đồi trụy, các hành vi xâm hại tình dục cơ thể;
- Xâm hại về tinh thần: là các hành vi gây ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần, sinh lý tình cảm của trẻ: như la mắng, so sánh trẻ với các trẻ khác trong quá trình giáo dục, thiếu sót về cách dạy trẻ truyền đạt cảm xúc, tình cảm, dẫn đến tự ti, mặc cảm;
Bỏ mặc trẻ: là tình trạng trẻ em sống trong điều kiện, môi trường nguy hiểm trong thời gian dài, không có dấu hiệu được chăm sóc: sự thiếu hụt về thức ăn, điều kiện thời tiết, điều kiện vệ sinh môi trường sinh sống, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các dịch vụ giáo dục.
*Giải pháp bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực gia đình
- Nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng về hậu quả của bạo lực đối với trẻ em. Chú trọng hỗ trợ, cung cấp kiến thức nuôi dạy con cho cha mẹ, người chăm sóc và gia đình.
- Tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường – gia đình – xã hội trong việc quản lý, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Thực hiện tốt công tác tư vấn, tham vấn học đường và phát huy vai trò của công tác đoàn, đội, hội. Cha mẹ phải là tấm gương tốt để con cái noi theo, có trách nhiệm với con cái. Chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo cho trẻ em. Đặc biệt, cộng đồng không vô cảm trước những nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực.
- Tổ chức truyền thông tại cộng đồng nhằm giải quyết vấn đề bạo lực trẻ em. Phải khẳng định mạnh mẽ bạo lực trẻ em là không thể chấp nhận được nhưng có thể ngăn chặn được. Bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực là trách nhiệm của mọi người. Hãy lên tiếng chống lại bạo lực trẻ em, không để trẻ em phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do bạo lực gây ra.
Phòng chống bạo lực trẻ em
Ngày 3/1, Đoàn giám sát Quốc hội phối hợp với Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong trong gia đình”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 5.000 trẻ em bị xâm hại, trong đó số trẻ bị xâm hại tình dục chiếm trên 80%. Thủ phạm vẫn đa số là người thân, quen, hàng xóm, các vụ do chính người ruột thịt như: ông, bố đẻ, bố dượng gây ra không nhiều nhưng thực sự đáng báo động cho thấy sự xuống cấp về đạo đức xã hội, về ảnh hưởng của phim, ảnh đồi truỵ, chất gây nghiện. Nạn nhân bị xâm hại tình dục phần lớn là trẻ em gái, gần đây xuất hiện xâm hại tình dục trẻ em trai.
Nguyên nhân của tình trạng trên theo bà Hòa, là do sự hiểu biết về pháp luật, về xâm hại trẻ em, những kỹ năng bảo vệ trẻ em của các bậc cha mẹ, tự bảo vệ của trẻ em còn rất thiếu. Theo đó trong thực tế, một bộ phận gia đình chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm quan trọng của gia đình. Cha mẹ lo làm ăn kiếm tiền nuôi con ăn học nên thường chỉ quan tâm đến kết quả học tập, ít dành thời gian trò chuyện, lắng nghe con, hướng dẫn con về kỹ năng sống, thậm chí không ít gia đình lơ là, mất cảnh giác. Khi con bị xâm hại tình dục thì nhiều gia đình, bản thân trẻ có tâm lý e ngại, xấu hổ, sợ ảnh hưởng đến tương lai nên không tố cáo, giữ kín sự việc, chuyển nơi ở. “Đau xót hơn là những vụ các cháu bị xâm hại bởi những người thân ruột thịt dù được người mẹ, bà phát hiện nhưng đã không kịp thời ngăn chặn dẫn đến tình trạng các cháu bị xâm hại nhiều lần”- bà Hòa cho hay.
Theo bà Nguyễn Thị Thuỷ- Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, hiện nay, công tác tuyên truyền cũng chưa sát vào thực tiễn, chưa có hiệu quả. Thực tế là trên phạm vi cả nước, có nhiều cuộc tuyên truyền, hình thức tuyên truyền, được triển khai, nhưng thực tế, đối tượng được tuyên truyền là trẻ em chưa phát huy hiệu quả. Đưa ra dẫn chứng đi đến tỉnh nào vào trường học hỏi các em hiểu như thế nào về xâm hại trẻ em thì cơ bản các em chỉ hiểu xâm hại trẻ em là xâm hại tình dục trẻ em, bà Thủy cho rằng, điều đó cho thấy việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức kỹ năng cho các em chưa đạt.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, cần đánh giá đúng mức độ thực trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình và đánh giá đúng đặc điểm của những gia đình xảy ra tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em nhằm có biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em phù hợp với thực tiễn. Bởi hiện nay, pháp luật của nước ta về bảo vệ quyền trẻ em và phòng, chống bạo lực gia đình tương đối tốt do đó không thể đổ lỗi cho thể chế, pháp luật mà cần xem lại khâu tổ chức thực hiện.