Dạy trẻ lễ phép là việc bố mẹ cần ưu tiên số một trong quá trình định hướng lối cư xử văn minh và hành động tốt đẹp cho trẻ. Với nền tảng đó, trẻ sẽ dễ kết nối với người khác và dễ thành công hơn trong cuộc sống sau này.
Khi trẻ bước vào tuổi mẫu giáo, bố mẹ nên coi việc dạy trẻ lễ phép là ưu tiên hàng đầu. Có rất nhiều điều trẻ cần được bố mẹ chỉ dạy để có thể biết cách cư xử hòa nhã, có thái độ tích cực, và nói chung là có nếp sống đẹp. Thật ra, đây cũng là thời điểm lý tưởng để bố mẹ dạy trẻ lễ phép, vì lúc này, trẻ rất thích làm cho bố mẹ vui lòng mà!
Lễ phép là gì?
Lễ phép là cách cư xử lịch sự, đúng mực, biết kính trên nhường dưới mà không cần ai nhắc nhở.
Trẻ nhỏ hay tự cho mình là trung tâm của mọi sự chú ý, nên việc bố mẹ dạy trẻ cư xử lễ phép cũng là để trẻ hiểu rằng mọi người khác cũng quan trọng và xứng đáng được tôn trọng. Để bắt đầu dạy trẻ lễ phép, bố mẹ hãy tìm hiểu về 5 điều cần thiết nhất mà bố mẹ nên dạy trẻ nhé!
1.Dạy trẻ về sự tử tế
Ở trường học và ở sân chơi chung, thì việc biết chờ tới lượt mình, biết chia sẻ và thể hiện sự thân thiện với bạn bè là những điều tất yếu.
Vậy bố mẹ nên dạy trẻ thế nào?
Cách dễ nhất chính là bố mẹ chỉ cho trẻ thấy những hành vi tốt ở người khác. Một khi trẻ nhận ra hành động tử tế của người khác thì trẻ sẽ hiểu được mình nên làm gì.
Trẻ nhỏ thường có tính sở hữu cao, vì thế, việc động viên và dạy trẻ biết chia sẻ có thể sẽ hơi khó khăn đối với bố mẹ. Bố mẹ nên kiên nhẫn, vì trẻ cần thời gian thì mới có thể hiểu rằng, việc cảm thấy hơi khó chịu khi người khác chơi đồ chơi của mình cũng là bình thường. Còn khi trẻ chủ động chia sẻ đồ chơi hoặc nhường lượt chơi của mình cho bạn bè, bố mẹ nên nhiệt tình khích lệ. Lời khen của bố mẹ còn khiến trẻ vui hơn là được chơi đấy! Ngoài ra, lời khen cũng giúp trẻ tự tin, vui vẻ hơn và vì vậy, trẻ sẽ muốn chia sẻ nhiều hơn.
2.Dạy trẻ biết cảm ơn và đề nghị một cách lịch sự
Những từ ngữ “kỳ diệu” (“vâng”, “dạ”, “ạ”, “thưa”, “cảm ơn”...) có thể khiến người nghe cảm thấy rất dễ chịu. Bằng cách sử dụng những từ này, trẻ không chỉ trở thành một người lịch sự trong mắt người khác, mà các mối quan hệ của trẻ cũng trở nên tốt hơn.
Vậy bố mẹ nên dạy trẻ thế nào?
Bố mẹ hãy làm gương cho trẻ, bởi trẻ thường thích bắt chước bố mẹ. Nếu bố mẹ khen ngợi trẻ và phản ứng nhanh chóng khi trẻ nói lời đề nghị lịch sự thì trẻ sẽ còn học được nhanh hơn nhiều. Nhưng nếu thỉnh thoảng trẻ quên dùng kính ngữ, hoặc quên vài từ thể hiện sự lễ phép thì bố mẹ chỉ cần nhẹ nhàng nhắc thôi chứ đừng trách móc trẻ nhiều nhé!
Cách dễ nhất để bắt đầu dạy trẻ lễ phép và tôn trọng tình cảm của người khác dành cho mình đó là nhắc nhở trẻ cảm ơn khi nhận được món quà từ người khác.
3.Dạy trẻ lễ phép khi người khác đang nói chuyện
Trẻ nhỏ rất thích được bố mẹ quan tâm, chú ý. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, trẻ sẽ ngắt lời bố mẹ, hoặc thấy bố mẹ đang trò chuyện (trực tiếp hay qua điện thoại) với người khác thì trẻ vẫn làm phiền.
Vậy bố mẹ nên dạy trẻ thế nào?
Bố mẹ hãy giải thích rằng, khi bố mẹ đang nói chuyện với người khác, thì trẻ không nên chen ngang, trừ khi có chuyện thực sự khẩn cấp (ai đó bị đau hoặc trẻ cần đi vệ sinh ngay lập tức). Nếu trẻ làm phiền mà không vì chuyện gì quan trọng, bố mẹ hãy cương quyết nhắc:“Mẹ đang bận một chút, con hãy chơi xếp hình và đợi mẹ, mẹ xong việc sẽ ra với con ngay nhé!”. Sau khi xong việc, bố mẹ hãy khen ngợi trẻ nếu trẻ kiên nhẫn chờ đợi và làm đúng lời của mình là dành thời gian chú ý đến trẻ nhé!
Khi bố mẹ đang có việc phải trao đổi với người khác, bố mẹ có thể dạy trẻ lễ phép bằng cách nhẹ nhàng nhắc nhở con chịu khó chờ tới lượt của mình nhé!
4.Dạy trẻ chào hỏi lễ phép
Nhiều trẻ hay tránh né người lạ - việc đó cũng là bình thường. Nhưng việc chào hỏi lễ phép và trả lời một vài câu hỏi đơn giản là những quy tắc xã hội tối thiểu mà bố mẹ cần hướng dẫn cho trẻ.
Vậy bố mẹ nên dạy trẻ thế nào?
Thay vì dỗ dành hoặc bắt trẻ chào hỏi thì bố mẹ nên “đố" trẻ miêu tả một số chi tiết về người đối diện. Ví dụ: “Con có biết tóc chị Vi màu gì không?”. Nhờ vậy, trẻ có thể nhìn vào người lạ, thay vì trốn tránh họ.
Khi trẻ đã quen với việc chào hỏi, bố mẹ có thể dạy trẻ bắt tay mọi người. Hãy bắt đầu từ việc chỉ cho trẻ thấy sự khác biệt giữa cái bắt tay èo uột, nhạt nhẽo, với cái bắt tay chắc chắn, thể hiện sự thân thiện. Khi ở nhà, bố mẹ nên giả vờ làm các nhân vật khác nhau hoặc bạn bè của trẻ, để trẻ tập tự giới thiệu bản thân.
5.Dạy trẻ cách ăn uống lịch sự
Đối với trẻ nhỏ, việc ngồi yên vài phút ở bàn ăn là chẳng dễ dàng gì. Tuy nhiên, hầu hết trẻ 3 tuổi có thể ngồi ăn ngoan tại bàn trong khoảng 15 phút. Nếu bố mẹ thấy 15 phút vẫn là quá dài đối với con mình thì có thể tập cho trẻ ngồi ăn cùng gia đình trong khoảng 10 phút, rồi tăng dần lên. Điều quan trọng nhất là bố mẹ cần giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của bữa cơm gia đình và biết trân trọng khoảng thời gian đó.
Vậy bố mẹ nên dạy trẻ thế nào?
Đầu tiên, bố mẹ cần tạo giờ giấc ăn uống cố định, giảm thiểu những yếu tố có thể làm trẻ phân tâm. Bố mẹ nên lưu ý:
- Tránh cho trẻ uống nước hoa quả hoặc ăn vặt trước giờ ăn chính.
- Cương quyết chỉ cho phép trẻ ăn uống khi trẻ ngồi ở bàn ăn.
- Cho trẻ giúp dọn bàn ăn tối, và bố mẹ có thể dùng hình dán để làm “phần thưởng” nhằm khen ngợi, khích lệ trẻ.
Để trẻ có thể giữ phép lịch sự trên bàn ăn, thì bố mẹ cần phải chú ý tạo giờ giấc ăn uống cố định cho trẻ và tuân theo một số nguyên tắc nhất định nhé!
Bữa ăn gia đình cũng là cơ hội để bố mẹ dạy trẻ những quy tắc lịch sự khi ăn uống. Vì vậy, bản thân bố mẹ cũng cần gương mẫu thực hiện một số điều như:
- Không sử dụng điện thoại trong giờ ăn.
- Nếu gia đình có thói quen trải khăn ăn trên đùi hay đặt giấy ăn ở cạnh bát của mình thì bố mẹ hãy làm đúng để trẻ nhìn thấy.
- Không mở miệng khi nhai để tránh tạo ra tiếng chóp chép.
Việc thay đổi một số thói quen có thể sẽ mất nhiều thời gian, nhưng nếu bố mẹ và trẻ luyện tập thường xuyên thì rồi bố mẹ sẽ thấy trẻ ăn uống rất lịch sự, văn minh đấy!
Dạy trẻ lễ phép không phải là chuyện một sớm một chiều. Vì vậy, bố mẹ hãy kiên nhẫn để giúp trẻ học được những cách cư xử đúng mực nhé!