Bạn có cảm thấy xa lạ với những tình huống như thế này không?
Cô giáo mầm non gọi bạn qua một bên và nói nhỏ: “Hôm nay con đẩy bạn ngã trên sân”;
“Con đánh bạn”; “Con ăn vạ”… Dù là gì, cảm giác có lẽ vẫn không khác đi: chút
nhói lòng và quyết tâm phải “sạc” cho con một trận khi về nhà.
Bạn muốn làm điều gì đó để giúp con thay đổi hành vi. Bạn muốn con hạnh phúc, có những người bạn thân và đủ sức đương đầu với thế giới vốn không ít hỗn loạn này.
Nhưng phải làm thế nào đây?
Điều quan trọng không chỉ là hướng con đến hành vi tích cực
mà bạn cần thực sự tìm hiểu nguyên cớ vì đâu con xử sự như thế.
Những hành vi được coi là “xấu” của trẻ thực chất không thực sự xấu. Mà đúng hơn, chúng là những nỗ lực của trẻ để kiểm soát cảm xúc mạnh hay xử lý bất đồng trong quan hệ với xã hội. Trẻ em phải học các quy tắc xã hội và không phải một sớm một chiều mà trẻ tiếp thu được hết.
Với vai trò làm cha mẹ, chúng ta cần dạy con cách đối mặt với những cảm xúc phức tạp, các mối quan hệ xã hội.
Mục đích là để thay đổi hành vi bột phát của trẻ theo hướng tích cực và phù hợp hơn. Nếu có thể sử dụng tình huống cụ thể để hướng dẫn trẻ, hiệu quả sẽ lớn hơn. Bạn có thể tìm thấy những tình huống cụ thể về nhiều hành vi thường gặp mỗi ngày trong sách. Nhận thấy sự tương đồng với nhân vật, trẻ có thể học hỏi cách giải quyết mà cuốn sách đưa ra để dần điều chỉnh hành vi.
3 bước sử dụng sách tranh để thay đổi hành vi của trẻ
Bước 1:
Tìm cuốn sách đề cập trực tiếp tới tình huống mà con bạn trải qua, nếu trẻ còn nhỏ. Trường hợp trẻ lớn hơn, đôi khi, những cuốn sách hài hước hoặc đề cập vấn đề không quá cụ thể sẽ có ích hơn. Lựa chọn sách như thế nào tuỳ thuộc vào tính cách con bạn.
Đọc sách vào lúc con bình tâm và sẵn sàng tiếp nhận. Đặt một
số câu hỏi mở, ví dụ:
- Con đã bao giờ cảm thấy như vậy chưa?
- Con đã bao giờ làm như vậy trước đây chưa?
- Thay vì vậy, bạn nhỏ trong cuốn sách này đã làm gì?
- Con có thể làm khác đi, như bạn nhỏ trong sách, không?
Đọc cuốn sách nhiều lần và trả lời những câu hỏi của con. Trẻ có thể trở nên cởi mở hơn và chia sẻ với bạn nhiều hơn. Có thể trẻ bị tổn thương cảm xúc nên dẫn tới việc có cách hành xử như vậy. Trấn an trẻ trong lúc bạn nhấn mạnh những cách tích cực khác để giải quyết sự bối rối của trẻ.
Bước 2:
Diễn lại tình huống hay câu chuyện trong sách. Bạn có thể dùng
búp bê, thú nhồi bông và chơi trò đóng vai:
- Giờ mẹ con mình giả vờ bạn Rùa giằng đồ chơi của bạn Hổ nhé.
- Con nghĩ bạn Hổ sẽ cảm thấy thế nào?
- Bạn Hổ có giận tới mức muốn đánh bạn Rùa không? Thay vào đó, bạn ấy có thể làm gì?
- Bạn Hổ nói với Rùa rằng, không thích bạn Rùa làm vậy. Bạn Rùa trả lại đồ chơi và hỏi Hổ xem khi Hổ chơi xong sẽ tới lượt mình được chứ.
Nếu vở kịch nhỏ trở nên hơi… ngốc nghếch, bạn cũng đừng lo. Không phải lúc nào cũng cần giải quyết ngay. Đó là cách con thực hành giải toả căng thẳng liên quan tới tình huống đã gặp. Cố gắng hướng về giải pháp “đúng” và nhấn mạnh rằng:
“Mẹ nhận thấy con đã học được vài điều rồi phải không. Con
biết mình sẽ phải làm gì nếu ai đó lấy đồ chơi mà con đang chơi. Con nhớ câu chuyện
chúng ta cùng đọc mà”.
Với trẻ lớn hơn, đóng vai, diễn lại cảnh trong sách vẫn có
thể giúp ích.
Bước 3:
Củng cố hành vi tích cực mà con vừa học được từ sách.
Với trẻ nhỏ, bạn có thể nói:
“Chà, con đã vận dụng được cách nói đúng rồi đấy! Con đã nhớ
được đây là cách xử sự của bạn nhỏ trong sách rồi. Hành động như vậy hiệu quả đúng
không con? Mẹ cá rằng, con có thể xử sự hợp lý như vậy nếu lần tới gặp chuyện tương
tự.
Với trẻ lớn hơn:
Mẹ thấy con đã thực hành hít thở để giúp kiểm soát cơn giận.
Đúng là có ích phải không con? Cảm xúc đến và đi. Quan trọng là mình kiểm soát
được hành động của mình. Đây là những điều con đã học được từ sách và con đã làm
được!