Dạy con biết quan tâm: 7 lời khuyên sâu sắc cho cha mẹ
Chúng ta đều biết rằng hạt giống của tình yêu thương và lòng nhân ái đã có từ rất sớm trong cuộc sống. Nhưng để dạy con biết quan tâm, trở thành những người có đạo đức, rất cần sự giúp đỡ của người lớn, để giúp chúng nuôi dưỡng những hạt giống này phát triển toàn diện trong mọi giai đoạn tuổi thơ.
Dưới đây là 7 lời khuyên hướng dẫn bố mẹ nuôi dạy những đứa trẻ biết quan tâm, tôn trọng và có đạo đức, cùng với các mẹo để đưa chúng vào hành động.
1. Dạy con biết quan tâm bằng cách hãy quan tâm chúng
Trẻ em học được sự quan tâm và tôn trọng khi chúng được người lớn đối xử theo cách đó. Khi con cái chúng ta cảm thấy được yêu thương, chúng cũng trở nên gắn bó và yêu thương chúng ta hơn. Sự gắn bó đó khiến chúng dễ tiếp thu các giá trị và cách giảng dạy của chúng ta hơn.
Bạn có thể dạy con biết yêu thương bằng cách luôn thể hiện tình yêu thương với chúng dưới nhiều hình thức, chẳng hạn như quan tâm đến nhu cầu thể chất và tình cảm của con, tạo cho con một môi trường sống ổn định và an toàn, luôn thể hiện tình cảm, tôn trọng cá nhân của con.
Bạn hãy thử:
- Dành thời gian bên con: Hãy dành thời gian thường xuyên gần gũi với con. Bạn có thể làm điều này thông qua việc đọc sách trước khi đi ngủ hoặc cùng chơi, cùng làm một số hoạt động chung khác. Hoặc có thể xây dựng thời gian trực tiếp trong lịch trình hàng tuần của mình để dành thời gian cho con. Ví dụ, bạn có thể dành một buổi chiều thứ 7 hàng tuần để cùng các con làm một việc gì đó mà chúng thích.
- Hãy nói chuyện thường xuyên với con: Bất cứ khi nào bạn có thời gian với con mình, hãy thường xuyên hỏi con những câu hỏi để nêu lên suy nghĩ, cảm xúc đó. Đặt những câu hỏi như:
- Ngày hôm nay của con thế nào?
- Con đã làm được gì ngày hôm nay mà con thấy hài lòng?
- Có ai đó đã làm điều gì tốt đẹp cho con hôm nay? Con đã làm được điều gì tốt đẹp cho mọi người?
- Hôm nay con đã học được điều gì? Trong trường hay ngoài trường học?
2. Hãy là một hình mẫu có đạo đức mạnh mẽ
Con sẽ học được các hành vi đạo đức bằng cách quan sát hành động của người lớn và hành động của những người khác mà con tôn trọng. Con sẽ lắng nghe lời dạy của bố mẹ khi bố mẹ bắt đầu trò chuyện cùng con.
Hãy chú ý xem bạn có đang thực hành tính trung thực, công bằng và quan tâm đến bản thân hay không, cũng như các kỹ năng làm gương như giải quyết xung đột một cách hòa bình, quản lý cơn giận và các cảm xúc tiêu cực khác của mình một cách hiệu quả không?
Không phải ai cũng hoàn hảo mọi lúc mọi nơi, do đó đây chính là điều quan trọng giúp chúng ta làm gương cho các con hình thành tính cách khiêm tốn, tự giác và trung thực bằng cách thừa nhận và tự biết khắc phục những sai lầm và thiếu sót của chính chúng ta.
Hãy nhớ rằng, trẻ chỉ nghe lời và muốn trở thành người giống bạn khi chúng tin tưởng và tôn trọng bạn. Bạn có thể xem xét được thái độ của chúng có tôn trọng bạn hay không. Nếu bạn nghĩ chúng không tôn trọng bạn, hãy tìm ra lý do tại sao và cách bạn có thể sửa lại mối quan hệ.
Bạn hãy thử:
- Tạo giá trị cho cộng đồng: Bố mẹ hãy thường xuyên tham gia vào các việc làm có ý nghĩa cho cộng đồng hoặc quyên góp, làm từ thiện, giúp đỡ cộng đồng… Nếu có thể, hãy làm điều này cùng với con của bạn.
- Trung thực và khiêm tốn: Nói chuyện với con khi bạn mắc một sai lầm ảnh hưởng đến con, về lý do tại sao bạn mắc phải, xin lỗi về sai lầm đó và giải thích cách bạn đưa ra để tránh mắc lỗi lần sau.
- Tham khảo ý kiến người khác: Hỏi ý kiến và tham khảo những người khác mà bạn tin tưởng khi bạn cảm thấy khó để làm mẫu những phẩm chất đạo đức quan trọng cho con.
- Chăm sóc bản thân: Cho dù là dành thời gian cho bạn bè, đi dạo, cầu nguyện hay thiền định, hãy cố gắng dành thời gian để giảm bớt căng thẳng vì điều đó rất quan trọng. Nó sẽ giúp bạn chú ý và quan tâm đến người khác hơn.
3. Dạy con biết quan tâm người khác là ưu tiên hàng đầu
Điều quan trọng trong việc dạy con biết yêu thương là con phải được nghe từ bố mẹ rằng việc quan tâm người khác là ưu tiên hàng đầu và điều đó cũng quan trọng như hạnh phúc của chính con. Mặc dù hầu như các bậc cha mẹ cho rằng việc chăm sóc con cái của họ là ưu tiên hàng đầu, nhưng trẻ em thường không thấy được thông điệp đó.
Một phần quan trọng nữa là hãy giúp con hiểu được tầm quan trọng của việc sống có đạo đức. Chẳng hạn như, con phải luôn thực hiện đúng như những cam kết của con, ngay cả khi khó khăn vẫn phải làm điều đúng đắn, ủng hộ các nguyên tắc của sự công bằng và công lý, nhấn mạnh rằng con cần phải ghi nhớ và trân trọng những điều đó ngay cả khi những người khác không cư xử chuẩn mực như thế.
Bạn hãy thử:
- Luôn nhắc về một thông điệp rõ ràng: Hãy gửi những thông điệp về tầm quan trọng của việc quan tâm và biết yêu thương hàng ngày cho con. Ví dụ, thay vì nói với con “Điều quan trọng nhất là con hạnh phúc”, bạn có thể nói “Điều quan trọng nhất là con tốt bụng và con hạnh phúc”.
- Hãy ưu tiên hỏi về cách con cư xử hơn là thành tích: Hãy hỏi giáo viên của con về cách con xư xử với các bạn cùng lớp, con là thành viên tốt trong lớp hay không ngoài việc hỏi về kỹ năng học tập, điểm số hoặc thành tích của con.
- Khuyến khích con giải quyết vấn đề: Trước khi con quyết định từ bỏ một việc gì đó, hãy yêu cầu con xem xét lại nghĩa vụ của mình đối với nhóm hoặc bạn bè và khuyến khích con giải quyết các vấn đề trước khi đưa ra quyết định.
4. Tạo cơ hội cho con thực hành sự quan tâm và lòng biết ơn
Dạy con biết yêu thương người khác nhưng quan trọng nhất là con cần được thực hành điều đó. Con cần phải bày tỏ sự biết ơn đối với những người đã nuôi nấng, chăm sóc và quan tâm tới cuộc sống của con. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những người có thói quen bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với những người khác, những sự việc khác, có nhiều khả năng trở nên hữu ích, rộng lượng, từ bi và tha thứ hơn. Từ đó, họ cũng trở nên bình an và hạnh phúc hơn.
Học cách biết ơn và quan tâm người khác cũng giống như học chơi một môn thể thao hoặc một nhạc cụ nào đó. Cứ lặp đi lặp lại hàng ngày, cho dù chỉ đơn giản là hỗ trợ một người bạn làm bài tập về nhà, làm việc nhà, quét dọn vệ sinh trong lớp,… những việc làm này cứ làm hàng ngày sẽ khiến cho việc quan tâm và biết ơn trở thành đức tính tốt cho con và phát triển năng lực yêu thương của con.
Tổ chức các buổi họp gia đình để giúp con thực hành cách giải quyết vấn đề trong gia đình như cãi vã giữa anh chị em, rắc rối khi đến trường… Với tư cách là bố mẹ, bạn luôn cần đứng vững để phân xử một cách công bằng và quan tâm, tạo một môi trường dân chủ trong gia đình, yêu cầu con cái bày tỏ quan điểm của chúng khi lắng nghe.
Bạn hãy thử:
- Giúp con có trách nhiệm: Yêu cầu con hãy thường xuyên giúp đỡ, chẳng hạn như làm việc nhà với anh chị em, và chỉ khen ngợi những hành động tử tế nhưng không thường xuyên. Nếu những hành động hàng ngày con làm chỉ vì sự mong đợi mà không được khen thưởng, có nhiều khả năng con sẽ cảm thấy mình không có trách nhiệm phải làm, và các việc khác cũng phải có khen thưởng con mới làm.
- Thảo luận về những hành vi trong cuộc sống: Bắt đầu trò chuyện với con về những việc làm tốt và những hành vi xấu mà chúng thấy trong cuộc sống hàng ngày, trên mạng xã hội hoặc trên TV. Hỏi con xem con thấy những hành động này như thế nào và giải thích lý do tại sao bạn cho rằng những hành động này là quan tâm hoặc không quan tâm, công bằng hoặc bất công.
- Bày tỏ sự biết ơn: Hãy cân nhắc đến việc bày tỏ lòng biết ơn trở thành một thói quen, một nghi thức hàng ngày vào giờ ăn tối hoặc trước khi đi ngủ… Khuyến khích con bày tỏ sự biết ơn đối với các thành viên trong gia đình, giáo viên hoặc những người khác đã quan tâm và chăm lo cho cuộc sống của con.
5. Mở rộng sự quan tâm của con với nhiều người khác
Hầu như tất cả trẻ em chỉ đồng cảm và quan tâm đến một nhóm nhỏ trong gia đình và bạn bè, những người con thấy thân quen. Vấn đề ở đây là giúp con học cách đồng cảm và quan tâm đến những người khác ở bên ngoài. Ví dụ như một người bạn mới vào lớp, một người ngoại quốc, một người bạn mới…
Bạn hãy thử:
- Cho con đối mặt với thử thách: Khuyến khích con bày tỏ cảm xúc của mình đối với những hoàn cảnh khó khăn khác, ví dụ như một người bạn mới đi học còn bỡ ngỡ hoặc một đứa trẻ đang gặp một số rắc rối trong gia đình. Cho con một vài gợi ý đơn giản để thực hiện như an ủi, lắng nghe, chia sẻ cùng…
- Chia sẻ những câu chuyện thực tế: Sử dụng các câu chuyện trên báo hoặc TV để nói chuyện với con về những hoàn cảnh khó khăn và thử thách trong cuộc sống của họ hoặc đơn giản là những trải nghiệm khác nhau của những trẻ em ở một quốc gia hoặc cộng đồng khác.
- Hãy thực sự lắng nghe: Nhấn mạnh với con tầm quan trọng của việc thực sự lắng nghe người khác, đặc biệt là những người có vẻ xa lạ với con.
6. Thúc đẩy khả năng trở thành người có tư tưởng đạo đức
Bạn có thể dạy con biết quan tâm, giúp con trở thành những người có tư tưởng đạo đức bằng cách lắng nghe và giúp con suy nghĩ thông qua những tình huống đạo đức khó xử, chẳng hạn như “Con có nên mời bạn hàng xóm mới đến dự tiệc sinh nhật của con khi bạn thân của con không thích bạn ấy không?”
Bạn hãy thử:
- Hành động: Khuyến khích con hành động phản kháng lại các vấn đề làm ảnh hưởng đến con, chẳng hạn như các hành vi bắt nạt trên mạng hoặc một góc phố không an toàn.
- Tham gia: Tạo cơ hội cho con tham gia vào các chương trình, ví dụ như chương trình giáo dục trẻ em gái biết bảo vệ bản thân, kêu gọi bảo vệ động vật hiếm hoặc bất kỳ một lĩnh vực nào đó mà con quan tâm.
- Làm cùng: Khuyến khích con không chỉ “làm cho” người khác mà còn “làm cùng” những người khác, làm việc với nhiều nhóm học sinh khác nhau để giải quyết các vấn đề của cộng đồng.
- Suy nghĩ về những trường hợp thực tế: Trò chuyện những tình huống về đạo đức trên các chương trình truyền hình hoặc đưa cho con những tình huống. Ví dụ con nên làm gì khi con thấy ai đó gian lận trong bài kiểm tra hoặc ăn cắp? Khi ai đó làm điều gì sai trái và sợ phải thừa nhận điều đó với bố mẹ?…
7. Giúp con tự chủ và quản lý cảm xúc một cách hiệu quả
Thường thì khả năng biết quan tâm đến người khác bị lấn át bởi sự tức giận, xấu hổ, đố kỵ hoặc những cảm giác tiêu cực khác. Con cần sự giúp đỡ của bố mẹ để học cách đối phó với cảm xúc tiêu cực đó.
Bạn hãy thử:
- Xác định cảm xúc: Xác định những cảm giác khó khăn của con như thất vọng, buồn bã và tức giận và khuyến khích con nói với bạn về lý do tại sao con lại cảm thấy như vậy.
- 3 bước để tự chủ: Một cách đơn giản để giúp con kiểm soát cảm xúc của mình là thực hành ba bước đơn giản cùng nhau: Dừng lại, hít thở sâu bằng mũi và thở, bằng miệng và đếm đến năm. Khi bạn thấy con khó chịu điều gì đó, hãy nhắc con và thực hiện điều trên cùng con.
- Giải quyết xung đột: Thực hành với con cách giải quyết xung đột. Hãy xem xét một trường hợp xung đột nào đó mà bạn và con đã chứng kiến hoặc trải qua và đóng vai với những cảm xúc khác nhau. Cố gắng để hiểu, lắng nghe và diễn đạt cảm xúc của nhau cho đến khi cả hai cảm thấy được thấu hiểu. Nếu con quan sát thấy bạn đang trải qua một cảm giác khó khăn nào đó, hãy nói chuyện với con về cách bạn sẽ giải quyết nó.
Nuôi dạy một đứa trẻ chu đáo, tôn trọng, có đạo đức luôn là công việc khó khăn. Nhưng đó là điều mà tất cả chúng ta đều có thể làm được. Hãy kiên trì và tiếp tục dạy con biết quan tâm người khác vì về cơ bản đó là điều đúng đắn và cũng bởi vì khi con có thể đồng cảm và chịu trách nhiệm với người khác, con sẽ cảm thấy hạnh phúc và ngày càng thành công hơn.