“Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và khu vực vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do đó cần xác định và sẵn sàng tư tưởng chung sống, thích ứng với tình hình mới của dịch bệnh”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong hội nghị trực tuyến với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 hồi cuối tháng 8/2021.
Sống chung với dịch đồng nghĩa chúng ta phải chấp nhận virus SARS-CoV-2 sẽ luôn tồn tại bên cạnh nhưng không gây ra tác hại quá lớn. Cụ thể, tác hại do Covid-19 gây ra khi dịch bệnh bùng phát là các bệnh viện, cơ sở y tế quá tải ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh cho người dân và khiến tỷ lệ tử vong tăng cao; mặt khác cùng với cách đợt giãn cách xã hội liên tiếp kéo dài dẫn đến thực trạng nhiều doanh nghiệp đối mặt nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, gây thiệt hại không nhỏ đến nền kinh tế chung cả nước.
Tuy nhiên, để sống chung với dịch Covid-19, đưa cuộc sống sớm trở lại trạng thái “bình thường mới”, vaccine có lẽ vẫn là giải pháp căn cơ nhất, là điểm tựa và cần được coi là ưu tiên số 1 trong chính sách chống dịch, song song đó phải có tư duy chiến lược.
Trước hết, chúng ta cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine ngừa Covid-19. Bên cạnh ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng tuyến đầu, người già, người có bệnh nền và các nhóm đối tượng dễ tổn thương, thời gian tới các ổ dịch lớn cũng sẽ được phân bổ ngay vaccine để “xanh hóa vùng đỏ”, bảo vệ vững chắc các vùng an toàn; cố gắng hoàn thành mục tiêu tiêm đủ 2 mũi vaccine cho hơn 70% dân số Việt Nam, tiến tới thiết lập hệ miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022 – Bộ Y tế.
Cần giảm tải cho hệ thống y tế, tăng cường vai trò của y tế cơ sở. Theo PGS Nguyễn Việt Hùng – Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, với khoảng 80% người mắc Covid-19 chỉ diễn biến nhẹ hoặc không có triệu chứng, họ hoàn toàn có thể tự cách ly, điều trị tại nhà hoặc được hỗ trợ bởi hệ thống y tế cơ sở. Cụ thể, những trường hợp nhiễm Covid-19 nhưng không có triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ nên được cung cấp kiến thức điều trị cơ bản và tự theo dõi tại nhà. Người thân, gia đình có thể chăm sóc lẫn nhau. Bản thân người nhiễm virus phải nhận thức được nguy cơ lây nhiễm và đảm bảo tự cách ly tại nhà.
Mặt khác, việc đưa toàn bộ F0, F1 vào khu vực cách ly như hiện nay cũng không còn phù hợp trong điều kiện Việt Nam hướng đến sống chung với dịch. Việc làm này khiến các bệnh viện, cơ sở y tế tiếp nhận ban đầu nhanh chóng rơi vào tình trạng quá tải, số ca tử vong có thể vẫn tiếp tục tăng cao vì nhiều bệnh nhân sẽ không được cứu chữa kịp thời. Ngoài ra, thực tế cũng cho thấy nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly là không nhỏ. Như vậy, ngành y tế cần triển khai cách ly, điều trị tại nhà đối với những người đủ điều kiện ngay thay vì chờ tới khi dịch bùng phát hay quá tải hệ thống y tế.
Nâng cao nhận thức từ người dân và sự giám sát của chính quyền. Ngành y tế, các cơ quan truyền thông cần tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu sống chung với Covid-19 là chấp nhận hoạt động bình thường với virus SARS-CoV-2 sẽ luôn tồn tại bên cạnh nhưng không gây ra tác hại quá lớn. Tăng cường hoạt động tuyên truyền để người dân biết cách phòng ngừa dựa trên thông điệp 5K, người dân phải nắm rõ và hiểu được ý nghĩa của thông điệp này, từ đó nâng cao nhận thức chung trong cộng đồng. Bên cạnh đó, chính quyền cũng phải tăng cường giám sát, có hình thức xử phạt phù hợp với trường hợp không tuân thủ. Thay vì hạn chế việc đi lại, gây khó khăn trong kiểm soát cũng như ảnh hưởng tới hoạt động phát triển kinh tế, chúng ta có thể cho phép người dân di chuyển nhưng buộc phải đảm bảo nguyên tắc phòng bệnh, tuân thủ 5K, xử phạt nghiêm trường hợp cố vi phạm. Tương tự đối với cơ quan, tổ chức nhà máy, xí nghiệp…, đều phải triển khai phương án phòng, chống dịch nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm việc an toàn.
Cần có những chính sách phù hợp trong tình hình mới để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, hàng hóa-dịch vụ để ổn định kinh tế, phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.
Tối ngày 16/9/2021, lãnh đạo của 14 hiệp hội ngành hàng lớn nhất nước thuộc các lĩnh vực công nghiệp, thực phẩm, điện tử, chế biến thủy hải sản, đồ gỗ, nhựa, giấy… gửi kiến nghị đến Chính phủ đề xuất chiến lược “Phòng chống dịch theo Điểm” phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới. Một số nội dung quan trọng của bản kiến nghị: Cần ban hành chỉ thị mới phù hợp với mục tiêu “sống chung với COVID”. Quản lý dịch bệnh theo Điểm. Phòng, chống dịch tại điểm sản xuất. Phòng, chống dịch tại điểm dân cư. Phòng, chống dịch đối với giao thông vận tải. Xét nghiệm và cách ly y tế. Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế.
Dịch bệnh Covid-19 có thể sẽ còn kéo dài và chúng ta xác định sẽ chung sống lâu dài với đại dịch. Chúng ta sẽ phải học cách kiểm soát các ổ dịch, song song với mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo sinh kế của nhân dân, duy trì mọi mặt đời sống xã hội… Chiến lược ấy cần có sự chung tay của toàn xã hội và ý thức trách nhiệm của mỗi công dân, vì mục tiêu cuối cùng là chiến thắng đại dịch.