(HNNN) - Lợi dụng tâm lý các F0 sau khi khỏi bệnh lo ngại bị hậu Covid-19, phổi và hệ hô hấp suy yếu, nhiều chợ thuốc “ảo” quảng cáo tràn lan các loại thực phẩm chức năng theo dạng hàng “xách tay”. Đáng lo hơn, người bán hàng cũng “kê đơn online” dù không qua trường lớp đào tạo về y khoa, dược phẩm nào.
Loạn thực phẩm chức năng
Sau khi khỏi Covid-19 được 14 ngày, chị Vũ Giang (Hà Đông, Hà Nội) vẫn bị những cơn ho không dứt dẫn đến mất ngủ, suy nhược cơ thể, cổ họng sưng đau. Chị lo rằng đây là dấu hiệu tổn thương phổi sau khi mắc Covid-19. Thế nhưng, thay vì đến bệnh viện khám bệnh cẩn thận, chị nghe theo lời mách của các F0 đã khỏi bệnh để mua các loại vitamin, thuốc bổ phổi và tự ý sử dụng theo liều lượng người bán hàng kê.
Không khó để tìm mua các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, chỉ cần search “thuốc bổ phổi” trên Google và các ứng dụng mạng xã hội, người dùng có thể tìm được hàng chục loại thực phẩm chức năng có công dụng kể trên với nguồn gốc “xách tay” từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... Người bán hàng tự tin quảng cáo đây là thuốc “xịn” được các nước tiên tiến về y học tin dùng vì có tác dụng bổ phổi, chữa được bệnh hậu Covid-19... Không ít người chia sẻ rằng mình có triệu chứng “hậu Covid-19” nhưng nay đã ổn định sức khỏe “tức thì” nhờ uống một lúc lúc đến... 4 loại thực phẩm chức năng.
Đa phần người bán thực phẩm chức năng trên các chợ “ảo” đều không có bằng cấp y khoa. Họ coi đây như một mặt hàng “hot” nên nhập về để bán kèm với các mặt hàng khác như quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng.
Chị Vũ Giang cho biết: “Sau khi có kết quả âm tính và hết thời gian cách ly, tôi vội vã quay lại với công việc, khá bận rộn nên không có thời gian đi khám hậu Covid-19. Tôi vẫn bị ho dữ dội, người mệt mỏi, được bạn bè khuyên nên mua bổ sung thực phẩm chức năng bổ phổi thì mới có thể dứt cơn ho, phục hồi phổi và hệ hô hấp. Gọi điện đến người bán, trong vòng một giờ sau tôi đã nhận được đủ các loại thuốc bổ phổi cần thiết kèm theo hướng dẫn uống thuốc do người bán nhắn lại”.
Trường hợp như chị Giang rất phổ biến. Nhiều F0 sau khi khỏi bệnh như lạc giữa “ma trận” của các sản phẩm thực phẩm chức năng, trong đó, các loại vitamin và thuốc được quảng cáo có tác dụng bổ phổi đang là mặt hàng “hot”.
Nhưng, sau một thời gian sử dụng các loại thực phẩm chức năng này, bệnh tình ở nhiều người không thuyên giảm mà hệ thống tiêu hóa còn bị ảnh hưởng, nguyên nhân một phần là do lạm dụng thực phẩm chức năng.
Không tùy tiện sử dụng thực phẩm chức năng
Các loại thực phẩm chức năng được nhập khẩu chính hãng đều có niêm yết tem phụ, ghi rõ thông tin xác nhận về tác dụng phụ và thông tin xác nhận có lợi cho cấu trúc/chức năng.
Tuy nhiên, rất khó để quản lý việc mua bán thực phẩm chức năng khi các loại này đang được bán tràn lan trên chợ “ảo”. Người tiêu dùng mua và sử dụng theo lời “rỉ tai” của người quen hoặc nghe theo lời quảng cáo của người bán dù không biết rõ về mức độ tin cậy của sản phẩm.
Bác sĩ Trần Công Bình, khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: “Nếu sau khi khỏi Covid-19, bệnh nhân vẫn bị ho nặng kéo dài không dứt, ho có đờm, mất ngủ, khó thở, cơ thể mệt mỏi thì nên đến bệnh viện khám để biết rõ về tình trạng sức khỏe.
Bệnh nhân không nên tự mua và dùng thuốc vì việc tự điều trị có thể gây nguy hiểm. Không ít trường hợp bị tổn thương phổi diễn tiến nặng, bệnh nhân không đến bệnh viện khám mà tự chữa trị với nhiều loại thuốc khác nhau, hoặc mua các loại thực phẩm chức năng trôi nổi trên thị trường, tới khi vào viện thì tình trạng bệnh đã nghiêm trọng hơn”.
Phục hồi chức năng phổi sau điều trị Covid-19 là điều cần quan tâm. Tuy nhiên, ngoài chế độ ăn uống, người bệnh cũng có thể tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng nhằm làm giảm các triệu chứng khó thở, lo lắng và trầm cảm, cải thiện thể chất. Nhiều clip hướng dẫn kỹ thuật thở và kiểm soát nhịp thở... đã được Bộ Y tế cập nhật trên các kênh thông tin về sức khỏe, người dân có thể tham khảo và làm theo.
Hiện có nhiều người tin dùng các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng vì cho rằng chúng an toàn và ít gây tác dụng phụ so với thuốc. Tuy nhiên, thực phẩm chức năng giống như “dao hai lưỡi”, nếu bổ sung dư thừa thì sẽ gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe.
Chưa kể đến, mỗi năm Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thu giữ hàng trăm loại thực phẩm chức năng bị làm giả. Theo Cục An toàn thực phẩm, việc sử dụng những loại sản phẩm này có thể gây ảnh hưởng rất xấu cho sức khỏe như tiêu chảy, ngộ độc, nôn mửa, nổi mẩn đỏ, da phồng rộp, trụy tim mạch, huyết áp giảm, khó thở… Nếu sử dụng trong thời gian dài thì sẽ dẫn đến các bệnh lý về thận, gan, mật…