SKĐS - Cảm cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do các virus cúm gây ra. Bệnh dễ lây lan thành dịch mỗi khi giao mùa, thời tiết chuyển lạnh hoặc chuyển nóng thất thường. Cảm cúm có thể kéo dài dai dẳng làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh cảm cúm
Nguyên nhân gây bệnh cảm cúm là do một số loại virus gây ra nên có thể dễ lây truyền từ người này sang người khác.
Các loại virus gây cảm cúm phổ biến và xuất hiện thường xuyên là Influenza virus. Loại virus này xuất hiện chủng mới thường xuyên và có thể lây lan giữa người và động vật. Chủng virus thường thấy không có tính chất quá nguy hiểm nhưng khi những biến thể xuất hiện có thể gây đại dịch cúm. Hoặc khi cảm cúm kéo dài cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Những ai dễ mắc cảm cúm?
Virus gây bệnh cảm cúm tồn tại trong cơ thể người bệnh và lây truyền cho người khác qua đường hô hấp. Khi người khỏe mạnh hít phải các giọt nước có chứa virus cúm của người bệnh trong không khí do hắt hơi, ho thì có thể nhiễm bệnh nhanh chóng. Hoặc khi tiếp xúc qua các đồ vật do chạm tay như bàn ghế, điện thoại, máy tính... virus cúm cũng có thể thâm nhập vào cơ thể người lành.
Những đối tượng như người già, trẻ em, người ốm yếu, có sức đề kháng kém thường dễ mắc cảm cúm. Do hệ miễn dịch của cơ thể không đủ mạnh để chống lại sức tấn công của virus. Những nơi tập trung đông người như trường học, bệnh viện, doanh trại quân đội, các lễ hội,... sẽ là điều kiện để virus cúm lây lan nhanh.
Khi cảm cúm kéo dài cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Biểu hiện cảm cúm và phân biệt với cảm lạnh thông thường
Khi mắc cảm cúm người bệnh có một số triệu chứng cơ bản như: Người bệnh đau đầu, đau xương khớp và các cơ, ho khan, rát họng. Đôi khi người bệnh có chảy nước mũi và sốt.
Nhiều người bệnh thường băn khoăn vậy phân biệt cảm cúm và cảm lạnh ra sao.
Với cảm lạnh thông thường thì nguyên nhân là do một nhóm các triệu chứng gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau, trong đó hay gặp nhất là các chủng Rhinovirus. Với bệnh cảm lạnh thông thường, chủ yếu ảnh hưởng tới mũi, họng (viêm họng) và các xoang (viêm xoang). Các triệu chứng của cảm lạnh thường biểu hiện từ từ, cơ thể mệt mỏi khoảng 3-4 ngày và tự hết trong vòng 7 đến 10 ngày.
Còn đối với cảm cúm nguyên nhân gây bệnh là qua đường hô hấp, gây ra bởi virus cúm. Là một bệnh truyền nhiễm thường do hai chủng virus cúm A, B gây ra. Bệnh cúm thường có tốc độ lây lan khá nhanh, do người bệnh hít phải không khí có chứa virus cúm. Có nhiều chủng virus cúm có thể gây bệnh từ nhẹ, hoặc thành đại dịch, một số chủng có độc tính cao gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Cảm cúm có thể tự khỏi không, bao lâu thì hết bệnh?
Trong một năm, một người trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh cảm cúm từ 2-4 lần, với những triệu chứng thông thường như đau họng, sốt, nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, đau đầu, đau nhức cơ thể…. Cũng từ đó nên mọi người thường cho rằng đây là bệnh thông thường, có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Nhưng trên thực tế, theo khuyến cáo khi người bị cảm cúm có triệu chứng nêu trên kéo dài, cần phải uống thuốc và chữa trị tích cực, nếu không có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm. Những biến chứng nghiêm trọng nhất mà bệnh cảm cúm gây ra viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, viêm phế quản cấp, viêm phế quản mãn tính, viêm phổi, viêm cầu thận cấp tính, viêm tai giữa, viêm xoang…
Trên thực tế, hầu hết những người bị cúm có thể tự điều trị ở nhà và không cần đến gặp bác sĩ. Cảm cúm thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày và đa phần mọi người đều bình phục hoàn toàn. Tuy nhiên đối với người già, trẻ nhỏ và người có hệ miễn dịch yếu, cảm cúm có thể chuyển biến nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong do các biến chứng.
Nếu nghi ngờ mình mắc các loại virus cúm nguy hiểm như H5N1, H1N1, H7N9… hay có các triệu chứng cúm trở nặng cần đi khám ngay.
Vì vậy, người bệnh nên đến gặp bác sĩ ngay nếu nghi ngờ mình mắc các loại virus cúm nguy hiểm như H5N1, H1N1, H7N9… hay có các triệu chứng cúm trở nặng và có nguy cơ bị biến chứng như:
– Sốt cao hơn hoặc ho nặng hơn, đau rát họng nhiều, đau đầu đau cơ nhiều
– Thở gấp hoặc đau ngực, ho ra đờm có máu, đau cổ hoặc cứng cổ.
Tóm lại: Cảm cúm là bệnh thường gặp, nếu có biểu hiện cảm cúm, đến ngày thứ 3 mà không thấy đỡ thì hãy nên đến cơ sở y tế uy tín để xét nghiệm xem mình có nhiễm virus cúm hay không. Sau đó, các bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị. Đồng thời có các giải pháp hỗ trợ để trị bệnh cũng như giữ sức khỏe cho người bệnh.
Để phòng ngừa cảm cúm người bệnh cần chặn đứng sự lây lan của virus bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc gel diệt khuẩn, dùng khăn giấy để che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, vứt tất cả khăn giấy sau khi sử dụng xong.
Có thể tăng cường sức đề kháng tự nhiên của cơ thể để chống lại bệnh cúm bằng cách uống nhiều nước, ít nhất từ 2 đến 3 lít mỗi ngày; Ăn nhiều các rau củ quả giàu vitamin C như ổi, cam, dâu tây, kiwi, đu đủ, súp lơ… Tập thể dục thể thao thường xuyên.
Ngoài ra, cần tiêm phòng tiêm vaccine cúm hằng năm. Mỗi năm một mũi theo định kỳ để cơ thể có kháng thể phòng virus cúm. Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên là bắt đầu tiêm vaccine này.