internet mang lại một cuộc cách mạng học tập, trẻ có thể học online, học qua các thiết bị có màn hình, ở mọi lúc mọi nơi. Nhưng nên hướng dẫn trẻ sử dụng các thiết bị có màn hình như thế nào để đảm bảo sức khỏe đôi mắt?
Tổ chức Công dân Thời đại Số Toàn cầu qua một thống kê đã cho biết: việc tập trung liên tục vào màn hình thiết bị điện tử đã làm giảm 66% mức chớp/nháy mắt trung bình, dẫn đến hiện tượng mắt bị khô, ngứa, và có cảm giác nóng.
Sau đây là một số quy tắc cho phụ huynh để giúp con bảo vệ đôi mắt:
Hướng dẫn trẻ sử dụng các thiết bị màn hình đúng cách để bảo vệ mắt
Để bảo vệ mắt, điều quan trọng là cần sử dụng các thiết bị màn hình đúng tư thế, trong điều kiện ánh sách phù hợp, và biết vài lưu ý nhỏ nữa. Cụ thể:
Sắp xếp hợp lý cho tư thế ngồi
1. Vị trí thiết bị và cơ thể
Để màn hình thiết bị ở giữa, trong khoảng cách của hai bên cánh tay, hơi thấp hơn tầm mắt một chút. Tư thế giúp giữ cho lưng thẳng và duy trì khoảng cách hợp lý giữa người và máy.
Với máy tính thì duy trì khoảng cách giữa mắt và màn hình trong khoảng 45-70 cm.
2. Tư thế cần tránh
Trong khi sử dụng laptop hoặc các thiết bị di động, tuyệt đối không được nằm trên giường hoặc trên sàn nhà. Ngoài ra, tránh đặt laptop trên đùi vì có thể nhiệt độ của máy quá cao và có thể gây bỏng rát. Nếu có thể, luôn luôn sử dụng chúng với vị trí thích hợp, như đặt laptop trên bàn và ngồi trên ghế để điều khiển.
3. Thực hiện quy tắc 20/20/20:
Cứ mỗi 20 phút thì nghỉ 20 giây, cố tập trung nhìn vật cách xa ít nhất 20 feet (tương đương 6m).
Lưu ý an toàn khi dùng thiết bị
1. Hãy lau sạch các bụi bẩn, vết vân tay và dầu mỡ trên màn hình để tránh làm cho mắt căng thẳng khi xem hình ảnh hiển thị trên màn hình.
2. Nếu phải đeo kính, phải đảm bảo rằng bạn giữ cho mắt kính trong trẻo, không làm mờ hình ảnh của màn hình hiển thị. Nếu có thể, bạn nên dùng kính chống chói để hạn chế phản chiếu ánh sáng, và nhìn các đối tượng tươi sáng, rõ ràng hơn.
3. Để màn hình chúc xuống, nhằm hạn chế bị ánh sáng chói.
4. Điều chỉnh độ sáng của thiết bị: nên cân nhắc đổi màu nền từ trắng sáng sang xám nhẹ.
5. Giảm lượng ánh sáng đèn xung quanh: vì những nguồn sáng này ganh đua, gây gắt với ánh sáng từ màn hình thiết bị.
6. Tăng kích cỡ phông chữ hay khung màn hình: để việc đọc dễ dàng hơn.
7. Đừng quên chớp mắt: chớp mắt thường xuyên tạo chất nhờn và do đó giúp đôi mắt khoẻ mạnh hơn và không bị khô.
Giới hạn thời gian cho con sử dụng các thiết bị có màn hình để giải trí nhằm bảo vệ mắt và đảm bảo sức khỏe
Các bác sĩ của tổ chức American Academy of Pediatrics đã đưa ra những hướng dẫn mới về screen time (“time spent using digital media for entertainment purposes. Other uses of media, such as online homework, don’t count as screen time.” – tức là thời gian trẻ sử dụng các thiết bị có màn hình để giải trí, không bao gồm thời gian sử dụng thiết bị đa phương tiện vì các mục đích khác, ví dụ như để làm bài tập online) như sau:
- Trẻ dưới 18 tháng: tuyệt đối không nên sử dụng mọi thiết bị có màn hình.(“Babies are most vulnerable to screens. Infants aged 18 months and younger should not be exposed to any digital media, the academy says.”)
- Trẻ 1-5 tuổi for children: chỉ từ 1-2 tiếng một ngày. (“2 to 5 years of age, screen time should be limited to one hour per day”).
- Trẻ từ 6 tuổi: bố mẹ nên hạn chế thời gian cho trẻ sử dụng các thiết bị có màn hình, và kiểm soát loại phương tiện điện tử mà trẻ sử dụng (“For kids ages 6 and older, parents can determine the restrictions for time spent using screen, as well as monitor the types of digital media their children use.”).
Cách thức để bố mẹ hạn chế trẻ lạm dụng các thiết bị có màn hình:
1. Bố mẹ nhất thiết phải làm gương cho con:
Như tất cả những gì chúng ta từng dạy con trẻ, hành vi của trẻ bắt nguồn từ người lớn. Nếu mình nghiện điện thoại, mình đang dạy con nghiện điện thoại. Không nên vừa lái xe vừa trả lời điện thoại, vừa đứng chờ vừa gửi tin nhắn, vừa xem cập nhật Facebook vừa nói chuyện với con, vừa xem con đá bóng vừa tranh thủ gửi email. Hãy luôn hiển hiện bằng cách sống với khoảnh khắc thực hiện tại, hay giao tiếp cùng thời điểm.
2. Tạo ra quy định về thời gian hoàn toàn không dùng đồ điện tử:
Bất cứ khi nào ăn (ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, ăn quà), lúc làm bài tập, trước lúc đi ngủ (thay vì xem ti vi thì đọc sách). Nếu phòng ngủ ở trên gác, hãy để tất cả đồ điện tử ở tầng dưới.
3. Tắt đầu phát Wifi/nguồn phát Internet và những ứng dụng kiểm soát khác.
Đây là cách dễ dàng để tạo những khoảng thời gian “không công nghệ” ở nhà. Ngoài ra còn có thể cài đặt phần mở rộng thêm cho trình duyệt (web browser extension) tên gọi Waste No Time, cho phép hạn chế số giờ truy cập ở những trang web nhất định như Facebook. Những gia đình có con tầm tuổi thanh thiếu niên có thể dùng ứng dụng Our Pact hay MMGuadian để kiểm soát việc sử dụng thiết bị iOS và Android.
4. Tối đa hóa thời gian sử dụng thiết bị cho cả gia đình:
Chắc chắn sẽ có những lúc cả nhà ai cũng dùng đồ điện tử. Vậy hãy biến khoảng thời gian đó phát huy hiệu quả hết mức bằng cách cùng khám phá, tìm hiểu một chủ đề nhất định. Nếu như bố thích xem ô tô, chụp ảnh, con thích tìm hiểu về khoa học hay mẹ thích học cách tự làm bánh, thì cả nhà hãy lần lượt cùng nhau xem những video về chủ đề đó, rồi cùng tải app thích hợp về để học, thực hành thêm. Nhớ là hãy cùng xem và cùng chơi.
5. Thường xuyên tạo ra những hoạt động không dính dáng đến thiết bị cho cả gia đình:
Không nên vội tước ngay hết thiết bị điện tử của con. Trước khi buộc con ngưng, hãy tạo ra những hoạt động thay thế đủ hấp dẫn, mới mẻ. Ví dụ cùng đi dạo sau khi ăn cơm xong, cùng ra công viên, hiệu sách, cùng đi ăn kem, chơi thể thao, xem phim, tham gia sự kiện của trường, của khu phố ….
6. Không tạo cho con thói quen sử dụng thiết bị điện tử mỗi khi phải chờ đợi.
Tránh đưa điện thoại cho con khi phải xếp hàng, lúc chờ đồ ăn, hoặc bất cứ khi chờ đợi nào khác. Việc dùng thiết bị điện tử khi chờ đợi sẽ dần thành thói quen rất khó sửa về sau. Và bố mẹ phải làm gương trước. Nên tuân theo nguyên tắc không mang theo điện thoại khi bố mẹ hay cả nhà đi chơi với nhau (nhất là nếu chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ), để chú trọng kết nối tình cảm trực tiếp với người thân.
7. Đặt ra những điều kiện cụ thể cho việc dùng thiết bị điện tử để giải trí:
Lên danh sách những việc con cần làm trước khi được sử dụng điện thoại, máy tính, ti vi, hay Ipad. Chẳng hạn như ăn xong xuôi, dọn dẹp phòng riêng hay nhà gọn gàng, gập chăn màn, chơi ngoài sân 30 phút, đọc sách 20 phút, giúp ai đó trong nhà 10-15 phút, vẽ hoặc viết hay đánh đàn 15-20 phút. Thường thời gian tổng cộng để hoàn thành khoảng 5-6 đầu việc là một tiếng đồng hồ.
8. Bố mẹ chịu khó làm “bài tập về nhà”:
Hãy đọc và nghiên cứu kỹ những miêu tả, đánh giá về trò chơi, ứng dụng, hoặc trang web mà con hay vào. Đọc để xem những chương trình hay đó có phù hợp với độ tuổi, khả năng và sở thích của con hay không.
9. Thu xếp để những thiết bị điện tử trong khu vực nhiều người qua lại trong nhà:
Mục đích: để phụ huynh có thể nhìn được màn hình. Những góc như thế trong nhà thường là bếp, phòng ăn, phòng khách. Tránh tuyệt đối để ti vi trong phòng ngủ của trẻ, theo lời khuyên của Học viện Bác sĩ Nhi khoa Hoa Kỳ.
10. Tuân thủ nội quy của trường và thày cô:
Nếu trường quy định không được mang theo điện thoại hay Ipad thì tuyệt đối không cho con mang đi. Ở Mỹ, học sinh từ cấp 3 trở lên mới được mang điện thoại. Chỉ khi có dịp đặc biệt như ngày chơi điện tử, buổi trình bày dự án, trường hay cô thông báo thì học sinh mới được mang thiết bị điện tử đến trường. Nếu trong trường hợp khẩn cấp cần liên lạc với con thì bố mẹ có thể gọi đến số điện thoại của trường.
11. Khuyến khích con trò chuyện, giao lưu trực tiếp với bạn bè:
Thay vì để mặc con nhắn tin cho bạn 30 phút, bố mẹ khuyên con rủ bạn đi đâu hay làm gì cùng nhau như đi bơi, chạy, hay ăn uống, đến nhà người bạn khác…
12. Cho trẻ tiếp xúc nhiều hơn với thiên nhiên
Cha mẹ nên tận dụng mọi cơ hội để cho trẻ tiếp xúc nhiều nhất với thiên nhiên. Màu xanh của cây cối, ánh sáng tự nhiên rất có lợi cho mắt. Chơi thể thao cũng giúp mắt có cơ hội điều tiết với với nhiều cự ly. Tóm lại, nên cho trẻ ra ngoài trời càng nhiều càng tốt, ở chỗ đất rộng, tầm nhìn xa.
13. Giúp con hiểu rõ về công nghệ
Ngay từ đầu làm rõ cho con hiểu quan điểm rằng công nghệ không phải đồ ăn thức uống, không phải cứ cần là được. Công nghệ không phải là nhu cầu thiết yếu (need) mà chỉ là mong muốn cá nhân (want).Việc sử dụng phải được coi như một phần thưởng. Thế nên nếu không xứng đáng thì phần thưởng này sẽ bị tước mất bất cứ lúc nào.