(HNM) - Sán lá gan là một loài ký sinh trùng khi xâm nhập vào cơ thể người qua đường tiêu hóa, gây ra bệnh lý tại nhiều cơ quan nhưng chủ yếu ở gan và đường mật. Những trường hợp mắc sán lá gan thường gặp ở người hay ăn gỏi cá sống, rau thủy sinh...
Theo các chuyên gia y tế, bệnh sán lá gan lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa. Có hai loại sán lá gan là sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ. Sán lá gan lớn có 2 típ bao gồm: Fasciola hepatica và Fasciola gigantic. Vật chủ của sán lá gan lớn là người, trâu bò, cừu, động vật có sừng. Người ăn gỏi cá, rau sống, uống nước có trứng hoặc ấu trùng nang sẽ bị nhiễm bệnh sau khi ký sinh trùng xâm nhập vào dạ dày, ruột non rồi tự lột lớp vỏ, xuyên qua màng ruột, theo máu vào gan, phát triển trong tế bào gan, rồi sau đó định hình ở ống mật.
Còn bệnh sán lá gan nhỏ có 3 típ bao gồm: Clonorchis sinensis, Opisthorchis viverrini và Opisthorchis felineus. Người mắc sán lá gan nhỏ chủ yếu là do ăn các thức ăn từ cá nấu chưa chín như gỏi cá, lẩu cá, cá ngâm dấm. Sán lá gan có thể tồn tại ở người từ 9 đến 13,5 năm. Người bị nhiễm sán lá gan thường có các triệu chứng: Đau bụng âm ỉ vùng hạ sườn phải, lan ra phía sau lưng hoặc sang bên trái, tới vùng thượng vị; da xanh tái do thiếu máu; rối loạn tiêu hóa; vàng da, nổi mề đay, sút cân đầy bụng, buồn nôn, chóng mặt.
Để phòng bệnh sán lá gan, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không nên ăn gỏi cá và các loại cá chưa được nấu chín. Dùng nguồn nước sạch, bảo đảm vệ sinh và ăn chín uống sôi. Không ăn sống các loại thực vật tươi sống dưới nước gần các khu vực chăn nuôi gia súc. Định kỳ tẩy sán cho gia súc...