Cài đặt nhiệt độ phù hợp: Hiện nay, các bác sĩ vẫn thường khuyên bố mẹ nên cho trẻ nằm điều hòa ngay từ độ tuổi sơ sinh và hướng dẫn mức nhiệt độ phù hợp. Thông thường, mức nhiệt khuyến cáo là 25 độ C, tức là mát nhẹ so với nhiệt độ ngoài trời vào buổi chiều. Việc tạo nhiệt độ bằng điều hòa có ưu điểm ở chỗ nó được duy trì ổn định, nên an toàn với bé. Thêm vào đó, mức nhiệt này cũng không cần máy tiêu tốn quá nhiều năng lượng. Như vậy bạn có thể hoàn toàn an tâm khi cài đặt cho không gian ở của con.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận con số 25 độ C này ở góc độ tham khảo. Bởi thực tế là không phải điều hòa nào cũng hoạt động giống hệt nhau. Cũng không phải bé nào cũng có sức chịu đựng như nhau. Do đó, bố mẹ vẫn nên quan sát biểu hiện của bé con nhà mình để tìm ra mức nhiệt phù hợp nhất. Nhiệt độ phù hợp là mức nhiệt mà bé không đổ mồ hôi trộm ở cổ, lòng bàn tay và lòng bàn chân.
Điều chỉnh cường độ và hướng gió: Tương tự với nhiệt độ, cường độ gió cũng là yếu tố cần được kiểm soát. Điều tối kỵ nhất là không để trẻ bị hứng gió trực tiếp. Đặc biệt là các bộ phận như mặt, đầu, lưng, ngực càng cần được chắn gió. Vì cơ địa yếu của bé không thể chịu nổi, rất dễ dẫn đến các bệnh hô hấp như ho, sốt, nghẹt mũi,... Lâu dần, triệu chứng trở nặng sẽ thành viêm mũi, viêm phế quản, viêm phổi.
Cách đơn giản để tránh việc này là bạn dùng điều khiển để hướng cánh đảo gió lên cao, đồng thời chỉnh mức gió nhẹ hoặc auto. Như vậy, cảm giác sảng khoái khi phòng được làm lạnh nhanh chóng có thể giảm. Nhưng đổi lại, bạn và bé được an toàn hơn trong không gian mát dịu nhẹ nhàng.
Có 1 cách khác là bạn kết hợp quạt để khuếch tán hướng gió, tăng độ lưu thông khí trong phòng. Hôm nào thời tiết quá nóng khiến bạn không đủ kiên nhẫn giảm cường độ quạt điều hòa, hãy thử áp dụng cách này nhé.
Giữ ổn định trạng thái nhiệt độ: Thời điểm chuyển mùa thời tiết thay đổi đột ngột, lúc nắng nóng lúc mưa lạnh là lúc cơ thể dễ phát ốm nhất. Vậy với hệ miễn dịch non yếu của bé, chúng ta càng cần tránh việc thay đổi nhiệt độ thất thường như thế. Đó là lý do chính để bạn nên cho bé nằm điều hòa và cài đặt nhiệt độ nhẹ, thay vì phụ thuộc vào thời tiết tự nhiên.
Và 1 trong những cách để trẻ nằm điều hòa không bị ốm là hạn chế thay đổi nhiệt độ liên tục. Bạn có thể thực hiện bằng cách tránh đóng mở cửa thường xuyên; tránh thay đổi trạng thái hoạt động; tăng dần 1-2 độ C trước khi tắt máy để tránh bé bị sốc nhiệt.
Quản lý thời gian sử dụng điều hòa: Tuy nói rằng bé nên nằm điều hòa để tránh tác động tiêu cực của sự thay đổi nhiệt độ. Nhưng nằm trong phòng kín 24/24 cũng là điều không nên. Mỗi sáng sớm hay chiều mát, mẹ vẫn nên tắt máy, mở quạt và cửa phòng để con được hít thở không khí tự nhiên. Việc này nhằm đuổi khí tù đọng, đưa ánh nắng tự nhiên vào phòng.
Áp dụng quy tắc 3 phút: Nếu con đang nằm điều hòa mà mẹ cần đưa con ra khỏi phòng, hãy áp dụng quy tắc 3 phút. Đó là mở nhẹ cửa phòng và cho con đứng gần cửa (vẫn ở trong phòng) trong khoảng 3 phút. Đây là thời gian cơ thể con được làm quen dần với không khí nóng hơn bên ngoài. Như vậy, con sẽ tránh bị sốc nhiệt, cảm sốt, sức đề kháng được bảo vệ.
Ngược lại, quy tắc này cũng nên được áp dụng khi con đi từ bên ngoài vào trong phòng điều hòa. Mẹ hãy mở cửa phòng và cho con đứng gần cửa ở phía bên ngoài. Sau 3 phút làm quen với gió mát, con mới chính thức vào phòng và đóng kín cửa.
Đối với những trẻ cơ địa yếu hơn, mẹ có thể tăng khoảng thời gian này lên 5 phút. Điều cốt lõi là để chắc chắn cơ thể con tránh được biến động nhiệt.
Vệ sinh điều hòa thường xuyên: Vệ sinh điều hòa định kỳ là công việc rất cần thiết. Nếu như trước giờ bạn luôn xếp việc làm sạch điều hòa ở cuối danh sách cần làm, thì rất có thể bạn đang bỏ sót ổ mầm bệnh đối với sức khỏe của con.
Trẻ nhỏ có hệ hô hấp non yếu, rất nhạy cảm với các tác nhân như bụi bẩn, chất dị ứng, vi khuẩn. Vậy nếu điều hòa trong phòng không được giữ vệ sinh, bị đóng bụi dày và liên tục thổi ra những hạt bụi li ti trong quá trình tỏa gió, thì hệ hô hấp của trẻ khó mà được an toàn.
Việc vệ sinh dàn lạnh rất dễ thực hiện, bạn có thể tham khảo hướng dẫn. Hiện nay, bạn cũng có thể chọn mua những loại điều hòa có chức năng vệ sinh tự động. Tuy không thể thay thế hoàn toàn lược bỏ nhiệm vụ vệ sinh thủ công, nhưng nó giúp giảm đáng kể tần suất vệ sinh định kỳ.
Giữ phòng ở thoáng khí, sạch bụi: Cùng với việc vệ sinh điều hòa, phòng ở cũng cần được bố mẹ giữ gìn sạch sẽ. Đừng nghĩ phòng đóng kín thì mặc nhiên không có bụi. Những hạt bụi siêu nhỏ vẫn liên tục xâm nhập từ bên ngoài, bám vào mền gối, rèm cửa và lơ lửng trong không khí. Khi tích đủ nhiều, chúng sẽ gây tác động tiêu cực đến hệ hô hấp của con.
Để tránh việc này, bố mẹ cần thường xuyên quét dọn, giũ sạch mùng mền, nệm gối định kỳ để loại bỏ vi khuẩn. Căn phòng ngăn nắp, sạch mát với những vật dụng thơm mùi nắng cũng sẽ giúp con cảm thấy dễ chịu, ngủ ngon và khỏe mạnh hơn.
Chọn quần áo phù hợp: Không có tiêu chuẩn nào cụ thể cho trang phục khi nằm điều hòa. Bố mẹ chỉ cần chọn những bộ đồ thoáng khí, không quá mỏng nhưng cũng đừng quá dày sẽ làm con đổ mồ hôi trộm. Nếu có cảm giác con bị lạnh, bạn nên dùng 1 tấm chăn nhẹ đắp lên phần bụng. Việc này cũng tương tự như chọn trang phục cho bé trong mùa lạnh. Bạn cần ưu tiên cho bé mặc nhiều lớp áo lỏng thay vì chỉ 1 lớp áo dày. Cách mặc đồ này giúp bé giữ ấm tốt hơn, dễ duy trì độ ấm vừa đủ hơn, đồng thời ngăn chặn và phát hiện mồ hôi trộm tốt hơn.
Đảm bảo bé được bổ sung đủ nước: Trong môi trường lạnh, bé khó tránh bị khô da và mất nước. Thiếu nước làm cơ thể suy nhược, trao đổi chất giảm, ảnh hưởng đến việc hấp thu và tiêu hóa của con. Do đó, mẹ nên chú ý đến độ ẩm phòng và bổ sung nước trong khẩu phần dinh dưỡng của bé.
Tùy độ tuổi, con có thể được tiếp nước dưới nhiều hình thức khác nhau như sữa, nước lọc, nước ép, cháo, rau quả… Mẹ nên linh hoạt kết hợp nhiều loại thức ăn mọng nước để con được bù nước và đồng thời hấp thụ được các loại vitamin, dưỡng chất thiết yếu.
Ngoài ra, kết hợp máy tạo ẩm, chậu nước và quạt để ngăn mất nước qua da cũng là cách làm hiệu quả. Tùy vào tình hình độ ẩm cụ thể mà mẹ cân nhắc có cần áp dụng thêm hay không nhé.