Đây sẽ là bài học quan trọng và vô cùng hữu ích mà bạn nên dạy con. Không bao giờ lùi bước hay tư duy mở khi đối mặt thất bại giúp bé rèn luyện bản lĩnh và trưởng thành.
Tình huống thực tế
Vài tuần trước, nhóc Bailey 4 tuổi nhà chúng tôi đang ngồi bên bàn ăn sáng với giấy, khuôn tô, bút màu. Đột nhiên, con nói với tôi một điều khiến trái tim tôi tan nát. “Con không vẽ giỏi tẹo nào”.
Đang đứng rửa bát ở gần đó, tôi ngước nhìn con lúc này miệng đã bắt đầu méo xệch và hai mắt long lanh nước.
Con là cô bé nói với tôi mỗi ngày rằng khi lớn lên, ban ngày con là hoạ sĩ và ban đêm con là Wonder Woman, chiến đấu chống lại bọn xấu.
Nhưng ở khoảnh khắc đó, tôi có thể thấy sự tự tin trong những mơ ước của con tan biến.
Tôi thấy ngực nhói đau. Tôi tắt vòi nước và lau khô tay. Ngồi bên cạnh con, tôi hỏi: “Điều gì khiến con cảm thấy như vậy?”.
“Con chẳng làm được. Mỗi lần con cố vẽ với cái khuôn tô, nó đều chệch ra và làm mọi thứ rối hết lên”, con gục đầu xuống. Tôi bèn đưa tay ra vỗ vỗ nhẹ lên vai con.
Vấn đề với những đứa trẻ nghĩ mình không thể làm được
Một chút nghi ngờ bản thân có thể có ích, chỉ cần nó thúc đẩy bạn nỗ lực hơn nữa để tiến bộ hơn.
Nhưng mắc kẹt trong tư duy tiêu cực có thể khiến bạn từ bỏ những gì mình định hoàn thành.
Là cha mẹ, điều đó đối lập với những gì chúng ta mong muốn cho con cái mình. Chúng ta không muôn nuôi dạy nên những người bỏ cuộc, chỉ biết từ bỏ ngay những dấu hiệu đầu tiên của thử thách. Chúng ta muốn nuôi dạy nên những đứa trẻ ý chí. Đó là những người làm việc chăm chỉ và kiên trì vượt qua thử thách cho tới khi thành công.
Vài đứa trẻ có vẻ học được bài học này một cách tự nhiên. Chúng không cần nhiều hỗ trợ để chuyển đổi từ giây phút nghi ngờ bản thân sang quyết tâm chăm chỉ hơn.
Nhưng sau khi trò chuyện với bạn bè tôi và đọc tin nhắn của các phụ huynh gửi tôi mỗi ngày, trường hợp phổ biến nhất có vẻ là: Con cái cần sự giúp đỡ của chúng ta để học cách tự đứng lên những lúc thấy nghi ngờ chính mình. Trẻ cần sự hướng dẫn cảu chúng ta để hướng vào khía cạnh tích cực của vấn đề và vươn tới.
Dạy trẻ không bao giờ lùi bước vì sao lại quan trọng đến vậy?
Không bao giờ lùi bước có liên quan tới điều mà có lẽ bạn đã nghe nhắc tới. Đó là tư duy mở. Trẻ có tư duy mở tin rằng nếu bạn chăm chỉ, bạn có thể trở nên thông minh hơn. Những đứa trẻ này khôn lớn nhờ những thử thách. Trẻ có tư duy đóng coi thất bại là bằng chứng chúng không thông minh. Trẻ có tư duy mở coi thất bại là cơ hội để học hỏi, tiến bộ.
Hơn 20 năm nghiên cứu cho thấy, chìa khoá thành công ở trường và sau này ra đời chính là khả năng áp dụng tư duy mở. nói cách khác, nếu bạn tin rằng nỗ lực và không bao giờ lùi bước giúp bạn thông minh hơn thì nó là như vậy.
9 câu nói truyền cảm hứng để trẻ không bao giờ lùi bước
Những câu nói này cũng là cách để trẻ rèn giũa ý chí, bản tính và tư duy mở. Bạn có thể in chúng ra trên những trang khổ lớn. Đề nghị trẻ tô màu hoặc trang trí theo sở thích các trang giấy đó. Dán ở nơi nổi bật trong nhà học phòng bé.
- Mình vẫn chưa làm được nhưng mình sẽ làm được.
- Mình làm chủ tâm trí và có thể yêu cầu tâm trí phải làm gì.
- Não bộ của mình là một khối cơ và sai lầm giống như bài tập tạ.
- Mình thiếu sót một cách hoàn hảo và đó là một điều đẹp đẽ.
- Chiến thắng không có ý nghĩa thực sự. Quá trình học hỏi mới có ý nghĩa thực sự.
- Mình càng cố gắng thì não mình càng phát triển.
- Không có thang máy dẫn tới thành công. Bạn phải bước từng bước một.
- Lo lắng về sai lầm giống như việc đeo dây cương kìm hãm sức mạnh bộ não của mình.
- Mình có thể làm được!