Trẻ sơ sinh đến 3 tuổi có nhiều giai đoạn phát triển, mỗi gian đoạn trẻ sẽ phát triển một kỹ năng.Từ 8 tháng đến 3 tuổi, đa số các bé đã phát triển toàn diện kỹ năng nói và nói ra được suy nghĩ của mình bằng 1-2 từ hoặc những câu ngắn ngắt quãng.
Để bé nhà mình phát triển hoàn thiện, tránh tình trạng trẻ bị chậm nói so với bé đồng lứa và cũng như phát triển trí não thông minh cho bé, bài viết này sẽ giới thiệu đến các bạn 8 Cách Dạy Trẻ Tập Nói Nhanh Nhất
1. Nói đi đôi với hành động.
Các cách truyền thống thường được áp dụng đó là mẹ hoặc bố nói sau đó yêu cầu con nhắc lại. Thay vì thực hành theo phương pháp đó các bạn hãy Nói đi đôi với hành động.
Ví dụ, khi mang giày cho bé bạn có thể nói: Nào, mẹ mang giày cho con nào. Hoặc mang giày đẹp đi chơi nào.
Và hành động mang giày này sẽ lặp lại nhiều lần, dần già câu nói sẽ đi vào tiềm thức của bé, đến khi bé muốn được mẹ mang giày cho thì sẽ dùng ngay câu nói lúc bạn mang giày cho bé.
2. Kể chuyện cho bé nghe
Mỗi tối trước khi đi ngủ, thay vì hát ru bé ngủ, vỗ về bé thì bạn có thể kể cho bé nghe một câu chuyện. Câu chuyện này không chỉ được kể một lần mà bạn có thể dùng để kể vào mỗi tối trước khi bé ngủ.
Những câu chuyện nhỏ hằng ngày, hay từ những quyển sách đều trở thành yếu tố quan trọng đối với quá trình dạy con tập nói. Những câu chuyện giúp bé sử dụng từ ngữ và câu một cách tốt hơn, trong khi việc lặp đi lặp lại từ trong lời kể của mẹ giúp bé ghi nhớ từ. Mỗi khi kể chuyện, mẹ nên kết hợp với những động tác ngộ nghĩnh. dễ thương để làm bé thích thú hơn.
Một cách khác, trước khi đi ngủ bạn có thể dành thời gian để trò chuyện cùng bé, hỏi về những hoạt động trong ngày của bé. Cách này không những khuyến khích trẻ tập nói mà còn cho bé cảm giác được bố mẹ quan tâm, yêu thương.
3. Tạo ra các cuộc hội thoại cùng bé
Đừng để bé nói một mình và chỉ có hỏi bạn không thôi, các bậc cha mẹ nên hỏi những câu hỏi đơn giản và kiên nhẫn chờ bé trả lời.
Dẫu con yêu lúc này chưa thể nói mà chỉ có thể phát ra tiếng ê a trong miệng, nhưng ba mẹ đừng vì thế mà không nói chuyện với bé. Việc thường xuyên trò chuyện sẽ giúp bé nhận biết âm thanh và tăng vốn từ vựng hằng ngày.
Một đứa trẻ có thể lắng nghe và hiểu âm thanh xung quanh trước cả khi bé biết nói đấy. Vì vậy, một môi trường đầy những cuộc hội thoại và âm thanh sẽ giúp bé học nói nhanh hơn. Thoặt đầu, mẹ chưa cần phải bắt bé nói chính xác. Chỉ cần bạn nói đúng, bé cũng sẽ học theo và phát âm chuẩn. Vì trẻ con vốn là tờ giấy trắng, và bạn là tấm gương mà bé sẽ nhìn vào để hình thành ngôn ngữ.
Tương tự như vậy, hãy luôn trả lời cho bé những gì bé quan tâm, bé hỏi. Sẽ kích thích ngôn ngữ và cả tư duy của bé. Đôi khi bạn không nhất thiết phải tạo ra những đoạn hội thoại mà bạn có thể bình luận những gì thuộc về bé như “hôm nay con mặc áo này rất xinh”, “con không ăn thì sẽ đói lắm”…
4. Tạo cơ hội nói cho bé
Bé sẽ khó có thể nhanh biết nói, nếu không có cơ hội “thể hiện bản thân”. Vì vậy, trước mỗi câu nói, câu hỏi, mẹ nên dừng lại 10-15 giây để bé có thể tiếp chuyện hoặc nói lên những gì mình nghĩ.
Hoặc tạm ngừng trong lúc kể chuyện cũng là cách dạy bé tập nói khá hay.
Sau khi đã kể cho bé nghe câu chuyện A nào đó sau rất nhiều lần, vì trẻ con có khả năng nhớ khá tốt, vì thế bạn sẽ không quá ngạc nhiên khi biết bé đã thuộc lòng câu chuyện. Bạn bắt đầu lại câu chuyện, nhưng chỉ đọc 1 2 câu đầu, rồi sau đó để bé có thể “điền vào chỗ trống” ở những đoạn tiếp theo. Nếu bé ngập ngừng, hãy gợi ý một vài từ cho bé. Đây là cơ hội giúp bé tỏa sáng đồng thời dạy bé tập nói vô cùng hữ hiệu.
Nếu cần, bạn có thể đọc hết một câu ròi yêu cầu bé lặp lại theo bạn và cứ thế cho đến hết câu chuyện. Lưu ý bạn nên đọc chậm rãi, từ tốn nhé.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đọc thơ cho bé nghe. Đây cũng là phương pháp dạy nói cho bé ở nhiều trường mẫu giáo. Khi cô giáo đọc hết một câu thơ, phần lớn bé sẽ lặp lại chữ cuối cùng, chẳng hạn như một đoạn thơ Yêu Mẹ như sau:
“Mẹ đi làm
Từ sáng sớm
Dậy thổi cơm…”
Thì bé sẽ đọc các từ “làm”, “sớm”, “cơm”. Về sau, khi nói cứng hơn, bé sẽ đọc được cả bài thơ. Rất nhanh biết nói. Đây là phương pháp đơn giản mà ba mẹ có thể áp dụng cho con tại nhà.
Mẹ cũng nên giới thiệu với con thêm nhiều từ mới mỗi ngày, đưa bé đi chơi, hoặc tạo thêm những tình huống mới để trẻ có thể học thêm từ.
5. Không chê bai bé
Dù bé nói chậm, các bậc bố mẹ nên kiên nhất và tích cực, tránh thể hiện thái độ thất vọng hoặc chê bai bé, sẽ không làm bé biết nói nhanh hơn, ngược lại dễ dẫn đến tình trạng bé tự ti và không muốn mở miệng nữa.
Tâm lý trẻ thơ rất nhạy cảm. Như một cây con, bạn càng gieo vào đó những thứ đẹp, cây sẽ phát triển khỏe mạnh. Trong khi đó, bạn càng gieo vào đầu trẻ những câu nói tiêu cực, bé sẽ thu mình lại và không còn “muốn lớn” nữa. Bởi lẽ trong quá trình dạy nói cho con, không phải bao giờ cũng thuận lợi. Thêm phần tâm lý so sánh của những bà mẹ, vô tình sẽ cáu giận khi trẻ không nói được như ý mình muốn.
Vì thế, hãy điều tiết cảm xúc của mình. Dạy trẻ nói không nên nóng vội.
6. Chỉ vào đồ vật và gợi ý bé nói theo
Đây là cách giúp bé học từ mới và nhớ lâu hơn. Thời gian rảnh cùng chơi với bé bố mẹ nên dừng lại và chỉ vào các đồ vật trong nhà, đọc tên các đồ vật đó lên, đồng thời có thể nhờ bé mang đồ vật đến cho mình để bé có cơ hội tiếp xúc và nhớ lâu.
7. Khuyến khích trẻ hát
Không chỉ có bố mẹ hát ru cho trẻ mà nên khuyến khích trẻ hát dù là chưa rõ lời hay chỉ mới bập bệ, khi bé được khuyến khích và có được niềm vui sẽ tạo thêm động lực cho bé cố gắng phát âm ra từ cần thiết.
Cần hát một cách thật chậm, thậm chí đôi khi hát được vài câu, ba mẹ có thể dừng lại rồi hỏi bé “đoạn sau hát thế nào nữa con nhỉ?” nhằm kích thích trí nhớ cho trẻ, nhằm giúp trẻ bật tiếng nói của mình.
8. Tạo cơ hội giao tiếp giữa trẻ và bạn cùng trang lứa
Một môi trường lành mạnh cùng tinh thần vui vẻ là yếu tố giúp trẻ nói nhanh hơn. Và gặp đúng “cạ cứng” của mình chính là nhân tố giúp trẻ phát triển ngôn ngữ tự nhiên nhất. Trẻ con luôn có những ngôn ngữ của riêng chúng, mà chúng ta đôi khi chẳng hiểu được. Cho nên để trẻ tự nói chuyện với nhau, khi bạn A nói được, sẽ nói với bé, bé nghe theo và bắt chước. Cứ thế, chẳng mấy chốc khả năng nói của con yêu sẽ cải thiện đáng kể. Tốt hơn hết ba mẹ chỉ nên can thiệp khi trẻ gây gổ với nhau và có những hành động không phù hợp mà thôi.
Theo các chứng minh khoa học thì vốn từ của trẻ nhỏ có thể nói lên thành công trong tương lai của trẻ. Trẻ em có vốn từ phong phú sẽ có chức năng học tập và hành vi tốt hơn những đứa trẻ còn lại khi trưởng thành.
Với phát hiện mới này, các bậc cha mẹ sau khi tìm hiểu nên chú tâm hơn đến việc phát triển kỹ năng ngôn ngữ của trẻ ngay từ tấm bé nhé.