7 lợi ích tuyệt vời của trò chơi nhà búp bê.
Đồ chơi nhà búp bê có tác dụng kích thích năng lực não bộ của
cả trẻ. Vì vậy, bạn đừng ngại nếu con trai mình tỏ ra thích thú với trò chơi này.
Nhà búp bê là những ngôi nhà tí hon, với các bé búp bê, đồ nội
thất và nhiều vật dụng khác cũng nhỏ xinh không kém. Ngoài tác dụng giải trí,
chơi với nhà búp bê còn hỗ trợ cho sự phát triển của trẻ nhỏ – cả trai lẫn gái.
Nhà búp bê thu hút bé vào trò chơi tưởng tượng
Nhiều nghiên cứu khoa học đã xác nhận lợi ích của việc để trẻ
tham gia các trò chơi tưởng tượng và đóng vai. Đó là thúc đẩy các kỹ năng nhận
thức, cảm xúc, xã hội; cho phép trẻ rèn giũa khả năng sáng tạo và giao tiếp;
cung cấp chất liệu cho trẻ học cách giải quyết vấn đề.
Theo một bài báo của Tiến sĩ Susan Scheftel trên tạp chí
Psychology Today, chơi với nhà búp bê cho phép trẻ tạo ra các câu chuyện tưởng
tượng có thể mô phỏng việc xảy ra trong đời thực.
Tiến sĩ Scheftel nhấn mạnh rằng, qua trò chơi nhà búp bê, trẻ
có thể diễn tả cảm xúc và suy nghĩ một cách trực tiếp mà không lo sợ bị quở trách
hay phủ nhận. Nhờ đó, trẻ có cơ hội tự xử lý những rắc rối cảm xúc của mình. Bởi
chúng ta đều biết rằng, trẻ em cũng phải đối mặt với nhiều cảm xúc, tốt cũng như
xấu, mỗi ngày.
Phát triển kỹ năng xã hội
Ở đây, có sự xuất hiện của yếu tố đóng vai và các cuộc đối
thoại giữa những nhân vật mà đại diện là những “người” sống trong nhà búp bê. Tất
cả trẻ em cần phát triển kỹ năng xã hội bởi đó là nền tảng để kết nối với người
khác. Việc này cho phép trẻ không chỉ kết bạn mà còn sống hoà hợp với mọi người
xung quanh, đặc biệt khi con bắt đầu đi lớp hoặc đi làm.
Phát triển kỹ năng nói và vốn từ vựng
Ngoài việc học cách giao tiếp xã hội, trẻ cũng tăng vốn từ vựng
với sự trợ giúp từ trò chơi này. Trẻ học cách tường thuật tình huống diễn ra
trong ngôi nhà và thậm chí môt tả một số phòng, vật thể nhất định. Chơi với nhà
búp bê có thể làm cho trẻ thấy thoải mái hơn khi phát biểu, đặc biệt khi trẻ chơi
cùng người lớn hoặc bạn bè cùng lứa.
Cải thiện kỹ năng vận động tinh
Nhà búp bê thường gồm nhiều vật thể nhỏ cần được dịch chuyển
hoặc đổi tới những vị trí khác nhau. Chơi với những món đồ bé xíu là cơ hội tốt
để trẻ rèn luyện kỹ năng vận động tinh. Ngoài ra, trò chơi còn giúp trẻ học về
mối quan hệ không gian hay cách thức các vật ăn khớp với nhau trong không gian
nhất định. Kỹ năng này cho phép trẻ hiểu các khái niệm Toán khi đến trường.
Tăng cường khả năng sáng tạo
Khi một đứa trẻ chơi với nhà búp bê, bé hình dung vô vàn tình
huống mà “người” sống trong đó có thể gặp phải. Ví dụ, một gia đình đang ăn tối
cùng nhau hay người cha đang thay tã cho em bé… Một trò chơi như vậy là cách để
trẻ ráp nối các yêu tố trong cuộc sống thường ngày với lối tường thuật giả tưởng
mà trẻ sáng tạo ra. Đó cũng là thứ trẻ có thể kiểm soát và tuỳ chỉnh.
Nhà búp bê thuộc dạng trò chơi có kết thúc mở
Có nhiều loại đồ chơi kết thúc mở (open-ended toys) có ích
cho sự phát triển của trẻ. Đó là những thứ cho phép trẻ không cần phải gắn chặt
vào từng phần cố định mà có thể tuỳ biến rất linh hoạt: thay đổi, điều chỉnh đủ
kiểu phong phú. Ví dụ với nhà búp bê: Trẻ có thể sử dụng các quả bóng cotton làm
gối, bọt biển làm tấm đệm lò xo bật nhảy hay nắp chai làm ghế mini… Như tờ Lifehacker
từng viết: “Bên trong ngôi nhà đồ chơi, có vô hạn định số lượng các sắp đặt có
thể khám phá và những câu chuyện có thể kể”.
Dạy trẻ tầm quan trọng của lịch trình
Chơi với nhà búp bê thường liên quan tới các hoạt động diễn
ra tại nhà. Ví dụ: bữa ăn, giờ đi tắm, giờ đi ngủ. Như vậy, ngôi nhà búp bê có
thể giúp trẻ nhận ra lịch trình có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Không những
thế, việc giúp đỡ gia đình là rất cần thiết.