7 hoạt động giúp trẻ rèn thái độ và suy nghĩ tích cực.
Là cha mẹ, việc phải nghe con diễn tả những suy nghĩ tiêu cực hay chứng kiến con buồn bã, giận dữ, thất vọng thật không dễ dàng. Thật không may, khoa học chứng minh rằng, con người chìm đắm trong suy nghĩ tiêu cực nhiều hơn suy nghĩ tích cực một cách tự nhiên. Và trẻ em không phải ngoại lệ.
Thái độ tiêu cực này thường bắt nguồn từ nỗi sợ hãi, sự nghi ngờ hoặc xấu hổ – chúng sinh ra các chất gây stress trong não. Thái độ tiêu cực có thể định hình cách đứa trẻ nhìn nhận bản thân và thế giới.
Suy nghĩ tiêu cực có xấu không?
Không có cảm xúc “xấu”. Mọi suy nghĩ, cảm nhận đều có giá trị. Cả những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực, tích cực đều đóng vai trò nhất định trong cách chúng ta tiếp nhận thế giới quanh mình.
Ví dụ, nỗi buồn giúp chúng ta đi qua những giai đoạn khó khăn. Và con người sẽ không có một “la bàn đạo đức” nào hết nếu chưa bao giờ cảm thấy có lỗi hay xấu hổ.
Nhà tâm lý học Đan Mạch, Svend Brinkmann, giải thích rằng, áp lực phải suy nghĩ tích cực và liên tục vui vẻ biến hạnh phúc thành “trách nghiệm và gánh nặng”.
Không những thế, lúc nào cũng cố tỏ ra lạc quan khiến chúng ta xa rời cảm xúc thật của mình. Điều này đơn giản là không lành mạnh. Trên thực tế, nghiên cứu tâm lý học mới đây chỉ ra rằng, việc né tránh cảm xúc là một trong những nguyên nhân chính gây ra nhiều vấn đề tâm lý.
Vậy chúng ta có thể làm gì để giúp hình thành ở con thái độ tích cực về mình, về cuộc sống xung quanh?
Với tư cách làm cha mẹ, ta có thể dạy con cách chấp nhận cảm xúc tiêu cực và xử lý chúng theo hướng lành mạnh. Chúng ta có thể khích lệ thái độ và suy nghĩ tích cực ở con.
Theo nhà nghiên cứu tâm lý học tích cực Barbara Fredrickson, suy nghĩ tích cực quan trọng bởi nó mở rộng cảm nhận về các khả năng cũng như tâm trí bạn. Nó cho phép bạn xây dựng các kỹ năng mới. Suy nghĩ tích cực, theo Fredrickson, còn giúp trẻ em và cả người lớn trở nên kiên trì, bền bỉ hơn.
Nhà sinh học thần kinh Richard Davidson, Đại học Wisconsin, lý giải rằng, não bộ có tính “dẻo dai” và có thể huấn luyện để trở nên bản lĩnh hơn về mặt cảm xúc. Nhờ đó, ta có thể phản ứng trước những cảm xúc nhất định theo cách lành mạnh hơn. Điều này có thể đạt được nhờ các bài tập thần kinh giúp “tái lập trình” bộ não.
7 hoạt động giúp trẻ rèn thái độ và suy nghĩ tích cực
Tập thiền hướng tới sự tử tế
Tiến sĩ Barbara Fredrickson phát hiện thấy, 6 tuần tập một dạng thiền tập trung vào sự tử tế và lòng trắc ẩn giúp tăng cường cảm xúc tích cực. Ngoài ra, còn là sự kết nối xã hội. Không những thế, nó thậm chí còn giúp cải thiện sức khoẻ những người tham gia nghiên cứu của bà.
Trong nghiên cứu tương tự, Tiến sĩ Richard Davidson nhận thấy, thời lượng tập thiền dạng trên chỉ cần 2 tuần cũng có thể dẫn tới thay đổi trong mạch não vốn có liên hệ với sự tăng cường các hành vi xã hội tích cực. Ví dụ, sự hào phóng.
Thậm chí 3 tháng sau nghiên cứu, người tham gia tiếp tục thể hiện rõ nét sự tỉnh thức, mục đích sống, hỗ trợ xã hội. Trong khi đó, các triệu chứng bệnh tật đều giảm.
Bài tập thiền hướng tới sự tử tế và lòng trắc ẩn được thực hiện như sau: Nghĩ về những người thân yêu của mình. Sau đó, gửi cho họ những suy nghĩ tích cực. Sau này, trẻ có thể mở rộng suy nghĩ tích cực sang những người khác mà bé gặp trong đời. Tiến sĩ Fredrickson mô tả dạng thiền này là “hướng những lời chúc từ tâm tới người khác”.
4 cụm từ truyền thống được sử dụng trong bài thiền này bao gồm:
- Chúc bạn an toàn.
- Chúc bạn hạnh phúc.
- Chúc bạn khoẻ mạnh.
- Chúc bạn sống với sự dễ chịu.
Giúp đỡ người khác
Giúp đỡ người khác giúp củng cố thái độ và cảm xúc tích cực của trẻ. Những người tình nguyện được phát hiện có sự tự tin vào bản thân cao hơn và nhìn chung thái độ sống tích cực hơn.
Tiến sĩ Sonja Lyubomirsky, giáo sư tại Đại học California, cho biết: “Những người thực hiện hành động tốt vì mọi người trở nên hạnh phúc hơn theo thời gian”. Khi con bạn giúp đỡ người khác, bé cũng cảm nhận tốt về mình, từ đó, thấy lạc quan và tích cực hơn.
Giúp người khác còn liên quan tới việc nuôi dưỡng cảm giác mình thuộc về, sự bình yên trong tâm và lòng biết ơn. Với con trẻ, bé có thể giúp người hàng xóm cao tuổi dọn sân vườn, chỉ bạn cách làm bài khó hay tham gia hoạt động từ thiện phù hợp. Hay đơn giản là cùng em dọn đồ chơi, giúp mẹ dọn bàn ăn… Cả gia đình bạn hoàn toàn có thể chọn tặng sách cho bệnh nhi, nấu nồi cháo nghĩa tình…
Trẻ càng tích cực giúp đỡ những người xung quanh, thái độ, suy nghĩ của con càng thêm tích cực.
Ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời mỗi ngày
Theo Tiến sĩ Fredrickson, suy nghĩ tích cực bắt nguồn từ việc nhận diện và trân trọng những khoảnh khắc của hạnh phúc và cái đẹp. Những phút giây giản dị này có thể là một tiếng cười, một cái ôm, một chiều hoàng hôn hay tiếng chim ríu rít.
Một cách thực tế để giúp trẻ rèn kỹ năng này chính là viết nhật ký. Trong nhật ký, trẻ sẽ ghi lại những cảnh tượng hay khoảnh khắc đẹp/đáng nhớ. Trẻ có thể viết hoặc vẽ hình hoặc làm thơ…
Nghe có vẻ nhỏ bé nhưng viết về trải nghiệm tích cực thực sự tác động tới suy nghĩ tích cực. Nghiên cứu đăng tải trên tờ Journal of Research in Personality kiểm tra 90 sinh viên năm cuối, chia thành 2 nhóm. 1 nhóm viết về trải nghiệm tích cực mỗi ngày, trong 3 ngày. Nhóm kia viết về một chủ đề cho trước. 3 tháng sau, nhóm đầu tiên vẫn cảm nhận được hiện tượng tâm trạng tốt hơn, ít đau ốm hơn.
Viết nhật ký còn dạy trẻ nhận biết và tìm kiếm cái đẹp ở khắp nơi. Từ đó, giúp con định hình cách nhìn tích cực về bản thân và thế giới.
Đặt mục tiêu và đạt mục tiêu
Tiến sĩ Fredrickson và đồng nghiệp của bà cũng gợi ý hoạt động đặt mục tiêu để giúp trẻ tích cực hơn.
Còn Tiến sĩ Gabriele Oettingen, giáo sư tâm lý học tại Đại học New York và Đại học Hamburg, giải thích, chỉ riêng suy nghĩ tích cực không giúp con người đạt mục tiêu. Bà nhấn mạnh: “Những người mơ mộng không phải là những người hành động”.
Đôi khi, những người quá lạc quan về việc đạt được mục tiêu lại xem nhẹ những trở ngại mà họ có thể gặp. Rốt cuộc, họ thất bại và thất bại này khiến họ trở nên tiêu cực.
Để giúp con bạn đạt mục tiêu và phát huy suy nghĩ tích cực lâu dài, hãy thử phương pháp WOOP của Tiến sĩ Oettiengen:
- Wish – Mơ ước: Giúp con đưa ra một mục tiêu mà bé có khả năng đạt được.
- Outcome – Kết quả: Hướng dẫn con hình ảnh hoá kết quả tốt nhất có thể có được khi đạt mục tiêu. Kết quả đó trông như thế nào? Nó tạo cảm giác gì?
- Obstacle – Trở ngại: Lập danh sách những trở ngại có thể ngăn con bạn đạt mục tiêu. Những trở ngại này bao gồm cảm giác muốn từ bỏ hay bị thứ gì đó làm cho xao lãng (muốn chơi đồ chơi, lướt mạng…).
- Plan – Kế hoạch: Cuối cùng, lập kế hoạch xử lý những trở ngại này nếu/khi chúng xuất hiện. Hướng dẫn con viết hay nói những câu như: Nếu/khi (trở ngại), con sẽ (dự định vượt qua trở ngại như thế nào).
Hình ảnh hoá và lập kế hoạch đối phó với trở ngại từ trước giúp tăng cơ hội đạt mục tiêu cho trẻ. Nhờ đó, trẻ thấy tự tin hơn và có thái độ, suy nghĩ tích cực hơn.
Chia sẻ thái độ, suy nghĩ tích cực
Một trong những cách tốt nhất để dạy con thái độ, suy nghĩ tích cực là bạn LÀM MẪU hành vi này cho con. Khi bạn chấp nhận và xử lý cảm xúc của mình một cách lành mạnh, con bạn sẽ học theo.
Bạn cũng có thể chia sẻ trải nghiệm tích cực với con. Tiến sĩ Fredrickson quan sát thấy, “sự tích cực được sẻ chia – 2 người cùng có chung cảm xúc – có thể có tác động thậm chí lớn hơn tới sức khoẻ so với điều tích cực chỉ 1 người cảm nhận”.
Bà cũng gợi ý những hoạt động đơn giản như xem một chương trình tivi, bộ phim hài hước và cười cùng nhau. Hoặc chia sẻ một tin tức tốt lành, một câu chuyện dí dỏm. Bất cứ việc gì gợi lên cảm giác vui mừng, thoải mái, sự yêu thương, ấm áp đều góp phần dẫn tới suy nghĩ tích cực. Nhất là khi chúng được chia sẻ giữa 2 hay nhiều hơn 2 người.
Phát triển các kỹ năng và thử những hoạt động mới
Nhận biết điểm mạnh và trao cho con cơ hội phát huy là cách để con trải nghiệm thành công. Ví dụ, con có giọng hát đẹp, hãy để con thử các lớp học hát và tham gia văn nghệ ở trường. Nếu con đá bóng giỏi, đăng ký cho con vào đội bóng địa phương.
Khi con phát triển các kỹ năng và thành công, con sẽ càng thêm tự tin và có thái độ, suy nghĩ tích cực hơn.
Tương tự, thử những điều mới cũng đem lại lợi ích to lớn cho trẻ. Bạn thậm chí có thể tìm những hoạt động mới để tham gia cùng con. Ví dụ, một lớp nấu ăn, một lớp học vẽ… Đó sẽ là một trải nghiệm tích cực được chia sẻ giữa bạn và con.
Thực hành những lời xác nhận tích cực
Những lời xác nhận tích cực là các câu nói mà bạn có thể lặp lại với bản thân để tăng cường sự tự tin, hạn chế suy nghĩ tiêu cực. Chúng mang lại hiệu quả nhất nếu bạn để con tự nghĩ ra lời xác nhận cho riêng mình. Ví dụ:
- Tôi tốt bụng.
- Tôi giàu tình yêu thương.
- Tôi là bạn tốt.
- Tôi cá tính.
Bạn có thể in những lời xác nhận của con ra và dán lên tường phòng con. Trước đó, bạn và con có thể cùng làm dự án nghệ thuật, trang trí cho các câu nói khích lệ ấy.
Tóm lại, để giúp con rèn thói quen suy nghĩ tích cực, hình thành thái độ tích cực, hãy thực hiện các hoạt động sau:
- Thực hành thiền yêu thương bằng cách gửi suy nghĩ tích cực cho người khác.
- Tạo cơ hội cho con làm tình nguyện, giúp đỡ mọi người.
- Dạy con trân quý những điều bé nhỏ, tìm kiếm vẻ đẹp và ghi vào nhật ký.
- Hướng dẫn con đặt và đạt mục tiêu với phương pháp WOOP.
- Làm mẫu trải nghiệm tích cực, chia sẻ trải nghiệm của bạn với con.
- Khích lệ con phát huy thế mạnh và thử những hoạt động mới.
- Để con tự sáng tạo ra những câu nói cổ vũ suy nghĩ tích cực của riêng mình.