Ngày càng có nhiều cha mẹ lo lắng về tác hại của việc xem điện
thoại quá nhiều với não bộ của con. Nhưng vấn đề còn nằm ở chính các bậc phụ
huynh. Nếu bạn sở hữu thói quen dùng điện thoại tốt, nhiều khả năng con bạn sẽ
học theo và ngược lại.
Sau đây là 6 bí quyết để bạn kiểm soát thời gian xem điện
thoại của chính mình, để ở bên con nhiều hơn, ý nghĩa hơn:
Tâm niệm điều quan trọng này
Là điều mà cha mẹ hầu như không ai là không biết, tuổi thơ của con trôi qua rất nhanh. Ngoảnh đi ngoảnh lại, bé có thể đã đến tuổi trưởng thành trước khi bạn kịp nhận ra. Nếu để tới lúc đó mới thiết tha mong được dành thời gian cho con nhiều hơn thì đã quá muộn rồi.
Quan sát chính bạn từ phía ngoài
Lần tới bạn thấy mình đang chăm chú xem điện thoại khi ở bên
các con, hãy hình dung trông bạn sẽ thế nào nếu đứng ở góc nhìn của trẻ. Liệu đó
có phải hành vi bạn muốn làm gương cho con noi theo không?
Hỏi con nghĩ gì về mối quan hệ của bạn với điện thoại
Khi con trẻ bày tỏ suy nghĩ riêng, nó có thể khiến bạn bất ngờ. Và quan trọng hơn, sau đó sẽ là động lực để bạn thay đổi.
Quyết định muốn dành thời gian cho con nhiều hơn là 1 chuyện.
Cưỡng lại sự cám dỗ của điện thoại lại là chuyện khác.
Một mẹo nhỏ là bạn có thể để điện thoại ở một phòng khác, nơi
bạn không thể nhìn thấy và tiện tay cầm lên. Một mẹo khác là đặt hình nền điện
thoại cho chế độ màn hình khoá sao cho nó nhắc nhở bạn về việc bạn có thực sự cần
xem điện thoại ngay lúc này không. Có một số ảnh tải miễn phí tại phonebreakup.com.
Bạn cũng có thể tải về một công cụ chặn trang web/ứng dụng – ví dụ Freedom hoặc ( OFFTIME ) rồi tạo
danh sách các trang web, ứng dụng mà bạn không muốn truy cập trong lúc ở bên
con.
Quy định “góc không điện thoại” cho cả gia đình
Ví dụ: không xem điện thoại ở bàn ăn hay trong phòng ngủ. Việc
tạo một trạm sạc pin gia đình cũng có thể giúp ích. Đó là nơi điện thoại của mọi
thành viên trong nhà sẽ “ngủ” qua đêm tại đó. Lưu ý: Cùng quyết định hình phạt
nếu các con bắt gặp bạn “ăn gian”. Có thể là một số tiền nhỏ để cuối cùng chi
tiêu cho hoạt động chung của cả gia đình. Một số ứng dụng như Flipd và LilSpace có thể tạo
ra các cuộc thi đua trong nhà để đoạt danh hiệu “tránh xa điện thoại lâu nhất”.
Chuẩn bị sẵn sàng các phương án B, C…
Nếu trong nhà bạn chỉ có điện thoại thông minh thì thật khó để bỏ qua nó trong trường hợp bạn cần dỗ dành ngay cô/cậu nhóc đang mè nheo, ăn vạ của mình. Thay vào đó, hãy chuẩn bị sẵn trong nhà (trong túi xách, trong xe hơi…) các phương tiện giải trí thay thế. Ví dụ: thật nhiều sách hay ở các vị trí dễ tiếp cận. Hoặc một bộ trò chơi cá ngựa/board games. Nhờ đó, trẻ có thể thư giãn mà không cần viện tới việc xem điện thoại. Đơn giản là càng xem nhiều thì việc lệ thuộc vào nó càng tăng. Việc từ bỏ cũng vì thế càng trở nên khó khăn hơn.