Trà xanh, sữa nghệ, trà hoa cúc giúp cơ thể giữ ấm trong mùa lạnh, ngoài ra còn có tác dụng bổ ích khác với sức khỏe.
Khi thời tiết chuyển rét, sức đề kháng của con người có thể suy giảm, kèm theo sự bùng phát của các loại virus, vi khuẩn, khiến cơ thể bị nhiễm bệnh. TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, giới thiệu ba loại đồ uống sau có thể đem lại nhiều lợi ích.
Trà xanh
Bác sĩ Sơn cho biết trà xanh là vị thuốc lâu đời trong y học cổ truyền. Y học hiện đại cũng chứng minh trà xanh giàu chất chống oxy hóa, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Chất flavonoid trong thức uống này giúp giảm nồng độ và hạn chế quá trình oxy hóa cholesterol xấu, hỗ trợ giảm huyết áp, giãn mạch máu.
Với người bệnh tiểu đường type 2, lượng đường trong máu cao do insulin (chất giúp chuyển hóa đường trong cơ thể) giảm nhạy cảm hoặc cơ thể không tự sản xuất được. Lúc này, trà xanh giúp cải thiện độ nhạy với insulin. Trà xanh cũng hỗ trợ giảm cân, do chứa caffein giúp tăng cường chuyển hóa chất béo thành năng lượng và thúc đẩy trao đổi chất. Các hợp chất chống oxy hóa mạnh trong trà xanh hỗ trợ phòng ngừa các bệnh ung thư vú, tuyến tiền liệt... Trong trà có caffein, L-theanie giúp cải thiện sự tỉnh táo của não bộ.
Do đó, trà xanh cũng là thức uống nóng được khuyến khích trong mùa đông lạnh. Tuy nhiên, bác sĩ Sơn khuyến cáo những người bị táo bón, phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt, mang thai và cho con bú không nên uống trà xanh. Loại trà này thể làm ảnh hưởng hấp thu, tiêu hóa thức ăn. Chất acid oxalic làm hạn chế thấp thu sắt – chất rất cần thiết cho phụ nữ mang thai, đồng thời gây mệt mỏi, mất ngủ, kiệt sức.
Người mắc chứng rối loạn giấc ngủ, viêm loét dạ dày, bệnh tim mạch, huyết áp, gan, sỏi tiết niệu, suy dinh dưỡng, sốt cao, thiếu calci hoặc loãng xương, thiếu máu thiếu sắt và trẻ dưới 3 tuổi cũng không nên uống trà xanh.
Về cách dùng, bác sĩ Sơn khuyên mọi người uống trà vào buổi sáng để giúp tỉnh táo, làm việc hiệu quả, nâng cao sức đề kháng của cơ thể và phòng chống bệnh mạn tính. Mọi người nên uống 2-3 tách trà (tương đương khoảng 1000 ml) mỗi ngày. Sau khi ăn nhiều dầu mỡ, mọi người cũng nên uống trà nóng và không quá nhiều, để giúp tiêu hóa tốt hơn.
Mọi người không uống trà với rượu do gây hại cho thận và bài tiết. Không uống trà cùng với thuốc do trà xanh có thể tương tác với các thành phần trong các loại thuốc, làm giảm hiệu quả của thuốc, chỉ nên uống trà sau khi dùng thuốc được 2 giờ. Không nên uống trà xanh lúc đói hoặc buổi sáng khi mới dậy bởi trà sẽ làm loãng dịch vị, giảm chức năng tiêu hóa gây ra viêm dạ dày. Thời điểm tốt nhất để uống trà là sau bữa ăn 30-45 phút.
Tránh uống trà sau khi ăn thịt chó hoặc thịt dê. Lý do là những thực phẩm này rất giàu protein, nếu sau khi ăn mà uống trà ngay thì acid tannic trong trà sẽ kết hợp với protein để tạo thành tannalbin. Tannalbin là thành phần có tác dụng giữ nước và gây táo bón.
Mọi người không uống trà quá đặc do trà chứa lượng caffein cao, kích thích thần kinh, tăng độ hưng phấn. Trà đặc gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thu sắt và gây thiếu máu. Tránh uống trà trước khi đi ngủ do ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian ngủ. Không nên uống trà để quá lâu do lượng caffein trong trà sẽ tăng lên, khi uống gây khó chịu, đồng thời trà để lâu khiến vitamin B và C đều bị phân hủy.
Sữa nghệ
Theo bác sĩ Sơn, sữa nghệ chứa nhiều dưỡng chất như kháng sinh, niacin, xơ, vitamin C, K, E, magie... Do đó, sữa nghệ giúp đẩy nhanh quá trình liền sẹo, làm dịu và giảm đau vết thương sau phẩu thuật và sinh nở, ngoài ra có thể chống viêm dạ dày, bổ sung chất dinh dưỡng, hỗ trợ giảm viêm, đau khớp, củng cố trí nhớ và chức năng của não, tăng cường sức khỏe tim mạch, tăng cường hệ miễn dịch... Sữa nghệ còn giúp giảm các dấu hiệu lão hóa, mụn, quầng thâm...
Tuy nhiên, một số người không nên uống sữa nghệ, ví dụ bệnh nhân thiếu máu do sữa nghệ có tác dụng hấp thụ sắt nhanh hơn cho cơ thể; người bị rối loạn chảy máu, tiểu đường, rối loạn trào ngược dạ dày thực quản, tiểu đường, trào ngược, vô sinh, phụ nữ mang thai. Người hay gặp các vấn đề như nóng, bồn chồn, hồi hộp, mụn trứng cá, ngứa, dị ứng, cũng không nên uống sữa nghệ. Bệnh nhân sỏi mật cũng không nên uống do nghệ có khả năng tăng tiết mật, có thể làm trầm trọng thêm bệnh lý về mật.
Sữa nghệ và thảo dược.
Để pha sữa nghệ, mọi người có thể sử dụng 250 ml sữa tươi, đun nóng trong 3-4 phút đến khi sủi bọt lăn tăn, sau đó pha với ¼ thìa cafe một nghệ, khuấy đều, lọc bỏ cặn nếu có. Mọi người có thể dùng thêm mật ong để điều vị, nên uống sữa nghệ khi còn nóng.
Tuy nhiên, bác sĩ Sơn khuyến cáo mọi người không nên pha sữa nghệ quá ngọt do làm mất đi chất curcumin trong nghệ, giảm hiệu quả với cơ thể. Mọi người cần uống với liều lượng vừa phải do tiêu thụ quá nhiều nghệ có thể gây ra bệnh dạ dày, mất nước và táo bón.
Bên cạnh đó, nghệ có tác dụng ngăn ngừa quy trình đông máu và có tác dụng chống tiểu cầu, vì vậy trước khi uống, mọi người cần hỏi ý kiến bác sĩ. Không nên cho trẻ nhỏ dưới một tuổi uống sữa nghệ và mật ong vì trẻ không chịu đựng được đặc tính kháng sinh tự nhiên có trong mật ong.
Sữa nghệ có tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, rối loạn chuyển hóa sắt, chặn protein hepcidin, thiếu sắt... Do đó, mọi người nên để ý về liều lượng mỗi lần dùng và hỏi bác sĩ trước khi sử dụng để có hiệu suất cao tốt cũng như hạn chế những tác dụng phụ.
Trà hoa cúc
Khác với trà xanh, trà hoa cúc không chưa caffein, vì vậy uống trà hoa cúc không ảnh hưởng đến giấc ngủ. Trà hoa cúc có apigenin, chất chống oxy hóa liên kết với một số cơ quan trong não bộ, có thể giúp giảm chứng mất ngủ.
Trà hoa cúc cũng giúp tăng sức khỏe tim mạch do có hàm lượng flavones dồi dào. Theo một số nghiên cứu, flavones có thể giúp giảm huyết áp và nồng độ cholesterol, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, trà hoa cúc giúp ngừa ung thư vú, tiêu hóa, tiền liệt, da, tử vong; kiểm soát đường trong máu bằng cách chống tổn thương tế bào tuyến tụy tạo insulin.
Cốc trà hoa cúc.
Theo y học cổ truyền, hoa cúc trắng có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, chống viêm. Do đó, trà hoa cúc không sử dụng cho những người đang bị cảm lạnh, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, đau đầu, lạnh tay chân, người dị ứng phấn hoa.
Trà hoa cúc có vị thanh mát, hơi đắng, có thể phù hợp để sử dụng uống hàng ngày, theo bác sĩ Sơn. Tuy nhiên, mọi người nên sử dụng khoảng 3-6 bông hoa cúc pha cùng 250 ml nước, mỗi ngày chỉ nên dùng 3 cốc. Để pha trà, mọi người chỉ cần dùng một vài bông hoa cúc khô hoặc một thìa bột hoa cúc khô vào cốc nước nóng khoảng 80-90 độ, khuấy đều và hãm trà trong 3-5 phút, có thể lọc bỏ cặn nếu cần. Để tăng hương vị trà, mọi người có thể bổ sung thêm mật ong hữu cơ.
Bác sĩ Sơn khuyến cáo, ba loại nước uống này không cung cấp đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người như chất béo, chất đạm, carbohydrate, xơ... Do đó, mọi người nên duy trì chế độ ăn uống cân bằng và đầy đủ dưỡng chất để cơ thể khỏe mạnh, chỉ nên uống các loại nước này như một thức uống bổ sung.