Trò chơi nhận thức – tình huống
Việc tìm hiểu về thế giới xung quanh giúp trẻ tìm tòi, rút ra được cho mình những kinh nghiệm và bài học cần thiết. Bạn có thể thông qua những tình huống hàng ngày để kích thích trí tò mò và hứng thú học hỏi, trau dồi kiến thức ở bé.
Một số trò chơi nhận thức – tình huống trong việc giáo dục kỹ năng cho trẻ
- Trò chơi đoán tên đồ vật: Đây là một trong những trò chơi vận động giúp bé phát triển nhận thức một cách toàn diện, chú ý vào các chi tiết nhỏ. Bạn chỉ cần lấy bất kỳ món đồ vật nào trong nhà, hay ở cửa hàng, khu vui chơi để miêu tả về chúng và cho trẻ đoán tên.
- Trò chơi miêu tả: Bạn có thể cho trẻ nhìn bức tranh vẽ đồ vật, phong cảnh, con người sau đó đưa ra thử thách cho bé nhắm mắt để miêu tả lại những gì mà chúng nhớ. Bé càng nhớ được nhiều chi tiết thì bố mẹ sẽ dành tặng cho bé nhiều lời khen hơn.
Trò chơi tìm đường
Đây là một trong những trò chơi giúp trẻ phát triển kỹ năng xác định vị trí. Bạn chỉ cần chỉ cho bé dấu hiệu nhận biết những lối rẽ, sau đó để bé miêu tả lại.
Bạn cần chỉ cho bé cách tìm đường, đọc bản đồ. Trong cuộc sống, có thể vì nhiều tình huống mà bé nhà bạn bị lạc hay mất phương hướng di chuyển khi bạn không ở cùng con. Bố mẹ có thể lựa chọn một địa điểm mà để bạn và bé gặp nhau nếu có thất lạc hay bé đi sai đường.
Ví dụ như:
- Có thể gặp mọi người ở nhà bếp nếu khi bé đang ở nhà.
- Khi bé chỉ có 1 mình và muốn đến được địa điểm nào đó, hãy nhờ người đưa đi hoặc nhờ người chỉ đường.
- Nếu bị lạc ở một nơi có đông người, hãy đứng yên tại chỗ, không di chuyển lung tung.
Đồng thời, để bé không cảm thấy bối rối và sợ hãi, bố mẹ cũng nên dạy bé các bước sau: Dừng chân, suy nghĩ, quan sát và vạch ra kế hoạch.
Bố mẹ có thể dựng lên tình huống nho nhỏ, không nhất thiết phải rời xa con. Tuy nhiên, có thể đứng 1 vị trí để quan sát cách bé xử lý tình huống sau khi đã được hướng dẫn.
Dạy bé trò chơi không sợ bóng tối
Trẻ nhỏ thường rất sợ bóng tối, chúng sẽ căng thẳng, khóc thét và hoảng loạn vì không biết phải làm gì. Với những bé lớn một chút, bố mẹ có thể cùng con đi dạo vào buổi tối, chơi những trò chơi ngoài trời khi trời tối để bé tập làm quen.
Riêng đối với những bé nhỏ hơn, bố mẹ có thể chơi với bé trong sân nhà khi trời ngả tối. Thông qua những trò chơi đơn giản như đếm sao, ngắm sao, đi theo ông Trăng…
Trò chơi giúp bé nhận biết các loại nước
Nước là một thành phần rất quan trọng đối với mỗi người chúng ta, nhất là trẻ nhỏ. Tuy nhiên, sẽ thật nguy hiểm nếu bé uống nhầm những loại nước nhiễm độc. Vì thế, bố mẹ nên xây dựng những trò chơi, tình huống để giúp bé dễ dàng nhận biết đâu là nguồn nước an toàn, đâu là nguồn nước không đảm bảo, những loại nước nào tốt cho sức khỏe và loại nào không.
Vào cuối tuần, bố mẹ có thể dắt bé đi công viên, đi dạo trong sân…sau đó, bố mẹ hãy lập những tình huống về việc tìm nước, đun nước, lọc nước hay cách để phân biệt nước sạch để bé có thêm kinh nghiệm sống cho mình.
Cho bé chơi trò chơi trốn tìm
Hầu như mọi đứa trẻ đều thích trò chơi trốn tìm này. Qua trò chơi này, bé có thể rèn luyện cho mình kỹ năng sống tự bảo vệ bản thân an toàn, tìm nơi chú ẩn khi gặp nguy hiểm. Đồng thời, thông qua trò chơi bạn cũng có thể dựng thêm những tình huống gay cấn về dấu hiệu của người xấu để bé ghi nhớ và đề phòng.
Trò chơi săn tìm báu vật
Đây là một trong các trò chơi dạy kỹ năng sống hiệu quả để bạn giúp bé nhận ra những món vật dụng thiết yếu trong môi trường xung quanh. Thông qua trò chơi, bố mẹ có thể hướng dẫn con cách tìm thức ăn, học về đặc tính của các loại cây, động vật…
Quan tâm đến người khác
Đây là trò chơi mà bạn có thể giúp bé rèn luyện kỹ năng sống chan hòa, yêu thương. Bạn hãy tạo dựng những tình huống giả định, cho bé hóa thân vào các nhân vật để giải quyết tình huống, giúp đỡ người gặp khó khăn và san sẻ cho họ tình thương của mình. Các bé nhỏ đều rất thích được hóa thân thành những nhân vật dễ thương, vì thế đây sẽ là trò chơi khơi gợi nhiều hứng thú cho bé.
Trò chơi vận động
Thông qua những trò chơi vận động như nhảy dây, trồng cây, những trò chơi dân gian…bé nhà bạn vừa phát triển khả năng vận động, rèn luyện sức khỏe, vừa có thể phát triển tư duy sáng tạo một cách tốt nhất. Vì thế, đừng ngại việc bé chạy nhảy, vui chơi ngoài sân vườn với quần áo lấm lem. Dưới sự giám sát của bạn, bé rất an toàn, nên bạn hãy cứ để bé phát triển toàn bộ khả năng của mình nhé.
Trò chơi mua bán, trao đổi, thương lượng
Cho dù là bé trai hay bé gái thì trò chơi nội trợ, buôn bán luôn rất hấp dẫn. Thông qua trò chơi này, các bé có thể nhận định được những gì mua bán được, thương lượng như thế nào là tốt, nhận biết mệnh giá tiền, quý trọng sức lao động…
Trò chơi nói thật
Bố mẹ hãy cùng bé giao kèo về trò chơi nói thật, để có thể thấu hiểu bé và san sẻ được với bé nhiều vấn đề hơn. Không khí của trò chơi nên để bé thật thỏa mái, vì vừa giúp bé cảm thấy tin tưởng khi chia sẻ với bạn, vừa hình thành cho bé thói quen trung thực, lại giúp bé hiểu ra những điều phải trái, đúng sai khi bạn dành tặng bé lời khuyên.