Luyện giác quan thông qua trò chơi Montessori sẽ giúp trẻ rèn luyện sự khéo léo, tăng khả năng tập trung cũng phát triển sự sáng tạo một cách vượt bậc.
Phương pháp Montessori – được sáng lập bởi Tiến sĩ người Ý Maria Montessori là một phương pháp giáo dục việc học tập của trẻ thông qua các giáo cụ trực quan. Trẻ trong giai đoạn từ ba tuổi phát triển rất nhanh khả năng nhận thức về thế giới xung quanh. Áp dụng các trò chơi Montessori trong giai đoạn này sẽ giúp não bộ của trẻ được kích thích một cách tự nhiên và phát triển toàn diện. Ba mẹ có thể phát triển giác quan cho trẻ bằng trò chơi Montessori tại nhà đơn giản dưới đây.
Trò chơi 1: Chơi với đất nặn
Trò chơi đất nặn giúp trẻ tăng khả năng khéo léo và sáng tạo
Đất nặn là vật dụng không hề xa lạ đối với ba mẹ và bé. Ba mẹ có thể dễ dàng mua những hộp đất nặn đầy màu sắc trong nhà sách hoặc trong các cửa hàng văn phòng phẩm.
Chơi với đất nặn là một trò chơi đơn giản giúp rèn luyện khả năng tập trung, phát huy trí tưởng tượng cũng như óc sáng tạo của trẻ. Trước khi cùng trẻ tham gia trò chơi này, ba mẹ cần chuẩn bị đất nặn an toàn với nhiều màu sắc khác nhau; thanh cán bột; dụng cụ cắt và tạo hình đất nặn như kéo hoặc khuôn nhựa; giấy in hình chữ cái hoặc hình vẽ. Sau khâu chuẩn bị, ba mẹ có thể làm mẫu cho trẻ bằng cách dùng thanh cán bột cán mỏng miếng đất sét, sau đó cho vào khuôn nhựa tạo hình theo ý bé muốn. Hoặc ba mẹ hướng dẫn bé nặn các thanh đất sét dài, rồi dùng dao cắt nhỏ từng miếng và dán lên hình vẽ được in trên giấy.
Khi đã hướng dẫn xong, ba mẹ hãy để bé tự do khám phá và sáng tạo các viên đất nặn theo ý bé muốn nhé. Phát triển giác quan cho trẻ bằng trò chơi Montessori này sẽ tăng khả tư duy sáng tạo và hoàn thiện kỹ năng khéo léo cho trẻ.
Trò chơi 2: Gắp rau củ quả
Gắp rau củ giúp trẻ luyện đôi tay khéo léo
Ba mẹ hãy chuẩn bị các loại trái cây hoặc rau củ nhiều màu sắc được thái nhỏ, dụng cụ gắp rau củ như muỗng, đũa rồi dạy bé cách dùng nó để gắp thực phẩm từ chén này sang chén khác. Đối với trẻ trong giai đoạn ba tuổi thì ba mẹ nên cắt miếng to cho trẻ dễ gắp. Lúc này, ba mẹ chỉ cần đứng bên cạnh và đọc tên loại thực phẩm mà mình muốn trẻ gắp. Một lưu ý nho nhỏ là ba mẹ hãy đọc tên loại thực phẩm đó kết hợp với màu sắc của chúng. Ví dụ như miếng cà rốt màu cam, miếng súp lơ màu xanh lá,… Thông qua trò chơi này, trẻ sẽ được luyện khả năng khéo léo bằng đôi tay, cách nhận biết màu sắc và phân loại các loại rau củ khác nhau.
Trò chơi 3: Tắm cho thú bông hoặc búp bê
Hoạt động tắm cho thú bông giúp trẻ phân biệt bộ phận cơ thể
Một trong những hoạt động gây hứng thú nhất cho trẻ chính là việc tắm cho thú bông hoặc búp bê. Hoạt động này giúp trẻ biết quan tâm đến người khác cũng như biết phân biệt từng bộ phận trên cơ thể.
Để chuẩn bị cho hoạt động này, ba mẹ cần chuẩn bị một con thú bông hoặc búp bê, sữa tắm, chậu tắm nhỏ, và thêm một chiếc ghế nhựa cho trẻ. Ba mẹ nên sử dụng loại xà phòng tắm không làm cay mắt bé, để khi nước có bị bắn tung tóe ra ngoài trong lúc tắm, trẻ cũng không bị cay mắt.
Đầu tiên, ba mẹ cho một chút sữa tắm vào chậu nước và hòa tan đến khi có bong bóng nổi lên. Tiếp theo, ba mẹ đặt chú gấu vào chậu nước và dạy bé cách tắm cho gấu. Sau đó ba mẹ hãy vừa để trẻ tự thử tắm cho gấu vừa yêu cầu bé tắm các bộ phận trên cơ thể gấu như tay, chân, bụng hoặc đầu. Khi đó, trẻ sẽ được thực hành và dễ dàng nhớ tên gọi của các bộ phận trên cơ thể.
Trò chơi 4: Sắp xếp bàn ăn
Sắp xếp bàn ăn dạy trẻ biết cách giúp đỡ ba mẹ
Để phát triển giác quan cho trẻ bằng trò chơi Montessori này, ba mẹ hãy chuẩn bị hai miếng khăn trải bàn nhỏ hoặc hai mảnh giấy A4 hai cái chén, hai đôi đũa, hai cái thìa, và hai chiếc cốc. Ba mẹ có thể dùng chính chén đũa trong nhà mình hoặc dùng chén nhựa đồ chơi nếu sợ trẻ làm rơi vỡ trong quá trình hoạt động.
Bước đầu tiên trong trò chơi này ba mẹ hãy chỉ cho trẻ cách sắp xếp bàn ăn. Ba mẹ có thể làm theo đúng phương pháp Montessori bằng cách vẽ hoặc đánh dấu vị trí của từng đồ vật lên trên mảnh khăn hoặc mảnh giấy. Một chút lưu ý trong cách làm khăn trải bàn chính là ba mẹ nên dùng bút chì để vẽ hình chiếc cốc, muỗng, ly theo đúng vị trí rồi đồ lại bằng bút mực hoặc bút dạ. Làm như vậy sẽ giúp trẻ có thể sử dụng lại nhiều lần trong những lần chơi tiếp theo.
Sau khi hướng dẫn, ba mẹ khuyến khích trẻ làm tương tự điều này cho “vị khách” của bé. “Vị khách” đó có thể là một chú gấu bông, búp bê hoặc chính ba mẹ. Đừng quên cùng bé tham gia trò chơi để tạo sự hứng thú cho bé, ba mẹ nhé. Trò chơi này giúp trẻ có thói quen sắp xếp bàn ăn trong thời gian ăn và giúp trẻ biết cách giúp đỡ ba mẹ trong công việc nhà.
Trên đây là những trò chơi giúp bé rèn luyện sự khéo léo, tăng khả năng tập trung cũng như sáng tạo. Từ những nguyên vật liệu đơn giản, dễ tìm và có sẵn tại nhà, ba mẹ hoàn toàn có thể luyện giác quan cho trẻ bằng trò chơi Montessori một cách hiệu quả.